Xét xử vụ án NH Đại Tín chiều 26/5: Nhiều văn bản chỉ có chữ ký, không có nội dung tại hồ sơ vay của Phương Trang
[LIVE] Xét xử vụ án NH Đại Tín sáng 26/5: Đại diện Ngân hàng CB xin giảm nhẹ tội cho nhân viên | |
Xét xử vụ án NH Đại Tín chiều 25/5: Làm rõ các khoản vay của nhóm Phương Trang |
Chiều ngày 26/5, TAND TP HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank).
Trong phiên hôm nay, người có quyền nghĩa vụ liên quan tiếp tục trình bày quan điểm bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mình.
17h35: Luật sư Vũ Phi Long: "Việc tính lãi là chính xác nhưng không hợp lý"
Về mặt dân sự, 82 khoản vay có tài sản đảm bảo, căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch…đó là tài sản của nhóm Phương Trang đưa vào để vay tiền. Vậy thì có người chủ nào mang tài sản vào để người khác cấu kết lấy chiếm đoạt tài sản không?
Trong khi hầu hết nhân viên đều đã thừa nhận sai phạm của họ như thu chi khống, đảo lộn hệ thống tài chính vậy mà có ý kiến cho rằng những người này không sao cả, Ngân hàng Đại Tín vẫn giữ được tài sản của Phương Trang. LS đề nghị HĐXX xem xét.
Về đề nghị trả lãi 27.000 tỷ đồng, chúng tôi không liên quan nên không có việc bồi thường.
Đối với Đầu tư Phương Trang, từ một doanh nghiệp nhỏ đến bây giờ đã chủ động 3 bến xe, 300 phòng giao dịch trên toàn quốc cho nên chúng tôi đầu tư rất nhiều về đất đai, cơ sở hạ tầng đó là nguồn gốc mà Phương Trang có những tài sản như vậy. Điều này cần lượng tiền rất lớn nên Phương Trang mới đi vay. Việc vay tín dụng đúng quy định pháp luật, không nâng không tài sản. Vì sao chúng tôi lại mất tiền?
Trở lại vấn đề, xu hướng của Phiên tòa, cách xét hỏi làm cho người dự tòa cảm giác Phương Trang lấy hết tiền hoặc chối bỏ không nhận tiền. LS cho rằng chưa bao giờ Phương Trang nói chưa nhận tiền cả. "Chúng tôi có nhận tiền, số còn lại chúng tôi chưa nhận được, còn phụ thuộc vào quyết định của HĐXX" - LS nói
Về việc tính lãi đến bao giờ, VKS cho rằng tính đến ngày khởi tố là chính xác nhưng trong trường hợp này LS cho rằng chưa đúng vì trước ngày khởi tố, Phương trang đã nộp đơn tố cáo vào tháng 2/2012. LS mong HĐXX xem xét vấn đề này.
Việc định giá tài sản bị cầm giữ đã lên rất nhiều lần so với Phương Trang nhận. LS cho rằng số tài sản này như giậm chân tại chỗ thì Phương Trang làm sao phát triển khi muốn xây dựng trạm dừng chân. Mong HĐXX xem xét trên cơ sở số tài sản kéo dài từng đó năm. Nếu cần thiết, Phương Trang sẽ cung cấp phương pháp tính giá trị tài sản.
17h25:
Với toàn bộ những phân tích trên đây, đủ cơ sở để khẳng định rằng kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố là hoàn toàn có căn cứ:
Trong tổng số 9.400 tỷ đồng dư nợ gốc trên chứng từ khống, Hứa Thị Phấn đã dùng 5.200 tỷ đồng, Công ty Phương Trang chỉ thực nhận 3.900 tỷ đồng, còn lại Ngô Thị Ngân chịu trách nhiệm đối với 208 tỷ đồng nằm trong số tiền 4.500 tỷ đồng Ngô Thị Ngân nhận tiền mặt từ NHNN. Do đó, kết luận điều tra và cáo trạng xác định Công ty Phương Trang chỉ thực nhận số tiền 3.900 tỷ đồng từ Ngân hàng Đại Tín là hoàn toàn có căn cứ.
