Lợi nhuận sau thuế quý I/2018 của Hòa Bình giảm 25% dù doanh thu tăng, khoản phải thu vẫn lớn
Hòa Bình xây mộng lớn ở Campuchia | |
Hoà Bình làm tổng thầu D&B dự án của Tân Hoàng Minh, trị giá hợp đồng 280 tỷ đồng | |
Hoà Bình trúng hai gói thầu trị giá gần 950 tỷ đồng |
Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận vẫn giảm
Theo báo cáo tài chính quý I/2018 do CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) mới công bố, công ty đạt 3.346 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với cùng kỳ. Các khoản mục giá vốn hàng bán và lợi nhuận gộp cũng tăng tương ứng 10%. Tuy nhiên, do các chi phí đều tăng nhanh hơn nên lợi nhuận trước và sau thuế của công ty đều sụt giảm từ 23% đến 25%.
Cụ thể, chi phí quản lý doanh nghiệp của HBC tăng 26%, từ 94,5 tỷ đồng lên 119,5 tỷ đồng trong đó chi phí nhân viên tăng 48%, chi phí khác tăng hơn gấp đôi. Chi phí bán hàng cũng tăng 50% lên 20 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính của công ty quý vừa rồi cũng không khả quan. Doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 32 tỷ đồng xuống còn 13 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi giảm. Trên bảng cân đối kế toán của công ty, khoản mục tiền và tương đương tiền giảm 48%, từ gần 495 tỷ đồng còn 258 tỷ đồng.
Thêm vào đó, chi phí tài chính quý vừa rồi lại cao gấp gần 3 lần do lãi tiền vay và dự phòng giảm giá đầu tư tăng. Tính chung lại, trong khi quý I năm trước công ty có lãi gần 5 tỷ đồng từ hoạt động tài chính thì năm nay công ty lỗ hơn 58 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận của công ty trong quý vừa qua là 174 tỷ đồng trước thuế và 135 tỷ đồng sau thuế, giảm lần lượt 23% và 25% so với cùng kỳ.
Nợ phải trả tiếp tục cao trên 80% tổng tài sản, giá trị khoản phải thu lớn
Đến cuối quý I, tổng tài sản của HBC là 13.421 tỷ đồng thì nợ phải trả là 10.833 tỷ đồng, chiếm gần 81%. Trong nợ phải trả thì nợ ngắn hạn lại chiếm tỷ trọng rất lớn tới trên 94% và giá trị gần 10.200 tỷ đồng, trong đó đa số là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (4.370 tỷ đồng) và phải trả người bán ngắn hạn (2.282 tỷ đồng).
Nợ dài hạn của HBC chỉ là 637 tỷ đồng, chiếm 6% tổng nợ phải trả. Với cơ cấu này, HBC phải chịu áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Đặc biệt, nếu lãi suất tăng thì chi phí tài chính của HBC cũng sẽ tăng cao tương ứng.
Một điểm đáng lưu ý khác với bảng cân đối kế toán của HBC là khoản phải thu trị giá gần 9.000 tỷ đồng, giảm 2% so với cuối năm 2017 nhưng vẫn chiếm tới 81% tài sản ngắn hạn và 67% tổng tài sản. Tại thời điểm cuối 2017, tỷ lệ khoản phải thu trên tài sản ngắn hạn và tổng tài sản của HBC lần lượt là 79% và 66%.
Trong các khoản phải thu thì giá trị lớn nhất là phải thu ngắn hạn của khách hàng (2.922 tỷ đồng) và phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng (4.840 tỷ đồng).Nguyên nhân là do cách hạch toán doanh thu theo tiến độ của Hoà Bình: làm đến đâu hạch toán doanh thu đến đó, dù chưa thu được tiền.
Thuyết minh báo cáo tài chính của HBC cũng không trình bày chi tiết về các khoản phải thu có giá trị lớn này.
Việc giá trị khoản phải thu quá lớn như vậy sẽ tạo áp lực lên vốn lưu động ròng và gia tăng nguy cơ nợ khó đòi và trích lập dự phòng rủi ro. Mặc dù doanh thu của HBC tăng nhưng nhìn vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đang âm 242 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần chung cả kỳ âm 237 tỷ đồng.