Xét xử Hà Văn Thắm sáng 26/4: 'Tòa sơ thẩm tuyên Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn tội tham ô và lạm dụng là có căn cứ'
8h19 HĐXX vào làm việc.
Đại diện VKS: Tại bản án hình sự sơ thẩm, TAND TP HÀ Nội đã tuyên phạt Hà Văn Thắm phạm vào 4 tội, tù chung thân. Nguyễn Xuân Sơn 3 tội, tử hình. Nguyễn Minh Thu 2 tội, 22 năm. Nguyễn Văn Hoàn 2 tội, 22 năm. Phạm Công Danh 14 năm vi phạm cộng với án cấp cao tại HCM là 30 năm. Hứa Thị Phấn 17 năm vi phạm…
Tại tòa, nhiều bị cáo giữ nguyên kháng cáo, xin xem xét lại hình phạt, xin được miễn trách nhiệm hình phạt… Bà Hứa Thị Phấn kháng cáo toàn bộ bản án…
Quá tình hoạt động, Oceanbank từ 2008-2014 đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật chi lãi ngoài hợp đồng, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tham ô… dẫn đến nợ xấu 2014 lên hơn 14 nghìn tỷ đồng, gây thiệt hại cho Oceanbank và các tổ chức cá nhân góp vốn. Nguyên nhân là do hành vi vi phạm của Thắm, Sơn và nhiều bị cáo khác.
Xét kháng cáo kêu oan của Sơn, Thắm về tội Tham ô và kháng cáo kêu oan của 2 bị cáo này cùng Thu, Hoàn về tội Lạm dụng.
Như vụ án đã thể hiện, PVN là cổ đông góp vốn ở Oceanbank, từ 2008 đến 2011, PVN đã góp đủ 800 tỷ đồng, Sơn là đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbank. Lợi dụng vị thế của PVN tại Oceanbank, Sơn đã trao đổi, yêu cầu Thắm chi lãi ngoài đối với nhóm khách hàng PVN tại Oceanbank từ đó dẫn đến việc thu chênh lệch giá qua Công ty BSC. Và chỉ đạo Thu, Hoàn thực hiện triển khai trên toàn hệ thống thu tiền chênh lệch trên toàn hệ thống thông qua thu phí chênh lệch tỷ giá qua BSC, chiếm đoạt 69 tỷ đồng.
Việc các bị cáo cho rằng không phạm tội này, tuy nhiên, theo lời khai của Thắm đây là hoạt động thu tiền biến tướng... Quá trình điều tra, các khách hàng khai là không sử dụng dịch vụ gì, BSC cũng không cung cấp dịch vụ gì cho họ.
Với hành vi trên, cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là đúng căn cứ pháp luật.
Theo đại diện VKS, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn là người có chức vụ quyền hạn và là người có quyền quyết định vốn gửi rất lớn tại Oceanbank.
Như vậy, bị cáo Sơn đã lợi dụng chức vụ cửa mình buộc bị cáo Thắm chi lãi. Hành vi của bị cáo Thắm, Sơn đã phạm vào 2 tội. Tham ô 49 tỷ đồng là của nhà nước vì PVN là sở hữu của nhà nước. Và lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.
Như vậy việc cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Thắm, Sơn phạm tội tham ô và lạm dụng là có căn cứ.
Bị cáo Hà Văn Thắm tại tòa. Ảnh: Internet. |
9h05: Các bị cáo nguyên là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch, giám đốc hội sở: tổng số tiền Oceanbank hạch toán chi lãi ngoài gửi tiền với tổng số tiền nêu trên, hành vi này đã vi phạm pháp luật về trần lãi suất tối đa, vi phạm hạch toán kế toán…
Sự vi phạm của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Toàn bộ số tiền hơn 1500 tỷ chi trái quy định, không thu hồi được. Việc này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân. Dẫn tới nợ xấu của Oceanbank, âm vốn chủ sở hữu, dẫn đến việc ngân hàng nhà nước phải mua bắt buộc 0 đồng.
Việc xét hỏi điều tra tại tòa cho thấy ngoài việc chi lãi ngoài hợp đồng cho cá nhân còn chi cho các tổ chức kinh tế có vốn nhà nước. Các bị cáo giúp sức, đồng phạm phải chịu trách nhiệm về số tiền đã chi lãi ngoài.
Quá trình điều tra và tại tòa các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, nhân thân tốt, tòa sơ thẩm xem vai trò, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tại tòa hôm nay, mặc dù hậu quả của các bị cáo gây ra cùng đồng phạm cấp trên nhưng xét tính chất, vai trò, các bị cáo hầu hết là người làm công, không hưởng lợi.