Những vấn đề về dân sự như: tiền lãi trên dư nợ gốc 3.900 tỷ đồng Phương Trang thực nhận, vấn đề kê biên một số tài sản bảo đảm tương ứng cho nghĩa vụ hoàn trả các khoản tiền mà Phương Trang thực nhận, giải tỏa kê biên để trả lại cho Phương Trang phần tài sản vượt quá giá trị đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của Công ty Phương Trang và những thiệt hại Phương Trang phải gánh chịu do bị đẩy dư nợ khống và giữ các tài sản bảo đảm vượt quá số dư nợ của Phương Trang trong thời gian qua, hậu quả của việc làm lỡ cơ hội kinh doanh của Phương Trang do bị giữ tài sản bảo đảm … sẽ do Luật sư Vũ Phi Long trình bày chi tiết.
17h15: Do chủ quan không đối chiếu công nợ nên Phương Trang mới có dư nợ khống hơn 9.400 tỷ đồng
LS cho biết, Công ty Phương Trang cho đến trước thời điểm làm đơn tố cáo đã không hình dung được thủ đoạn của bà Hứa Thị Phấn như được nêu trong Kết luận điều tra và Cáo trạng. Các hồ sơ vay cùng các tài sản đảm bảo cứ gối đầu nộp vô ngân hàng, các khoản tiền giải ngân cho Đầu tư Phương Trang cũng được thực hiện từng phần cuốn chiếu, hai bên chưa có sự đối chiếu công nợ tín dụng rõ ràng cho từng giai đoạn.
Cộng thêm thủ đoạn bà Hứa Thị Phấn cho nộp các phiếu thu đóng nợ lãi khống cũng là cuốn chiếu nợ lãi mà không thông báo cho đầu tư Phương Trang biết, nên sau cùng mới có con số dư nợ khống hơn 9.400 tỷ đồng.
17h: "Bà Hứa Thị Phấn và các đồng phạm đã đẩy toàn bộ dư nợ mà Nhóm Phú Mỹ đã thụ hưởng sang Công ty Phương Trang"
Tóm lại, tuy trên bề mặt chứng từ, nhóm Công ty Phương Trang được giải ngân để hạch toán cấn trừ tất toán các khoản vay của chính công ty Phương Trang nhưng khi truy ngược những khoản vay của Công ty Phương Trang đã được tất toán thì ở đầu vào đầu tiên của dòng tiền thấy đều bắt nguồn hoặc từ những chứng từ thu của Nhóm Phú Mỹ giải ngân cho Phương Trang.
LS hoàn toàn đồng ý với kết luận điều tra và cáo trạng khi xác định đây là thủ đoạn phạm tội rất tinh vi của bị cáo Hứa Thị Phấn. Với cách thức giải ngân để thanh lý các khoản vay của Phương Trang mà bà Phấn chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín thực hiện không chỉ để cân đối sổ sách, đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang, mà còn tìm cách làm dãn xa khoảng cách giữa các khoản vay của Công ty Phương Trang so với những khoản đã thụ hưởng của Nhóm Phú Mỹ, đảm bảo an toàn cho những khoản thu khống từ Nhóm Phú Mỹ tránh bị phát hiện.
Với cách giải ngân bằng cấn trừ các chứng từ thu, cuối cùng bà Hứa Thị Phấn và các đồng phạm đã đẩy toàn bộ dư nợ mà Nhóm Phú Mỹ đã thụ hưởng sang Công ty Phương Trang, buộc Công ty Phương Trang phải chịu trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng Đại Tín.
Thực tế thì việc tất toán các khoản vay của Công ty Phương Trang là do Hứa Thị Phấn tự chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín thực hiện, Công ty Phương Trang không biết cụ thể về việc tất toán các HĐTD này trước khi được đối chiếu và có kết quả của hoạt động điều tra. Theo kết quả điều tra, trong tổng số tiền 16.000 tỷ giải ngân cho 82 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu, Công ty Phương Trang không được thụ hưởng số tiền 6.171 tỷ đồng thu khống từ tất toán các khoản vay của Công ty Phương Trang, mà chỉ thực nhận số tiền 3.900 tỷ đồng Ngân hàng Đại Tín rút từ NHNN.
