|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Loạt doanh nghiệp bán tài sản ngoài ngành

14:57 | 22/05/2024
Chia sẻ
Quốc Cường Gia Lai, Masan, MWG, HAGL... đang tái cấu trúc các khoản đầu tư ngành ngoài bằng cách thu hẹp hoặc chuyển nhượng tài sản, qua đó có thêm nguồn lực cho các mảng kinh doanh cốt lõi.

Hội đồng quản trị CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) mới thông báo sẽ chuyển nhượng dự án và các tài sản khác ở Nhà máy Thủy điện Ia Grai 2 và Thủy điện Ayun Trung, nhằm tái cơ cấu đầu tư. 

Đây là 2 nhà máy do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thủy điện Quốc Cường - một công ty con của Quốc Cường Gia Lai, làm chủ đầu tư. Thời gian chuyển nhượng trong quý II-III, với tổng giá trị khoảng 615 tỷ đồng.

Đây là động thái tái cơ cấu quan trọng khi Quốc Cường Gia Lai muốn từ bỏ mảng thủy điện trong danh mục tập trung cho mảng cốt lõi là bất động sản, đồng thời có thêm nguồn vốn để giải quyết các vấn đề dòng tiền ngắn hạn.

 Quốc Cường Gia Lai đang bán mảng thủy điện trong bối cảnh cần dòng tiền ngắn hạn. Ảnh: TL.

Năm 2012, công ty này đã khai thác 3 tổ máy của dự án thủy điện Ia Grai 1 với công suất 10,8MW. Sau đó, công ty bất động sản tiếp tục đầu tư vào dự án thủy điện Ia Grai 2, Pleikeo và Ayun Trung.  

Vào tháng 3/2023, Quốc Cường Gia Lai đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ dự án thủy điện Ia Grai 1 và thực tế đã nhận khoản trả trước gần 48 tỷ đồng từ CTCP Thủy điện Mặt trời. Tuy nhiên đến 26/2, công ty thông báo hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng với đơn vị này. 

Động thái này còn liên quan đến dòng tiền ngắn hạn khi Tòa án mới đây đã yêu cầu Quốc Cường Gia Lai phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan liên quan đến khoản tiền đặt cọc 2.882 tỷ đồng của Sunny để chuyển nhượng dự án Phước Kiển. 

Không chỉ Quốc Cường Gia Lai tái cấu trúc mảng thủy điện mà nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đang phải bán các tài sản lớn để có nguồn tiền tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Tập đoàn Masan (Mã: MSN) gần đây đã đạt được thỏa thuận với Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC Group) về việc bán 100% cổ phần H.C. Starck Holding GmbH (HCS).  

HCS là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Masan High Tech Materials (MHT), là nhà sản xuất bột vonfram chất lượng cao. MHT đầu tư vào HCS năm 2020 với mục tiêu đưa công nghệ tinh chế và tái chế vonfram về Việt Nam. 

Giao dịch với MMC Group dự kiến cải thiện lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn Masan và góp phần giảm Nợ ròng trên EBITDA về mức ≤ 3,5x, là bước đi đầu tiên trên quá trình tái cơ cấu danh mục các mảng kinh doanh để tập trung vào phát triển mảng cốt lõi tiêu dùng bán lẻ. 

Gần đây, lãnh đạo Masan cho biết sẽ tập trung vào phát triển "viên kim cương gia bảo" Masan Consumer Holdings (MCH), thực hiện chiến lược Go Global để trở thành đại sứ ẩm thực đến với 8 tỷ người tiêu dùng thế giới với các nhãn hiệu mạnh.    

Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) mới đây đã ra quyết định về việc giải thế Công ty cổ phần 4KFarm và Công ty cổ phần Logistics Toàn Tín, nhằm tái cơ cấu lại nhóm các công ty con để tối ưu việc vận hành. 

Lãnh đạo tập đoàn thừa nhận 4KFarm đang hoạt động kém hiệu quả, bản chất là sản xuất ra rau an toàn nhưng chi phí cao hơn so với các loại rau thông thường, sự kém hiệu quả nằm ở việc người tiêu dùng chưa sẵn sàng đón nhận sự chênh lệch giá đó. 

 MWG quyết định giải thể 4Farm và thu hẹp Toàn Tín để tập trung các hoạt động cốt lõi. Ảnh: 4KFarm. 

Trong khi Logistics Toàn Tín có khả năng sinh lời nhỏ so với quy mô tập đoàn, do đó sẽ được cấu trúc để chuyên tâm phục vụ logistics nội bộ. Người đứng đầu MWG nói việc đóng các dịch vụ bên ngoài và chuyên tâm phục vụ nội bộ là để mọi thứ hiệu quả hơn. 

Việc giải thể 2 công ty này nằm trong chiến lược tái cấu trúc "giảm lượng tăng chất". Sếp MWG khẳng định việc tái cấu trúc vẫn tiếp tục thông qua quá trình thu nhỏ và cắt bỏ các bộ phận chưa hiệu quả, đầu tư vào những thứ quan trọng để tạo tăng trưởng cho tập đoàn.

Ngoài bỏ dự án logistics bên ngoài và trồng rau sạch, MWG trước đó cũng mạnh tay đóng gần 200 cửa hàng thuộc ICT hoạt động không hiệu quả trong quý IV/2023, giảm 10.000 nhân sự trong năm 2023 và cắt thêm 5.000 vị trí trong quý I/2024. 

Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba (Siba Group - Mã: SBG) mới đây thông báo giải thể Công ty TNHH MTV Năng lượng sạch Vmeco Đồng Tháp - một đơn vị sản xuất điện mặt trời do tập đoàn sở hữu 100% vốn. 

Lý do được Siba Group đưa ra do thay đổi định hướng kinh doanh của công ty và các công ty con, tối ưu sử dụng nguồn vốn.  

Thực tế, đây chỉ là hoạt động tái cơ cấu để tập trung nguồn lực phát triển mảng năng lượng tái tạo. Siba Group có 2 công ty con Năng lượng sạch Bạc Liêu và Năng lượng sạch Đồng Tháp, trong đó công ty tại Bạc Liêu đang đem lại hiệu quả tốt hơn nên sẽ dùng công ty con này để đầu tư cho các dự án tiếp theo.

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) thời gian qua đã bán hàng loạt tài sản ngoài ngành để tập trung cho chiến lược nông nghiệp "2 cây - 1 con". Gần nhất tập đoàn muốn bán hết phần vốn góp 44,5% vốn của Bapi Hoàng Anh Gia Lai - một công ty phân phối thịt heo ăn ra thị trường. 

Trước đó là hàng loạt tài sản khác được bán thành công như chuyển nhượng toàn bộ 99% vốn CTCP Bệnh viện Đại học Y Dược – Hoàng Anh Gia Lai, bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai để thu về 180 tỷ đồng, bán cổ phần HNG...

Theo định hướng kinh doanh giai đoạn 2024-2030, HAGL muốn trở thành công ty công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu Việt Nam với quy mô 30.000 ha, trở thành nhà cung ứng sản phẩm nông nghiệp ra nhiều nước ở khu vực châu Á.

Về kế hoạch đầu tư 2024, công ty của bầu Đức sẽ tập trung mở rộng diện tích cây ăn trái với việc phát triển thêm 2.000 ha chuối để nâng tổng diện tích lên 9.000 ha, phát triển diện tích sầu riêng thêm 500 ha nhằm đưa quy mô đạt 2.000 ha.   

Huy Lê