Một số bị cáo đã khắc phục hậu quả: Nguyễn Phan Trung Kiên, nhiều bị cáo khắc phục được một phần hậu quả…
Xét thấy có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của các bị cáo về nội dung này nhưng không có căn cứ xin miễn trách nhiệm hình phạt của các bị cáo.
9h18: Bà Hứa Thị Phấn và ông Phạm Công Danh kháng cáo xin xem xét lại hành vi liên quan hành vi cho vay 500 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Thắm, Hoàn cho Trung Dung vay là không đúng mục đích vay trong hợp đồng nhưng bị cáo Thắm và Hoàn vẫn cho vay.
Thứ 2 là cho vay vượt quá tỷ lệ cho vay của Oceanbank, không đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản phát sinh… nhưng bị cáo Thắm và Hoàn vẫn ký phê duyệt cho vay và sau giải ngân không chỉ đạo cấp dưới kiểm tra, giám sát để ông Danh rút tiền ra gửi tiết kiệm... đến nay không thu hồi được.
Hành vi nêu trên của bị cáo Hoàn, Danh, Thắm về tội vi phạm quy định của cấp sơ thẩm là có căn cứ pháp luật... Việc tòa tòa sơ thẩm tuyên Sơn phải bồi hoàn 49 tỷ cho PVN là đúng.
Vì các lẽ trên, đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của 6 bị cáo: Nguyễn Thị Loan, Trần Anh Thiết, Nguyễn Phan Trung Kiên, Vũ Thị Thùy Dương, Đỗ Đại Khôi Trang, Nguyễn Hoài Nam.
9h40: Kiểm sát viên khác bổ sung: Quan điểm VKS khẳng định tòa sơ thẩm áp dụng pháp luật xử phạt các bị cáo 4 tội danh là có căn cứ pháp luật, không oan, không sai.
Về hình phạt, tòa sơ thẩm áp dụng các hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến tử hình, không áp dụng miễn trách nhiệm hình sự là có căn cứ. Do đó VKS đề nghị không thay đổi hình phạt với các bị cáo.
Đến thời điểm kết luận vụ án, VKS thấy không có thêm tình tiết mới. Nếu có tình tiết mới, VKS sẽ có quan điểm…
Về dân sự, VKS không có thay đổi, sửa đổi, bổ sung gì về quyết định của tòa sơ thẩm về kê biên tài sản… vì tòa sơ thẩm kết luận như thế là đúng quy định pháp luật.
9h49: Luật sư Trịnh Cẩm Bình bào chữa cho bị cáo Vũ Thị Thùy Dương nêu một số quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình: Ngay trong bản án cấp sơ thẩm cũng đã nhận định các bị cáo đều là người làm công ăn lương, thực hiện theo chỉ đạo, đều có nhân thân tốt.
Ngoài ra, các quy chế hoạt động, quy chế tài chính của Oceanbank, các giám đốc chi nhánh, hội sở chỉ là người thực hiện theo chỉ đạo của hội sở, lãnh đạo trong ban điều hành.
Trong quy chế hoạt động không thể hiện các giám đốc hội sở chỉ đạo giám đốc chi nhánh mà giám đốc chi nhánh chịu sự chỉ đạo của TGĐ chứ không phải lãnh đạo của khối hội sở.
Việc bị cáo Dương hạch toán, kế toán trung thực, khách quan là sự giúp sức nhưng giúp sức không đáng kể, thứ yếu. Bị cáo Dương có nơi cư trú rõ ràng, hiện đang làm trong Oceanbank, nên không nhất thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian.
Trong công tác, bị cáo Dương có nhiều thành tích, bằng khen, gia đình có bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ có công với cách mạng, được tặng thưởng nhiều huân huy chương… tôi nghĩ rằng không có lý do gì cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội cũng đảm bảo yếu tố răn đe, giáo dục. Xin HĐXX chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Dương.
11h: Bị cáo Nguyễn Hoài Nam: Mức án tù có thời hạn là quá nặng nề với bị cáo. Theo bản cáo trạng cũng như bản án, hai sai phạm chủ yếu thông tư 02 về trần lãi suất, cái này bị cáo không trực tiếp thực hiện. Các sai phạm về kế toán, bị cáo cũng không phải liên quan kế toán, bảng kê bị cáo cũng không biết dùng vào mục đích gì. Việc chi trả tiền có sai lệch so với các giám đốc nhận, bị cáo cũng không biết tại sao. Việc bị cáo bị xử án tù nặng hơn giám đốc chi nhánh, bị cáo thấy chưa thỏa đáng.
