[Live] Ngày đầu xét xử Hà Văn Thắm: Hà Văn Thắm đã chiếm đoạt 137 tỷ đồng của OceanBank
16h50: Tòa nghỉ.
Ngày mai (28/2) HĐXX sẽ công bố phần tiếp theo của cáo trạng.
15h30: Đại diện VKSND TP Hà Nội tiếp tục công bố bản cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm và đồng phạm.
Theo cáo trạng, trong vụ án này, cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm bị truy tố 3 tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng, cơ quan tố tụng làm rõ đối với khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung.
Trần Văn Bình – Công ty Trung Dung là lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên pháp nhân công ty đứng ra ký vay tiền 500 tỷ đồng. Tài sản cầm cố là số cổ phần ảo của Trần Văn Bình tại Công ty Trung Dung. Số còn lại là tài sản của bà Hứa Thị Phấn và những người liên quan.
Cơ quan tố tụng cho biết, số tiền thiệt hại của hành vi này là hơn 343 tỷ đồng.
Liên quan hành vi này, các bị cáo bị quy kết trách nhiệm hình sự như: Hà Văn Thắm, Nguyễn Văn Hoàn – cựu Phó TGĐ Oceanbank. Bị cáo Hoàn giữ vai trò giúp sức tích cực. Một số người liên quan như Phạm Công Danh, Trần Văn Bình đã được xem xét trong đại án VNCB.
Hai hành vi liên quan đến tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là: Hành vi lập khống 9 hồ sơ vay 137 tỷ đồng tại Oceanbank – Phòng giao dịch Đào Duy Anh, Chi nhánh Hà Nội và hành vi cho 8 khách hàng vay gồm: Công ty BSC Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và tư vấn tài chính Liên Việt, Công ty CP Nam Định… không bị xem xét hình sự trong phiên tòa này do thời hạn điều tra đã hết và sẽ tiếp tục được điều tra trong giai đoạn hai của vụ án này.
Đối với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo cơ quan tố tụng, các bị cáo đã có hành vi đề ra chủ trương và triển khai, chỉ đạo thực hiện thu phí của khách hàng vay vốn và mua ngoại tệ tại OceanBank để dùng chi tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho vốn huy động từ PVN cho Nguyễn Xuân Sơn – cựu TGĐ Oceanbank.
Ở hành vi này, các bị cáo đã thông qua công ty sân sau của cựu Chủ tịch OceanBank – Công ty CP BSC Việt Nam thực hiện hợp đồng dịch vụ, thu phí đối với các khách hàng vay vốn. Ngoài ra còn thực hiện hành vi cho vay cao hơn giá niêm yết đối với những khách hàng không có đủ điều kiện vay tiền ngân hàng…. Số tiền thu phí dịch vụ vay tiền thông qua Công ty BSC Việt Nam gây thiệt hại cho OceanBank số tiền gần 69 tỷ đồng. Số tiền này được cơ quan tố tụng xác định để sử dụng mục đích vụ lợi cho Nguyễn Xuân Sơn.
Các bị cáo liên quan trong hành vi trên gồm: Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thị Minh Thu – cựu Phó TGĐ, Phạm Hoàng Giang – cựu TGĐ Công ty BSC…
15h18: HĐXX tạm nghỉ giải lao.
14h50: Bản cáo trạng của VKSNDTC cho thấy:
Hơn 1.000 tỷ đồng tiền Nhà nước 'bốc hơi' trong đại án Oceanbank
Theo cáo trạng, Tập đoàn dầu khí Việt Nam có góp vốn Nhà nước vào Oceanbank 20% cổ phần, tương đương 800 tỷ đồng, đến nay không có khả năng thu hồi do Ocean bank đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Như vậy, đơn vị này bị lỗ số tiền góp vốn.
Ngoài ra, công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Đà cũng góp 266 tỷ đồng (tương đương 6,65% cổ phần) đến nay cũng không có khả năng thu hồi. Theo cơ quan điều tra, cần làm rõ vấn đề này. Tuy nhiên, do thời hạn điều tra đã hết, cơ quan điều tra đã tách nhóm hành vi này để tiếp tục điều tra xử lý sau.
