[Live] Xử đại án VNCB: Y án 30 năm tù với Phạm Công Danh, quyết định thu hồi 5.190 tỷ đồng
Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh: Mai Phương. |
11h00: Thẩm phán cao cấp Trương Quốc Khởi tuyên phiên tòa kết thúc
10h15: Tòa tuyên án 30 năm tù với Phạm Công Danh
Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Công Danh, Trần Thanh Tùng, Cao Phước Nhàn, Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Hữu Duyên, Phan Tuấn Anh, Lâm Kim Thu, Nguyễn Chí Bình, Hoàng Việt Thắng, Thái Minh Thanh…
Không chấp nhận kháng cáo của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan là Trần Quý Thanh, Chí Hiếu, Hữu Tuấn, Thùy Trang, Mỹ Dung, Nguyễn Tấn Lộc, Hứa Thị Phấn, Lâm Hồng Trinh, Hồ Trọng Thắng.
Tòa tuyên bị cáo Phạm Công Danh cố ý làm trái quy định của nhà nước về tội quản lý gây hậu quả nghiêm trọng. Sử dụng khoản 3 – 179, xử phạt Phạm Công Danh 18 năm tù tội làm trái, 20 năm tù vi phạm cho vay. Tổng phạt hình 30 năm tù, thời hạn tù áp dụng từ ngày 29/7/2014.
Tòa tuyên các bị cáo Phan Thành Mai chịu 22 năm tù; Mai Hữu Khương chịu 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết chịu 19 năm tù cho cả 2 tội danh vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tòa tuyên các bị cáo gồm Thịnh, Hà, Tùng, Nhàn, Tuấn Anh, Kim Thu, Nguyên Bình, Tiến Hùng, Thanh Nguyên, Tuấn, Thanh, phạm tội vi phạm quy định cho vay.
Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo là không có căn cứ. Vì vậy, HĐXX quyết định bác kháng cáo tuyên y án sơ thẩm đối với 25 bị cáo.
Tòa buộc Phạm Công Danh có trách nhiệm hoàn lại cho Ngân hàng Xây Dựng 63 tỷ 276 triệu đồng là số tiền gây thiệt hại cho VNCB, nay là ngân hàng Xây dựng trong hành vi lập khống corebanking.
Tòa buộc Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh liên đới bồi thường cho ngân hàng xây dựng Việt Nam 930 tỷ 600 triệu đồng trong hành vi lập khống hợp đồng thuê trụ sở, rút tiền cho vay không có hồ sơ; buộc phải hoàn lại số nợ gốc của các khoản vay Đại Hoàng Phương, Phúc Thịnh 189 tỷ đồng và toàn bộ số tiền lãi của 2 khoản vay này.
Tòa buộc Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh liên đới hoàn lại cho ngân hàng số nợ gốc đối với 2 khoản vay của công ty Thành Trí và toàn bộ số tiền lãi của 2 khoản vay này theo hợp đồng...
Tòa buộc Phạm Công Danh và Thiên Thanh liên đới cùng IDICO hoàn lại cho ngân hàng Xây dựng VN nợ gốc 220 tỷ đồng và tiền lãi theo hợp đồng tín dụng.
Tòa buộc Phạm Công Danh và Thiên Thanh bồi hoàn cho Xây dựng VN nợ gốc khoản vay của công ty Cường Tín, Thanh Quang, Quang Đại, Nhất Nhất Vinh, Phước Đại, Toàn Tâm, JSC An Phát, Hương Việt. Tổng cộng là 3200 tỷ đồng và toàn bộ phần tiền lãi theo hợp đồng tín dụng đã kí kết.
Tòa buộc bà Hứa Thị Phấn trả lại 851 tỷ đồng là vật chứng trong hành vi cố ý làm trái quy định, trả cho ngân hàng, nộp lại 97 tỷ đồng là vật chứng.
Tòa quyết định thu hồi 5.190 tỷ đồng là vật chứng của các bị cáo trong vụ án của Trần Ngọc Bích và các cá nhân khác liên quan vụ án vay vào các ngày 26/8/2013 của VNCB để trả lại cho ngân hàng Xây dựng Việt Nam.