LS cho rằng, nhân viên ngân hàng Đại Tín đã thu khống để bà Hứa Thị Phấn sử dụng bằng hình thức bù đắp những khoản đã vay trước đó số tiền 5.200 tỷ đồng. Cách thức thực hiện việc hạch toán cấn trừ chứng từ khống để sử dụng số tiền giải ngân cho Phương Trang của bị cáo Hứa Thị Phấn được các nhân viên Ngân hàng Đại Tín khai rõ, trong đó lời khai của bị cáo Vũ Thị Như Thảo nêu tuy thực tế không nộp tiền mặt, nhưng số tiền theo Giấy nộp tiền vẫn được ghi nhận có trên tài khoản của các cá nhân nộp tiền, số tiền này có nguồn từ tiền giải ngân của Ngân hàng Đại Tín cho Công ty Phương Trang. Từ đó, cá nhân đó có thể chuyển tiền hoặc lĩnh tiền mặt có trong tài khoản của mình.
LS cho rằng có đầy đủ cơ sở để khẳng định việc bị cáo Hứa Thị Phấn đã sử dụng tiền giải ngân của Phương Trang thông qua các chứng từ thu khống, không có tiền mặt nộp vào nhưng vẫn có tiền về tài khoản, nhưng lại lập chứng từ chi khống để đẩy dư nợ cho Phương Trang.
16h50:
Theo kết quả điều tra, trong tổng số tiền 16.000 tỷ giải ngân cho 82 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu thì có 6.900 tỷ đồng thu khống từ tất toán các khoản vay của Công ty Phương Trang.
Theo LS, nếu chỉ nhìn vào từng nhóm các khoản vay hay một khoản 2.000 tỷ phát hành trái phiếu như cách đặt vấn đề của luật sư đưa ra cũng như quan điểm của CB thì không thể thấy được bản chất sự thật khách quan và không thể xác định được vì sao bà Hứa Thị Phấn lại chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín dùng chứng từ thu các khoản vay của Công ty Phương Trang để giải ngân cho chính các Công ty có quan hệ hợp tác và Công ty Phương Trang. Nhưng khi xem xét cụ thể từng khoản đã được tất toán thì thấy, Công ty Phương Trang không được thụ hưởng toàn bộ số tiền giải ngân của các Hợp đồng tín dụng đã được tất toán này. LS đưa ra ví dụ phân tích quan tích quan điểm trên.
Đối với khoản vay 80 tỷ đồng của Công ty Quang Thuận theo phương pháp hạch toán cấn trừ khoản giải ngân 330 tỷ của 2 công ty đó là công ty BĐS Phương Trang (130 tỷ) và Công ty Đầu tư Xuất nhập khẩu (200 tỷ).
Xem xét việc giải ngân đối với Công ty Quang Thuận thì toàn bộ số tiền 80 tỷ đã được chuyển vào tài khoản của Công đoàn cơ sở ngân hàng Đại Tín để thanh toán tiền chuyển nhượng vốn góp. Bà Hứa Thị Phấn đã thừa nhận sử dụng số tiền này theo Biên bản làm việc ngày 5/6/2015. Như vậy, Phương Trang không được thụ hưởng khoản vay đã được tất toán này.
16h25: Xuất hiện nhiều văn bản chỉ có chữ ký, không có nội dung tại hồ sơ vay của Công ty Phương Trang
LS Thiệp tiếp tục trình bày luận cứ bảo vệ lợi ích hợp pháp cho Nhóm Phương Trang.
LS cho biết, ngân hàng Đại Tín hướng dẫn cho nhân viên Công ty Phương Trang lập và ký trước hồ sơ vay. Công ty Phương Trang đã trình bày và cung cấp ngay từ giai đoạn điều tra các bằng chứng email do nhân viên Ngân hàng Đại Tín gửi cho nhân viên Công ty Phương Trang.
Trong đó có nội dung vào lúc 10:40 ngày 16/12/2010, Đặng Thị Thu Hiền là nhân viên tín dụng NH Đại Tín đã gửi email cho ông Nguyễn Văn Thường với nội dung: “Em gửi anh danh sách giấy tờ cần bổ sung thêm cho hồ sơ vay của Công ty Thuận Phước có kèm theo mẫu Giấy đề nghị vay vốn, Phương án vay vốn, 02 biên bản họp HĐQT của Công ty Thuận Phong và Công ty Phú Gia. Anh kiểm tra, ký và gửi sớm dùm em”.
Mặt khác, LS cho rằng, trong hồ sơ vay của một số khoản vay có những văn bản chỉ có chữ ký, không có nội dung. Phần theo dõi giải ngân kèm theo mỗi Khế ước nhận nợ của một số khoản vay lại để trống hoặc có một số nội dung nhưng không có chữ ký của kế toán, Trưởng phòng kế toán.