Đại diện VKSND TP Hà Nội công bố nội dung bản cáo trạng. (Ảnh: Chí Hiếu). |
PVN bị mất trắng 800 tỷ đồng
Bản cáo trạng xác định, Thắm cho Cty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Trung Dung (công ty do Phạm Công Danh - Chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng VNCB - thành lập và thuê người đứng tên giám đốc) vay 500 tỷ đồng để trả nợ cho việc mua cổ phần của nhóm Hứa Thị Phấn tại ngân hàng TMCP Đại Tín.
Việc cho vay này đã vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng, cho vay không đảm bảo, vượt quá giới hạn quy định, các tài sản đảm bảo khoản vay không có thật, thậm chí không có tài sản.
Theo đó, năm 2012, Ngân hàng nhà nước (NHNN) chủ trương tái cơ cấu, sáp nhập các ngân hàng yếu kém. Muốn thâu tóm các ngân hàng này, Thắm gặp Phấn (đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín) gây sức ép, buộc Phấn phải chuyển cổ phần cho mình.
Đến tháng 2/2012, Phấn ký hợp đồng, bán số cổ phần tương đương 84.9% vốn điều lệ của Đại Tín cho Hà Văn Thắm với giá hơn 4.400 tỷ đồng. Sau đó, Thắm cho người vào quản lý Đại Tín nhưng không trả tiền, không cơ cấu tài sản của Phấn và cá nhân liên quan.
Biết được sự việc, Phấn đe doạ Thắm sẽ lấy lại cổ phần bán cho người khác nên Thắm liền chuyển nhượng lại số cổ phần trên cho Phạm Công Danh với giá 800 tỷ đồng. Việc giao dịch của bộ ba Thắm – Danh – Phấn nếu không thực hiện được sẽ không thể thanh khoản khiến NHNN tiếp tục sáp nhập Đại Tín vào ngân hàng khác. Do đó, cả ba thống nhất để ngân hàng Oceanbank sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng và thế chấp bằng tài sản của Phấn.
Sau đó, Danh và Thắm thống nhất lấy tư cách pháp nhân của Cty Trung Dung để thực hiện việc này. Số tiền này Danh sẽ chuyển lại để tất toán 5 hợp đồng vay của nhóm Phấn tại Đại Tín đồng thời ghi nhận việc Danh trả tiền mua cổ phần Đại Tín.
Bên cạnh đó, để huy động vốn của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Thắm đồng ý chi tiền ngoài hợp đồng tiền gửi cho Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank. Thắm và Sơn đã bàn bạc, thống nhất đề ra chủ trương “thu phí” của khách hàng thông qua Cty CP BSC và triển khai tổ chức thực hiện, dẫn đến thiệt hại cho OceanBank và khách hàng hơn 70 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thắm còn chỉ đạo, thống nhất với lãnh đạo OceanBank về chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng gửi tiền tại đây, vượt trần huy động đối với khách hàng gửi tiền tại OceanBank số tiền hơn 985 tỷ đồng.
Liên quan vụ việc, PVN cũng đầu tư vào Ocean Bank 800 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn của ngân hàng (4.000 tỷ đồng). Việc này được thực hiện dưới thời của cựu chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn. Khi Ocean Bank được Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng, PVN mất trắng 800 tỷ.
Hà Văn Thắm đã chiếm đoạt 137 tỷ đồng của OceanBank
Vào tháng 5/2014, để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo Nguyễn Thị Lan Hương, Thư ký HĐQT lập khống 24 hợp đồng chuyển nhượng căn hộ của Dự án StarCity Westlake giữa 9 cá nhân do Hà Văn Thắm chỉ định với Công ty Viptour – Togi làm chủ đầu tư (Hà Văn Thắm Chủ tịch HĐQT Oceanbank kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) là cổ đông lớn).
Sau đó Thắm chỉ đạo Nguyễn Thị Dung là người được Thắm thuê làm Phó tổng giám đốc CTCP Viptour – Togi ký vào các hồ sơ khống này. Đồng thời chỉ đạo Nguyễn Việt Hà, Giám đốc PGD Đào Duy Anh thực hiện thẩm định cho vay.