Đối với Trần Ngọc Bích và các cá nhân trên, do tiền bị thu hồi ngược, bà Trần Ngọc Bích và các cá nhân được xem là thiếu ngân hàng là 5.190 tỷ đồng. Do tiền bị thu hồi, Danh phải có nghĩa vụ trả lại cho ông Thanh, bà Bích được tách thành vụ án khác.
Về quan hệ pháp luật giữa Trần Qúy Thanh, Trần Ngọc Bích với ông Phạm Công Danh sẽ được giải quyết trong vụ án khác nếu các bên có yêu cầu.
Tòa buộc Phạm Công Danh, Quách Kim Chi phải chịu trách nhiệm bằng tài sản cá nhân.
Đối với các tài sản bị kê biên, Tòa tiếp tục lệnh duy trì với các tài sản: Hồ Văn Huê, Bình Chánh; đồng thời giải tỏa kê biên 124 sổ tiết kiệm giao cho Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam.
Tòa quyết định khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định Nhà nước liên quan hành vi của Phạm Thị Trang và khởi tố vi phạm quy dịnh cho vay của nhóm HĐ Tín dụng
Tòa kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an thực hiện khởi tố vụ án để xem xét trách nhiệm của các đối tượng, gồm Phạm Thị Trang, Hứa Thị Phấn, Vũ Thị Như Thảo, Trần Trọng Nghĩa; đồng thời xem xét biện pháp tư pháp đối với số tiền chênh lệch Phạm Công Danh đã trả cho các ông/bà Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích, Hứa Thị Phấn.
Tòa ghi nhận quan điểm của VKSND tối cao, tiếp tục điều tra làm rõ các khoản tiền lãi ông Trần Qúy Thanh, Trần Ngọc Bích nhận từ Phạm Công Danh.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 24/1. Ảnh: Đại Việt |
9h30: Tòa xét kháng cáo của các luật sư, bị cáo
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng, số tiền 5.190 tỷ đồng là hoạt động nhiệm vụ bình thường của chi nhánh không cần phải báo cáo cấp trên, các bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự với các khoản vay này. HĐXX cho rằng các luật sư không có căn cứ chấp nhận, vì biên bản trên là cơ sở để cho vay, đây là hành vi che đậy trái quy định.
Tại phiên phúc thẩm, dù Phan Thành Mai, Phan Minh Tùng, Thái Minh Thanh, Nguyễn Minh Quân, Bùi Thị Hà Thu,... xuất trình các tình tiết giảm nhẹ, như ông bà cha mẹ có công cách mạng, nhiều huy chương, HĐXX cần bổ sung tình tiết này. Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên đặc biệt nghiêm trọng sẽ chịu 10 năm tù, tòa chỉ xử phạt dưới khung hình phạt nên không chấp nhận kháng cáo.
Xét kháng cáo của Trần Qúy Thanh, Trần Ngọc Bích, Hứa Thị Phấn xem xét lại số tiền 362 tỷ đồng (Trần Qúy Thanh), 72 tỷ đồng (Trần Ngọc Bích), 97 tỷ đồng (Hứa Thị Phấn) là không có căn cứ. Kháng cáo Trần Ngọc Bích yêu cầu giải tỏa kê biên với phần đất ở Long Hải là không có căn cứ.
Theo Tòa, số tiền 5.190 tỷ đồng được giải ngân trước là vi phạm quy định cho vay của thống đốc ngân hàng Nhà Nước Việt Nam. Do đó, số tiền 5190 tỷ đồng là vật chứng vụ án, cần được thu hồi trả lại VNCB như án sơ thẩm là có căn cứ. Do số tiền trên không được tất toán cho các khoản vay của bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Qúy Thành và các cá nhân liên quan, vì vậy giao các sổ tiết kiệm cho VNCB được xem là chưa tất toán, nên kháng cáo của Trần Ngọc Bích, Trần Qúy Thanh và các cá nhân có sổ tiết kiệm không có căn cứ chấp nhận.
Xét kháng cáo của Trần Ngọc Bích và 13 người liên quan đến số tiền 5190 tỷ đồng, tại phiên tòa, bà Bích và những người bảo vệ lập luận rằng số tiền trên của bà Bích là do sai phạm của cán bộ ngân hàng VNCB.