Theo LS, các phiếu thu tiền trong ngày hoàn toàn là phiếu thu khống nên thực tế không có tiền mặt thu trong ngày. Tất cả những người đứng tên nộp tiền trên phiếu thu đều khẳng định việc ký tên trên phiếu thu chỉ là ký chứng từ, không có tiền mặt nộp thực tế.
Những lời khai trên của những người nộp tiền mặt cũng khớp với lời khai của nhân viên ngân hàng Đại Tín về việc hạch toán thu chi cấn trừ như đã nêu ở trên.
16h: Toà nghỉ giải lao
15h40: Chứng từ giải ngân được lấy chữ ký sau để hoàn thiện hồ sơ
LS Nguyễn Huy Thiệp, bảo vệ quyền lợi, lợi ích cho nhóm Phương Trang:
Trong quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa hôm nay, có đầy đủ căn cứ để xác định số tiền thực nhận của Công ty Phương Trang chỉ là 3.900 tỷ đồng, phần chênh lệch còn lại do bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo các nhân viên Ngân hàng Đại Tín Chi nhánh Lam Giang và Sài Gòn thực hiện hạch toán thu chi cấn trừ dựa trên các phiếu thu, phiếu chi, bảng kê thanh toán, ủy nhiệm chi… khống, không có việc giải ngân thật.
LS cho rằng, lời khai của những người liên quan đến việc giải ngân cho Nhóm Công ty Phương Trang đều khẳng định việc giải ngân là không có thật, thực chất chỉ là thu chi cấn trừ, không có tiền mặt.
Cụ thể, các nhân viên ngân hàng Đại Tín đều có lời khai chung rằng tại thời điểm thực hiện giao dịch thu chi cấn trừ, khách hàng có tên trên các chứng từ thu thường không có mặt nên không có chữ ký của khách hàng trên chứng từ thu; việc lấy chữ ký của khách hàng trên chứng từ thu thường được do Giao dịch viên lấy để hoàn thiện sau này.
Đối với các giao dịch thu chi cấn trừ, Ngân hàng không chi tiền mặt đối với các chứng từ chi cho khách hàng và không thu tiền mặt của khách hàng theo các chứng từ thu. Ngoài ra, các bị cáo là nhân viên Ngân hàng như bị cáo Lâm Kim Thu khi khai về các khoản cụ thể đều khẳng định Ngân hàng Đại Tín CN Sài Gòn không đủ tiền mặt, thực tế không có việc chi bằng tiền mặt, mà lập các chứng từ để hợp lý hóa việc hạch toán cấn trừ . Vấn đề này, kết luận điều tra đã truy ngược dòng tiền và chứng mình rõ thực tế tồn quỹ tiền mặt trong ngày không đủ và không phù hợp với số tiền giải ngân của từng khoản vay.
Các bị cáo nhân viên ngân hàng đều xác nhận tất cả chứng từ mình ký đều là chứng từ khống, không thu chi tiền mặt thực tế.
Các lời khai thể hiện, bị cáo Hứa Thị Phấn đã lợi dụng việc Công ty Phương Trang đang cần vốn để kinh doanh, có tài sản bảo đảm nên đã yêu cầu công ty Phương Trang ký trước hồ sơ giải ngân sau đó sử dụng hồ sơ chi giải ngân để hợp thức, hạch toán cấn trừ thu. Thực tế không có việc giải ngân như trong hồ sơ chứng từ hoặc giải ngân không đủ số tiền được ghi trong hợp đồng tín dụng.
15h30: "Yêu cầu nhóm Phương Trang trả nợ gốc lãi cho số tiền vay 9.400 tỷ đồng là không hợp lý"
Về quá trình đối chiếu công nợ của Nhóm Công ty Phương Trang, LS nêu đại diện Ngân hàng CB đã trình bày và vẫn giữ nguyên yêu cầu buộc Công ty Phương Trang phải thanh toán số tiền nợ gốc là 9.400 tỷ đồng và trên 16.000 tỷ đồng tiền lãi tính đến thời điểm 7/5/2018.
Các Luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn cũng dựa theo yêu cầu này của CB để chứng minh nhóm Phương Trang có quan hệ hợp tác kinh doanh còn nợ số tiền gốc 9.400tỷ đồng và bà Phấn không gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín trên 5.200 tỷ đồng.