Đến ngày 29/5/2014, theo chỉ đạo của Thắm, Nguyễn Việt Hà giao Trần Trung Kiên – Trưởng Phòng và cán bộ tín dụng Nguyễn Anh Tuấn lập báo cáo thẩm định đề nghị duyệt cho vay.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ cho vay, Nguyễn Anh Tuấn không liên hệ với khách hàng, không thẩm định khả năng tài chính, không định giá tài sản đảm bảo khoản vay mà đã lập 9 tờ trình thẩm định đề xuất duyệt cho vay đối với 9 khách hàng cá nhân, trình Trần Trung Kiên và Nguyễn Việt Hà ký, trình Hội sở xét duyệt khoản vay. Bất chấp hồ sơ bị Phòng thẩm định cá nhân của Oceanbank trả lại do không đủ điều kiện, Hà Văn Thắm và Nguyễn Văn Hoàn vẫn đồng ý cho vay.
Cùng ngày, Phòng giao dịch Đào Duy Anh đã ký 9 hợp đồng tín dụng và 137,89 tỷ đồng đã được giải ngân. Tiền về tài khoản của Viptour – Togi, sau đó Hà Văn Thắm để trả nợ cho các khoản vay khác của Thắm.
Theo kết luận thanh tra ngày 10/7/2012 của NHNN thì tại thời điểm thanh tra, vốn chủ sở hữu của ngân hàng Đại Tín bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm, theo BCTC ngân hàng Xây dựng năm 2012 đã kiểm toán thì kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. |
Hiện tại, OceanBank đã thu hồi hơn 26 tỷ đồng tiền gốc và 1,53 tỷ đồng tiền lãi phạt do 2 cá nhân đã tự thanh lý, chuyển trả. Công ty Viptour - Togi đã chuyển nộp vào tài khoản tạm giữ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng 111,84 tỷ đồng để trả tiền nợ gốc. Như vậy số tiền nợ gốc của khoản vay nói trên đã được thu hồi.
Liên quan đến khoản vay này có Hà Văn Thắm, Nguyễn Việt Hà, Trần Trung Kiên và Nguyễn Anh Tuấn. Do thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có quyết định tách ra để tiếp tục điều tra, xử lý hành vi vi phạm này trong giai đoạn II của vụ án cùng với 1 số khoản vay có dấu hiệu vi phạm khác.
Không xem xét trách nhiệm của vợ, mẹ vợ và em vợ Hà Văn Thắm
Công ty cổ phần BSC Việt Nam (Cty BSC) là Công ty của Hà Văn Thắm, được thành lập vào ngày 10/1/2008 với vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, trong đó có 5 cổ đông do Thắm nhờ đứng tên, không có vốn góp và mọi hoạt động của công ty này đều do Thắm chỉ đạo và quyết định.
Đến ngày 16/12/2008, Cty BSC thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 3, Hoàng Thị Hồng Tứ - Thư ký HĐQT OceanBank được Thắm nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT và đại diện trước pháp luật; Hồ Vĩnh Hoàng (em vợ Thắm…) và Lê thị Ánh Tuyết (Chánh văn phòng HĐQT OceanBank) là các cổ đông mới của công ty.
Theo lời khai của bà Tứ, bà chỉ là người đại diện chứ không được chỉ đạo, điều hành hay nhận lương của Cty BSC, trong thời gian làm việc bà Tứ có ký một số hợp đồng dịch vụ khách hàng trong hoàn cảnh: các hợp đồng đã được đánh máy, ghi người đại diện BSC là Hoàng Thị Hồng Tứ và khách hàng ký trước rồi chuyển về Cty BSC.
Cơ quan điều tra cho rằng, bà Hồ Thị Quỳnh Nga (vợ Thắm), bà Bùi Thị Cẩm Vân (mẹ vợ Thắm), ông Hồ Vĩnh Hoàng (em vợ Thắm) và bà Hoàng Thị Hồng Tứ được Thắm cho đứng tên cổ đông, Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc một số công ty sân sau của Thắm, giúp cho Thắm và đồng bọn sử dụng pháp nhân để thực hiện các hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, chưa phát hiện tài liệu chứng cứ chứng minh yếu tố chủ quan của các ông bà này có dùng ý chí và giúp sức cho hành vi phạm tội của Thắm. Những người này cũng không được Thắm bàn bạc hoặc cho hưởng lợi ích vật chất gì. Vì vậy, cơ quan điều tra đề nghị không xem xét trách nhiệm của những người này.
14h20: HĐXX bắt đầu thẩm vấn các bị cáo.
HĐXX đưa ra quan điểm: "Do bản cáo trạng dài 135 trang nên nếu như có bị cáo nào mệt, sức khỏe yếu thì có thể xin phép HĐXX được ngồi nghe bản cáo trạng".