Xét kháng cáo của các ông bà Trần Hoài Phục, Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung được nhận lại 6 sổ tiết kiệm do ông bà đứng tên. Số tiền là 300 tỷ đồng được thực hiện 22/12/2013, các ông bà trên không phải là người trực tiếp vay tiền nên không buộc hoàn trả lại số tiền vay, Phạm Công Danh phải hoàn trả lại số tiền từ hành vi làm trái quy định nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng. Ông Trần Quý Thanh là người được hưởng số tiền tiết kiệm trên, tiếp tục giao ngân hàng VNCB quản lý nguồn tiền trên.
Xét kháng cáo của bà Quách Kim Chi, yêu cầu giải tỏa kê biên các tài sản tại Hồ Văn Huê, nhà biệt thự tại Bình Chánh, quyền sử dụng đất và nhà tại Nguyễn Trọng Tuyển (Q. Tân Bình), số tiền 621.000 USD và đồng hồ, nhẫn. Xét thấy Thiên Thanh có vốn điều lệ do 2 thành viên góp vốn, trong đó Quách Kim Chi là 20%. Tại phúc thẩm, Quách Kim Chi chỉ xuất trình được các báo cáo chưa đủ cơ sở chứng minh bà Chi đủ 20% góp vốn. Hơn nữa, bà Chi cho biết không biết hành vi của ông Phạm Công Danh. Theo Tòa, việc giải tỏa kê biên các tài sản trên là đúng, có căn cứ. Về số tiền 621.000 USD, kháng cáo Quách Kim Chi là không có cơ sở chấp nhận.
Xét kháng cáo của các ông bà Hứa Thị Phấn, Hồ Trọng Thắng... đề nghị hủy quyết định vụ án liên quan đến bà Phấn, Ông Hoàng Văn Toàn là đúng thẩm quyền; không chấp nhận kháng cáo của các ông bà, Linh, Phấn, Thắng.
Tại phiên tòa, KSV có quan điểm thu hồi toàn bộ số tiền Phạm Công Danh trả cho ông Thanh là 500 tỷ đồng, 135 tỷ đồng, đã thu hồi 97 tỷ đồng và số tiền trả cho bà Bích là 119 tỷ đồng đã thu hồi 72 tỷ đồng và phần tiền lãi 81 tỷ đồng. Về đề nghị HĐXX kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự ông Thanh, bà Bích đồng phạm giúp sức làm trái quy định nhà nước, HĐXX phúc thẩm xét thấy thu thêm các khoản tiền của ông Thanh, bà Bích và bà Phấn chưa được xem xét, nếu xem không đủ 2 cấp xét xử, phúc thẩm ghi nhận toàn bộ các đề nghị trên của KSV, xem xét trách nhiệm hình sự bà Trang, Phấn, tiếp tục phần biện pháp tư pháp đối với số tiền chênh lệnh ông Phạm Công Danh cho ông Thanh 500 tỷ đồng.
Kiểm soát viên kiến nghị Bộ Công an, cần tiếp tục làm rõ các khoản tiền lãi 405 tỷ đồng mà bà Bích nhận truy thu thuế, hành vi cá nhân.
8h15: Tòa bắt đầu bằng việc tóm tắt toàn cảnh vụ án
Do nội dung bản án dài nên chủ tọa không nhắc lại nội dung kháng cáo của các bị cáo cũng như những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Ngân hàng VNCB có tiền thân là ngân hàng Đại Tín sau khi nhóm cổ đông cũ Phú Mỹ chuyển giao lại cho nhóm cổ đông mới Thiên Thanh chuyển tên thành ngân hàng VNCB và được ngân hàng nhà nước chấp thuận có vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng.