LS cho rằng vấn đề đáng quan tâm ở đây chính là quan điểm và cách thức nêu yêu cầu của đại diện CB tại phiên tòa hoàn toàn coi như không có vụ án này xảy ra, CB hiện tại sau khi NHNN ra quyết định mua 0 đồng và chỉ tiếp nhận các hồ sơ vay, hồ sơ giải ngân, kiểm tra sau khi cho vay đối với các khoản vay của nhóm Phương Trang. Tuy nhiên, mấu chốt nhất là lời trình bày và yêu cầu này của đại diện CB tại phiên tòa đã đi ngược lại và phủ nhận toàn bộ quá trình diễn biến việc đối chiếu công nợ chi tiết của chính Đại Tín.
Để chứng minh số tiền thực nhận của nhóm Phương Trang, bác bỏ yêu cầu không có căn cứ hợp pháp của đại diện CB tại phiên tòa, LS đã liệt kê cụ thể từng Biên bản và nội dung thể hiện quá trình đối chiếu này giữa Đại Tín với Nhóm Công ty Phương Trang
LS khẳng định yêu cầu của đại diện CB tại phiên tòa buộc Công ty Phương Trang phải trả nợ gốc 9.437 tỷ đồng và 16.000 tỷ đồng lãi là hoàn toàn không có căn cứ, không phù hợp với kết quả điều tra và quá trình thẩm tra công khai tại phiên tòa.
Từ những phân tích trên, LS Hoài đề nghị HĐXX xem xét, quyết định nhóm Phương Trang chỉ chịu trách nhiệm về mặt dân sự trên số dư nợ gốc 3.900 tỷ đồng của các hợp đồng tín dụng theo số thực nhận đã được nêu trong KLĐT. Đồng thời, yêu cầu giải tỏa một phần tài sản thế chấp hiện đang được CQĐT kê biên.
15h10: Bà Phấn là người sử dụng số tiền hơn 5.200 tỷ đồng
Trong lời bào chữa của mình, các Luật sư còn cho rằng việc chứng minh số nợ gốc mới là tảng băng chính, còn việc chứng minh, kết luận của CQĐT mới chỉ đề cập đến phần ngọn. Vậy sẽ phải lập luận thế nào trước việc CQĐT đánh giá, vụ án ngân hàng Đại Tín liên quan đến các hành vi sai phạm của bị cáo Phấn và các đồng phạm mới thật sự là một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự đổ vỡ và phát sinh vụ án Phạm Công Danh tại NH Xây dựng ? Vì thế, LS cho rằng, đây mới chính là vụ án gốc mà vụ án VNCB sau này đã được xét xử chỉ là phần ngọn.
Theo LS, phương pháp tiếp cận sự thật vụ án này chỉ là thể là truy ngược dòng tiền, tìm ra bản chất sự thật giữa dòng tiền thực nhận và bề mặt chứng từ thể hiện trong các hồ sơ vay, hồ sơ giải ngân và kiểm tra sử dụng vốn vay.
Về hoàn cảnh lập biên bản, 14/3/2012 là thời điểm nhạy cảm và bùng nổ về số liệu thực nợ đang tranh chấp và chưa được đối chiếu, lại diễn ra trong bối cảnh Đoàn Thanh tra NHNN đang tiến hành thanh tra. Diễn tiến đã trình bày cho thấy từ 5/3/2012 Công ty Phương Trang đã yêu cầu đối chiếu công nợ, Ngân hàng Đại Tín lần đầu yêu cầu họp làm rõ vào ngày 12/3/2012, mọi công nợ chưa được làm rõ.
Để làm rõ số liệu về số tiền bà Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo nhân viên Đại Tín sử dụng nghiệp vụ thu chi cấn trừ để che giấu số tiền rút ra và sử dụng là trên 5.200 tỷ đồng, trong quá trình giải quyết tin báo tố giác tội phạm trước khi khởi tố vụ án, CQĐT đã làm việc rất nhiều lần và xác định thực chất số tiền bà Phấn đã chiếm dụng của Ngân hàng Đại Tín, đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang, thể hiện qua Biên bản đối chiếu công nợ ngày 21/1/2015 của NH Xây dựng với bà Hứa Thị Phấn và nhóm khách hàng liên quan, với sự chứng kiến của đại diện Ban kiểm soát đặc biệt VNCB và Điều tra viên.