Nói về nhân thân, bị cáo Nguyễn Hoài Nam khóc cho rằng phải ra vành móng ngựa như này thực sự là sự xấu hổ của gia đình. Xin HĐXX xem xét tới hoàn cảnh con nhỏ, bản thân khôn phải thành phần nguy hiểm cho xã hội mà phải cách ly, xin HĐXX xem xét.
Luật sư Nguyễn Văn Khánh bào chữa cho bị cáo Hoài Nam: Trong vụ án này, có một số tình tiết mới. Thứ nhất, đối với hành vi của bị cáo, về chủ trương chi lãi ngoài, lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp xuống các giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch. Vì thế mới có việc 4 cô gái ở trên nhằm làm hạn chế, giảm thiếu việc chi lãi ngoài. Ở cấp sơ thẩm tôi tham gia không có tình tiết này, cho nên cái này là mới.
Thứ 2, bị cáo không phải là người trực tiếp chi tiền, không phải người phê duyệt, chuyển các phiếu cho các bộ phận chi tiền mà chỉ là người kiểm soát, hạn chế việc chi lãi suất ngoài.
Tại sơ thẩm, bị cáo chưa xuất trình được các cái liên quan nhân thân là tình tiết giảm nhẹ, VKS phát biểu cũng chưa đề cập đến vấn đề này: Ông ngoại là người có công với cách mạng, được đặt tên đường tại Nghệ An, Hà Tĩnh… bà ngoại có huân chương kháng chiến hạng nhì, bố ruột, bố mẹ chồng được tặng thưởng huân huy chương kháng chiến... Đề nghị HĐXX xem xét.
Bị cáo Nguyễn Thị Nga: bị VKS đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.
Tại tòa, bị cáo Nga khóc nức nở, HĐXX bảo giữ bình tĩnh để trình bày.
Nga nói qua nước mắt, giọng nghẹn ngào: Trong vụ án này, bị cáo chỉ mong HĐXX, VKS hãy xem xét thật kỹ hồ sơ trong vụ án, xem xét cho bị cáo một cách công tâm, toàn diện. Thời điểm này bi cáo vẫn tha thiết mong HĐXX xem xét cho bị cáo chứ con số 175 tỷ, quả thực có 109 tỷ bị cáo thực sự không biết, bị cáo không biết phải giải thích thế nào.
Bị cáo là kế toán, bị cáo không bao giờ làm sai, còn 66 tỷ bị cáo chi trực tiếp vào tài khoản. Bị cáo làm kế toán, tuân thủ đầy đủ nguyên tắc kế toán, dù là hành động nhỏ bị cáo cũng phải tuân thủ đúng. Bị cáo cũng không có thẩm quyền phê duyệt. Bị cáo không ký vào bất cứ chứng từ phê duyệt chuyển tiền nào.
Trong 5,6 năm chi lãi ngoài, bị cáo lúc nào cũng nhắc nhở nhân viên phải tuyệt đối tuân thủ, có đầy đủ chứng từ mới hạch toán. Bị cáo không tiếp tay cho tổ chức cá nhân nào. Bị cáo xin HĐXX xem xét cho bị cáo điều 50 của luật kế toán. Vậy là 1 lời đề nghị xem xét giảm nhẹ của VKS bị cáo cũng không nhận được. Quả thực bị cáo không biết phải nói thế nào.
Nếu vấn kết án bị cáo 42 tháng tù thì quá nặng với bị cáo. Bị cáo còn nuôi hai con nhỏ. Bị cáo đề nghị VKS loại bỏ con số 109 tỷ cho bị cáo. Ở cơ quan điều tra, họ nói chị cứ ra tòa trình bày, bị cáo trình bày mà cũng không được xem xét.
Bị cáo Nguyễn Thị Nga vừa nói vừa khó từ đầu tới cuối.
LS Vương Cẩm Vân bào chữa cho bị cáo Nga: Đề nghị xem xét cho bị cáo Nga chỉ là người làm công ăn lương, không tham gia chỉ đạo chi lãi ngoài. Xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Sau khi phân tích, Luật sư đề nghị sau khi xử phạt bị cáo ở mức thấp nhất thì cho bị cáo được hưởng án treo để chăm sóc con vì bị cáo này đã ly hôn chồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba: bị xử phạt 3 tháng tù, kháng cáo hưởng án treo. VKS đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.