Về hành vi cố ý làm trái trong việc lâp hồ sơ nâng khống thực hiện đề án Corebanking rút 63,2 tỷ đồng:
Vào tháng 5/2013 để có tiền chăm sóc khách hàng và phục vụ thanh khoản cho ngân hàng VNCB, Phạm Công Danh đã tổ chức cuộc họp có 5 người gồm: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn và Phan Minh Tùng để bàn bạc về việc tìm cách rút tiền ra khỏi ngân hàng. Phan Thành Mai đề xuất việc nâng khống hệ thống Corebanking và thông qua tập đoàn Thiên Thanh để hợp thức hóa việc rút tiền. Phạm Công Danh đồng ý và phân công Mai hoàn thiện thủ tục cho tới khi tiền rút ra khỏi ngân hàng VNCB. Ngoài ra, Khương chịu trách nhiệm xây dựng các hồ sơ cần thiết, Viễn có trách nhiệm kiểm soát hồ sơ đảm bảo đúng quy trình, Viễn kiểm soát dòng tiền đi sau đi ra khỏi VNCB.
Bị cáo Mai Hữu Khương. Ảnh: Đại Việt |
Thực hiện chỉ đạo của Phạm Công Danh và qua sự giới thiệu của Phạm Thị Thùy Trang (Trang Phố Núi) về việc sử dụng công ty An Phát do Phạm Việt Thép làm giám đốc, Phan Thành Mai đã tạo lập các hợp đồng số 01/2013/AP-TB ngày 12/6/2013 về việc công ty An Phát cung cấp gói dịch vụ tư vấn nâng cấp hệ thống Corebanking gồm: khảo sát hệ thống hạ tầng mạng, triển khai cung cấp hệ thống phần mềm mới, cung cấp cơ sở hạ tầng mạng mới và các phần mềm liên quan tới việc triển khai hệ thống Corebanking trị giá 256 tỷ đồng. Việc thanh toán hợp đồng được VNCB tạm ứng trước 10%, đợt 2 tạm ứng 15% sau 30 ngày so với lần tạm ứng đợt 1.
Bị cáo Phan Thành Mai. Ảnh: Đại Việt |
Để tiếp tục hoàn thiện thủ tục, Lê Công Thảo đề nghị cho công ty An Phát ứng 63,2 tỷ đồng và được Phan Thành Mai đồng ý.
Trong tổng số tiền 63,2 tỷ đồng rút ra khỏi ngân hàng VNCB, Phạm Công Danh trả cho Trần Ngọc Bích 47 tỷ đồng, sử dụng 13 tỷ đồng để chăm sóc khách hàng. Số tiền còn lại sau khi hòa vào tài khoản của Phan Minh Tùng, Mai Hữu Khương và đã sử dụng hết.
Theo bản luận tội, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) khai nhận mình là người trực tiếp viết đề án tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín. Nhận thức được việc ngân hàng thua lỗ và những việc làm của Danh nhưng Mai vẫn tích cực tiếp tay. Phan Thành Mai là người tích cực tham gia họp bàn, tổ chức triển khai thực hiện, giúp sức cho bị cáo Danh, rút tiền cho Danh, gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB.
Bị cáo Hoàng Đình Quyết. Ảnh: Đại Việt |
Bị cáo Hoàng Đình Quyết là người tham gia trực tiếp việc rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB nhưng không có sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích; tham gia thực hiện việc phát hành ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định để rút tiền cho Phạm Công Danh sử dụng gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB. Hoàng Đình Quyết phải liên đới chịu trách nhiệm đối với số tiền 6.093 tỷ đồng.
Về hành vi cố ý lập khống thuê mặt bằng tại số 268 Tô Hiến Thành rút 201,6 tỷ đồng, thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh rút 400 tỷ đồng:
Trước những khó khăn ngân hàng VNCB đang gặp phải, Phạm Công Danh và Lưu Trung Kiên làm các thủ tục thuê địa điểm để Phan Thành Mai ký nhận. Thực hiện sự phân công trên, ngày 17/6/2013, Bạch Quốc Hào đồng ý tạm ứng đặt cọc tiền thuê mặt bằng 268 Tô Hiến Thành.
Để có tiền trả nợ và duy trì thanh khoản cho ngân hàng, Phạm Công Danh và đồng phạm cho 14 công ty vay số tiền 5.000 tỷ đồng, số tiền đã tất toán là 300 tỷ đồng, trừ số tiền thế chấp còn dư nợ 2.000 tỷ đồng không có khả năng thu hồi.