Cụ thể, tại Biên bản này, bà Phấn cho rằng đã ký hợp đồng huyển giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ cho Tập đoàn Thiên Thanh theo đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, nên không còn trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ cho NH Đại Tín mà thuộc về Tập đoàn Thiên Thanh, từ đó không đồng ý đối chiếu. Kèm theo là Bảng tổng hợp các khoản nợ của nhóm Phú Mỹ là 2.099 tỷ đồng.
Biên bản làm việc ngày 21/4/2015 của CQĐT với bà Hứa Thị Phấn với sự có mặt của LS Phạm Ngọc Trung và Bùi Thị Kim Loan. LS nêu tại biên bản này, bà Phấn trình bày về việc ông Nguyễn Hữu Luận tặng chiếc xe Maybach cho bà Phấn và việc bà Phấn tặng ông Nguyễn Hữu Luận căn hộ Penthouse đồng thời bà Phấn trình bày về việc sở hữu và chuyển giao Dự án Bình Điền cho nhóm Phương Trang.
Trong biên bản, bà Phấn cho rằng Dự án này được gọi tên là Dự án xây dựng Khu dân cư phức hợp River Park với diện tích 80.4m2, với tổng vốn đầu tư 197,2 triệu USD . Chủ đầu tư dự án bên Việt Nam là Công ty Phú Mỹ góp 49%, bên nước ngoài là ông Tan Heng Kok góp 51%.
Thực tế cuối năm 2010, do thỏa thuận giữa bà Phấn và ông Luận đã ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp Công ty Phú Mỹ có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, hai bên thống nhất giá chuyển nhượng dự án là 1.240 tỷ đồng nhưng không có tài liệu chứng minh. Hiện tại, bà Phấn chưa có giải trình và chưa chuẩn bị xong tài liệu.
Với các Biên bản CQĐT làm việc với bà Hứa Thị Phấn mà LS nêu trên, LS cho rằng bà Phấn làm việc trong tình trạng minh mẫn, với sự có mặt của Bùi Thị Kim Loan và LS Phạm Ngọc Trung chứng minh bà đã sử dụng số tiền trên 5.200 tỷ đồng được rút từ các khoản vay của các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh với Công ty Phương Trang tại ngân hàng. Đại Tín. Điều này đồng nghĩa với việc loại trừ nghĩa vụ chứng minh của Công ty Phương Trang và các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh.
15h: Làm rõ số nợ "khống" trên 5.200 tỷ đồng
Tiếp theo, LS trình bày làm rõ số tiền bị cáo Hứa Thị Phấn chiếm dụng của Đại Tín, đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang trên 5.200 tỷ đồng.
Tại phiên tòa trước, LS Lưu Văn Tám khi chứng minh mối quan hệ vay mượn tiền cá nhân giữa bị cáo Hứa Thị Phấn và ông Nguyễn Hữu Luận, Phạm Đăng Quan và Công ty Phương Trang, đã sử dụng phương pháp chia mối quan hệ vay mượn thành các giai đoạn, dựa trên việc cập nhật trong cái gọi là sổ quỹ thu chi của Công ty Phương Trang và coi các khoản tiền vay của các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh với Đại Tín chính là khoản tiền bà Hứa Thị Phấn cho mượn lên tới trên 8.000 tỷ đồng.
LS Hoài cho rằng, cách tiếp cận này dẫn đến không trả lời được 2 câu hỏi. Đó là trong điều kiện thực trạng tài chính của bà Hứa Thị Phấn chiếm 84,9% cổ phần NH Đại Tín, bà Phấn thực sự có tiền để cho ông Luận và Công ty Phương Trang vay khi tồn quỹ tiền mặt mỗi ngày chỉ vài chục tỷ đồng?
Nếu coi các khoản tiền vay của các Công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác với Công ty Phương Trang vay của bà Phấn chính là từ nguồn tiền vay của các Hợp đồng tín dụng này để cho mượn thì khoản 5.200 tỷ đồng, vậy bà Phấn đã nhận từ nguồn tiền nào?
LS cho rằng quá vô lý ! Nếu theo lập luận của các Luật sư bào chữa cho bà Phấn rằng nợ gốc của 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc và khoản trái phiếu Trường Vỹ, sẽ giải thích như thế nào khi cho rằng Công ty Phương Trang đã nhận 9.437 tỷ đồng, trong khi gần như toàn bộ lời khai của các bị cáo, kể cả của bà Hứa Thị Phấn là việc không có việc thu, chi tiền mặt thực tế ? LS đặt nghi vấn.