Bị cáo Thu Ba đứng ở bục khai báo cũng khóc nức nở: Bị cáo không thay đổi lời khai, không chối tội, xin HĐXX xem xét. Bản án sơ thẩm kết luận bị cáo chỉ đạo nhân viên chi lãi ngoài tổng số tiền 84 tỷ. Thực tế, bị cáo chỉ phân công cho nhân viên khối ngân hàng bán lẻ xem có đúng khách hàng đã mở sổ trên hệ thống tiết kiệm không, đối chiếu tỷ lệ phần trăm trên danh sách, tổng hợp danh sách khách hàng cá nhân gửi tiền để gửi cho khối nguồn vốn… Bị cáo không trình Minh Thu phê duyệt báo cáo. Mục đích của việc tổng hợp báo cáo là để tham khảo nội bộ. Bị cáo không biết bộ phận kế toán hạch toán chuyển tiền cho phòng giao dịch như nào, số tiền bao nhiêu. Bị cáo chỉ thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình, hoàn toàn không biết nguồn tiền chi trả, cách thức chi trả như thế nào. Kính đề nghị xem xét vai trò mờ nhạt của bị cáo. Xin xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.
11h30: Phiên tòa kết thúc phiên làm việc buổi sáng, chiều xử tiếp.
Tại phiên xét xử ngày 24/4, HĐXX dành thời gian để các cổ đông của Oceanbank được trình bầy kháng cáo.
Theo bản án sơ thẩm, do PVN là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, đã góp 800 tỷ đồng tiền vốn (tương ứng 20% vốn điều lệ của Oceanbank) nên trong số tiền hơn 246 tỷ đồng Nguyễn Xuân Sơn (nguyên TGĐ Oceanbank) đã chiếm đoạt, tính theo tỷ phần 20% thì có ít nhất hơn 49 tỷ đồng là tiền của Nhà nước.
Hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 49 tỷ đồng này của Sơn, cấp sơ thẩm tuyên đã tuyên tử hình tội “Tham ô tài sản”.
Về số tiền tham ô hơn 49 tỷ đồng, HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng, đây là số tiền được xác định là do Nguyễn Xuân Sơn đã tham ô; đó là khoản tiền thuộc sở hữu Nhà nước do PVN đại diện quản lý, PVN có yêu cầu được nhận lại nên HĐXX cấp sơ thẩm buộc Nguyễn Xuân Sơn phải bồi hoàn số tiền này.
Sau bản án sơ thẩm, hai cổ đông của Oceanbank là công ty TNHH VNT và Công ty CP Tập đoàn Đại Dương kháng cáo cho rằng: Họ là các cổ đông của Oceanbank nên đề nghị xem xét đến quyền lợi của họ như cổ đông là PVN.
Trình bày tại tòa, bà Lâm Khánh Hồng, đại diện theo pháp luật VNT cho rằng, VNT cũng là cổ đông sở hữu 20% cổ phần, cũng phải được tuyên trả lại số tiền 49 tỷ đồng như PVN thì mới công bằng. Đại diện VNT còn đề nghị các đơn vị, cá nhân đã nhận tiền chi lãi ngoài bất hợp pháp trả tiền cho VNT.
Vẫn theo lời bà Hồng, VNT là cổ đông, nhưng không được có ý kiến về việc Oceanbank bị NHNN mua bắt buộc. VNT đương nhiên bị mất khoản vốn đầu tư từ khi thành lập Oceanbank là không thỏa đáng nên kháng cáo mong có được quyền lợi công bằng như PVN.
Tại tòa, đại diện công ty CP Tập đoàn Đại Dương cũng trình bày kháng cáo tương tự như đối với VNT. Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, có hàng chục cổ đông Oceanbank gửi đơn tới TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét quyền lợi.
Trong đơn, các cổ đông Oceanbank cho rằng, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội nhận định, trong tổng số tiền hơn 1.576 tỷ đồng mà Hà Văn Thắm và các đồng phạm chi lãi ngoài, có khoản tiền hơn 246 tỷ đồng chi cho Nguyễn Xuân Sơn để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN.
Tuy nhiên, ông Sơn không giao lại tiền này cho PVN mà chiếm đoạt, trong đó có hơn 49 tỷ đồng là tiền của Nhà nước mà Sơn là người đại diện để quản lý. Do đó, tòa yêu cầu bị cáo Sơn phải bồi thường khoản tiền này cho PVN.
Các cổ đông cho rằng, tòa sơ thẩm yêu cầu ông Sơn bồi thường thiệt hại cho cổ đông Nhà nước thì các cổ đông khác cũng phải được bồi thường tương ứng với tỉ lệ vốn góp.