Như vậy, bị cáo Phạm Công Danh và các bị cáo thành viên hội đồng VNCB đã có hành vi cho các công ty IDICO, Thanh Quang, An Phát, Nhất Nhất Vinh, Thành Tâm… do Danh chỉ đạo thành lập nhưng không hoạt động kinh doanh, không có năng lực tài chính để vay vốn cho Danh. Những bị cáo cấp tín dụng cho 12 hồ sơ vay vốn trên gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB hơn 1.692 tỷ đồng.
Ngoài ra Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương là thành viên VNCB biết các công ty là do Danh lập ra vay tiền, nhưng vẫn đồng ý cho vay với các công ty trên là vi phạm luật cho vay, gây thiệt hại cho VNCB 471 tỷ 181 triệu 360 ngàn đồng.
Về hành vi vi phạm của các bị cáo khác:
Bị cáo Doãn Quốc Long (Nguyên cán bộ tín dụng VNCB) có hành vi đồng ý cho Đại Hoàng Phương vay 280 tỷ đồng. Bị cáo không thẩm định thực tế, không gặp khách hàng, không kiểm tra thực trạng tài sản thế chấp, không kiểm tra phương án vay vốn mà vẫn làm tờ trình khẳng định ngày 25/12/2012, đề nghị cấp trên phê duyệt. Bị cáo không khảo sát thực tế tài sản thế chấp, phương án vay vốn mà chỉ nhận chỉ thị từ cấp trên. Hồ sơ vay được cấp trên phê duyệt. Sau khi giải ngân, toàn bộ số tiền vay không được sử dụng để mua vật liệu xây dựng.
Bị cáo Nguyễn Quốc Sơn được phân công khoản vay Đại Quang, Thành Trí, không khảo sát thực tế, đánh giá năng lực khách hàng, không kiểm tra thực tế tài sản thế chấp, mà chỉ nhận hồ sơ từ cấp trên, và hoàn thành thủ tục hồ sơ vay trên giấy tờ, không quản lý số tiền sau khi giải ngân.
Các bị cáo VNCB chi nhánh Lam Giang, khi xem xét cho các công ty IDICO vay, không thẩm định trực tiếp, kiểm tra cụ thể phương án vay vốn, đánh giá tình hình tài chính, không có tờ khai thuế giá trị gia tăng... là vi phạm, gây thiệt hại 360 tỷ 164 triệu đồng.
Riêng với Huỳnh Nguyên Sang, liên quan đến khoản vay của công ty Thịnh Quốc, không tiếp xúc trực tiếp khách hàng, không có báo cáo tài chính kiểm toán, không có tờ khai thuế giá trị gia tăng,... là vi phạm quyết định số 1627, gây tổn hại cho VNCB 286 tỷ 210 triệu 928 ngàn đồng.
Bị cáo Hoàng Việt Thắng - phụ trách các khoản vay của công ty An Phát - không khảo sát tình hình tài chính của khách hàng; hồ sơ vay chỉ có báo cáo tài chính nội bộ, không kiểm tra thực tế tài sản thế chấp, thực tế về phương án vay vốn; hồ sơ vay chưa thực hiện công chứng nhưng bị cáo không yêu cầu; sau giải ngân không giám sát thực tế; vi phạm quy định tín dụng, gây thiệt hại lớn cho VNCB hơn 1.300 tỷ đồng.
Bị cáo Bạch Quốc Hào chỉ đạo cho Thái Minh Thanh, Đặng Đình Thuấn định giá theo mức giá không phù hợp thực tế. Hành vi là người chỉ đạo thuộc cấp thẩm định giá không đúng gây thiệt hại 1450 tỷ 695 triệu đồng.
Bị cáo Phan Minh Tùng, theo chỉ đạo của Phạm Công Danh đã có hành vi cho công ty Nhất Nhất Vinh vay 420 tỷ đồng từ ngân hàng VNCB, gây thiệt hại cho VNCB là 241 tỷ đồng, đủ yếu tố cấu thành tội cho vay tổ chức tín dụng, với vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh.