14h35: Luật sư nhóm Phương Trang đưa ra lời bào chữa
Liên quan đến dự án Bình Điền, thông qua những nhân viên Công ty Phương Trang đi giao dịch với ngân hàng về báo ông Nguyễn Hữu Luận được biết bà Ngô Kim Huệ muốn chuyển nhượng Doanh Nghiệp Huệ Tâm để bán miếng đất ở Dự án Bình Điền do kẹt tiền và không muốn làm tiếp dự án vì bà Huệ không có khả năng chuyên môn để triển khai dự án. Thấy giá cả hợp lý và vị trí phù hợp với định hướng kinh doanh nên ông Nguyễn Hữu Luận đồng ý mua.
Do vậy, ngày 15/12/2010, ông Luận và bà Huệ đã ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp với nội dung: Bà Ngô Kim Huệ chuyển nhượng 100% vốn góp của Doanh nghiệp Huệ Tâm, cùng toàn bộ tài sản thuộc sở hữu với giá trị chuyển nhượng 244 tỷ đồng. Ông Luận khẳng định chỉ ký duy nhất 1 hợp đồng chuyển nhượng vốn góp. Ngoài hợp đồng trên đây ông Luận và bà Huệ không có gặp mặt cũng như không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào khác liên quan đến việc chuyển nhượng này.
Việc bà Hứa Thị Phấn trong các Đơn tố cáo cho rằng Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của Doanh Nghiệp Huệ Tâm có liên quan đến Hợp đồng mua bán trái phiếu Doanh nghiệp giữa Ngân hàng Đại Tín và Công ty Trường Vĩ là không có căn cứ. LS cho rằng, giữa 2 Hợp đồng này hoàn toàn độc lập với nhau; khoảng cách thời gian ký của 2 Hợp đồng này được ký kết cách nhau tới gần ba tháng. Ý chí và quyết định của cá nhân Luận để mua Doanh Nghiệp Huệ Tâm có sở hữu mảnh đất này chỉ xuất hiện đầu tháng 12/2010 mà thôi.
Để xác định giá trị pháp lý của Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 16, cũng như giá trị thật của Dự án Bình Điền, LS nêu lại lời khai của Ngô Kim Huệ đã được CQĐT tiến hành lấy lời khai.
Tóm tắt phiên xét xử sáng 26/5:
Đại diện CB cho rằng việc mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, đại diện Ngân hàng CB mong HĐXX xem xét chấp nhận đơn của Ngân hàng về việc giải chấp.
Liên quan đến khoản vay của nhóm Công ty Phương Trang, đề nghị Phương Trang tiếp tục trả phần lãi phát sinh cho đến khi trả hết nợ. Giải tỏa các tài sản thế chấp tại Ngân hàng để phát mại tài sản. Trong Trường hợp không trả nợ sẽ tiến kê biên.
Đồng thời mong HĐXX sẽ có phán quyết, cân nhắc giảm nhẹ tội danh cho bị cáo là cán bộ nhân viên Ngân hàng Đại Tín.
Liên quan đến sự khác nhau số liệu khoản tiền vay, đại diện đề nghị xem lại khái niệm giải ngân, sử dụng dịch vụ thanh toán ngân hàng. Đại diện cho rằng giải ngân phải thực hiện chuyển khoản. Ngân hàng đã giải ngân đầy đủ và số tiền 5.200 tỷ đồng có yếu tố làm trái đã được làm xem xét, còn 7.000 tỷ đồng dùng để đảo nợ là thật. Số tiền Phương Trang nhận là thật do đó số tiền giải ngân cho Phương Trang là thật.
Đối với Ngân hàng CB, tất cả hồ sơ không có dấu hiệu gian dối, không có bị cáo nào bị quy kết vi phạm quy định cho vay. Thực chất chỉ liên quan tài khoản bên vay thứ 3.
Trong khi đó, LS Phan Trung Hoài, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho Phương Trang lại cho rằng thanh tra không làm hết trách nhiệm của mình, vẫn ghi nhận nhóm Phương Trang dự nợ hơn 9.400 tỷ đồng dẫn đến đánh giá sai về bản chất.