Các bị cáo Bùi Thị Hà Thu, Trần Thanh Tùng, Cao Phước Nhàn, Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Hữu Duyên lập ra các công ty con nhằm giúp sức cho Phạm Công Danh rút tiền khỏi VNCB. Cụ thể, Hà gây thiệt hại 202 tỷ đồng, Thịnh gây thiệt hại 268 tỷ đồng, Cường gây thiệt hại 271 tỷ đồng, Nhàn gây thiệt hại 270 tỷ đồng, Tùng gây thiệt hại 74 tỷ đồng, Quân gây thiệt hại 298 tỷ đồng, Duyên gây thiệt hại 11 tỷ đồng.
Toàn cảnh phiên tòa ngày tuyên án. Ảnh: Đại Việt |
Về bản án sơ thẩm
Theo cáo trạng được đưa ra xét xử, bị cáo Phạm Công Danh cùng đồng phạm đã thực hiện 7 phi vụ rút tổng cộng 12.057 tỷ đồng ra khỏi VNCB và khiến ngân hàng thiệt hại 9.133 tỷ đồng.
Cụ thể, trong việc làm khống hồ sơ nâng cấp hệ thống Corebanking đã rút ra và làm thiệt hại 62,276 tỷ đồng; Vụ lập hồ sơ khống thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành (P.15, Q.10) rút ra 201,6 tỷ đồng nhưng đã hoàn trả được 20 tỷ đồng và còn thiệt hại 181,6 tỷ đồng; Lập hồ sơ khống thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh (P.12, Q.10) rút ra và làm thiệt hại 400 tỷ đồng;
Rút tiền không có chữ ký của chủ tài khoản nhóm Trần Ngọc Bích 5.190 tỷ đồng; Rút 300 tỷ đồng khỏi ngân hàng không có hồ sơ vay làm thiệt hại 300 tỷ; Rút 903 tỷ đồng dưới hình thức ủy thác đầu tư trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, gây thiệt hại 903 tỷ đồng; Nâng khống giá trị các tài sản đảm bảo để vay trực tiếp tại VNCB 5.000 tỷ đồng. Khoản tiền này đã tất toán 300 tỷ đồng, có tài sản được định giá có lợi nhất cho bị can trị giá 2.605 tỷ đồng, VNCB thiệt hại 2.096 tỷ đồng.
Ngày 9/9, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP HCM tuyên mức án 30 năm tù đối với bị cáo Phạm Công Danh với 2 tội: vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo Phan Thành Mai (22 năm tù); Mai Hữu Khương (20 năm tù); Hoàng Đình Quyết (19 năm tù) cho cả 2 tội danh nêu trên.
Ngoài mức án trên, HĐXX cũng tuyên buộc bị cáo Phạm Công Danh phải hoàn trả tổng cộng hơn 6.000 tỉ đồng gốc và lãi mà bị cáo Phạm Công Danh thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB. Đồng thời, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên những tài sản của Phạm Công Danh, tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh để đảm bảo thi hành án.
Ông Trần Quý Thanh là người được bản án xác định có quan hệ vay mượn với Phạm Công Danh thông qua bà Trần Ngọc Bích và Phạm Thị Trang (Trang phố núi). Theo đó, HĐXX tuyên thu hồi 5.190 tỉ đồng đã được Phạm Công Danh chuyển vào tài khoản của ông Thanh, bởi HĐXX xác định khoản tiền này là tiền do hành vi cố ý làm trái của các bị cáo mà có.
Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Danh kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm; đề nghị cấp phúc thẩm thu hồi hơn 3.600 tỉ đồng của bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) mà bị cáo đã trả bà Phấn để mua cổ phần và tài sản của nhóm Phú Mỹ nhưng đến nay Danh vẫn chưa nhận được tài sản; xin giảm nhẹ hình sự, xem xét lại tội danh vi phạm quy định cho vay vì thực tế không có hậu quả và bị cáo không chỉ đạo để đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội; định giá lại tài sản trong tố tụng hình sự về Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng)...
Các bị cáo Phan Thành Mai (tổng giám đốc VCNB), Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) và 20 bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài ra, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự cũng có đơn kháng cáo.
Theo cáo trạng, VNCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tái cơ cấu ngày 6/9/2012. Sau đợt tái cơ cấu này, Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối VNCB.