Theo nội dung bản cáo trạng tuy tố, đầu năm 2012, NHNN có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các Ngân hàng TMCP yếu kém. Do muốn thâu tóm một số Ngân hàng TMCP về OceanBank nên Hà Văn Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn, cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín để đặt vấn đề chuyển giao lại ngân hàng Đại Tín cho Thắm. Thắm gây sức ép bằng việc đưa ra những sai phạm trong quá trình quản trị, điều hành của HĐQT và việc vay vốn của bà Phấn tại ngân hàng Đại Tín... để yêu cầu bà này phải chuyển nhượng cổ phần ngân hàng Đại Tín.
Ngày 23/2/2012, bà Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ, thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, đại diện cho nhóm cổ đông của bà Phấn ký Hợp đồng kinh tế với Thắm để bán hơn 254 cổ phần, (tương đương hơn 84% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín) với tổng giá trị theo hợp đồng là hơn 4.000 tỷ đồng.
Kèm theo đó là việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và quyền được sở hữu tài sản đảm bảo từ các khoản vay khoảng hơn 3,5 ngàn tỷ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỷ đồng và một số nghĩa vụ khác của bà Phấn tại ngân hàng TMCP Đại Tín. Sau khi ký hợp đồng, Thắm cho người vào quản lý Ngân hàng Đại Tín để chuẩn bị các thủ tục sáp nhập vào OceanBank, nhưng không thực hiện việc thanh toán số tiền hơn 4.000 tỷ đồng cho bà Phấn, cũng như xử lý cơ cấu lại số cổ phần, chuyển nhượng lại cho người khác.
Sau đó, Phấn đồng ý và ký Hợp đồng kinh tế (HĐKT) với Thắm để bán hơn 254 triệu cổ phần (tương đương 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín) với tổng giá trị theo hợp đồng là hơn 4 tỷ đồng, kèm theo việc thừa kế toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và quyền được sở hữu tài sản đảm bảo từ các khoản vay khoảng 3.553 tỷ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỷ đồng và một số nghĩa vụ khác của Phấn tại Ngân hàng Đại Tín.
Biết có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi, cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa Phấn và nhóm khách hàng tại Ngân hàng Đại tín nên Thắm đã chuyển nhượng lại Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Tập đoàn Thiên Thanh). Danh đồng ý mua lại nên ngày 9/10/2012, Phấn ký hợp đồng chuyển nhượng hơn 252 triệu cổ hần Ngân hàng Đại Tín cho Danh với tổng giá trị 4.619,610 triệu đồng. Sau đó, Danh đã làm thủ tục đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng.
Giữa tháng 11/2012, Thắm - Danh và Phấn bàn bạc và đưa đến thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ OceanBank và thế chấp bằng tài sản của Phấn với tài sản đảm bảo không đủ điều kiện để Danh tất toán 5 hợp đồng vay của nhóm Phấn tại Ngân hàng Đại Tín, đồng thời được ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần Ngân hàng Đại Tín. Đến ngày 23/11/2012, OceanBank đã giải ngân 500 tỷ vào tài khoản của công ty Trung Dung tại Vietcombank chi nhánh Phú Thọ TP.HCM, sau đó chuyển tới tài khoản của công ty Trung Dung tại Ngân hàng Xây dựng.
Sau khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh đã làm thủ tục đổi tên thành ngân hàng Xây Dựng, nhưng Danh không thanh toán số tiền hơn 4.000 tỷ đồng như Hợp đồng đã ký với bà Phấn và cũng chưa trả cho Thắm 800 tỷ đồng theo thỏa thuận.
Ngày 9/9/2016, sau gần hai tháng xét xử và nghị án, TAND TP HCM tuyên phạt ông Phạm Công mức án 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải nhận 30 năm tù. Tại tòa, đại diện VKS cho rằng, bà Hứa Thị Phấn có dấu hiệu lừa đảo để chiếm đoạt tiền trong quá trình mua cổ phần Ngân hàng Đại Tín. Do đó, VKS đề nghị khởi tố tại tòa đối với bà Phấn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. |
14h00: HĐXX cho biết, đã triệu tập hơn 300 người liên quan đến Công ty BSC. Tuy nhiên mới có hơn 20 người tới dự tòa và một vài người có đơn xin xét xử vắng mặt.
Số lượng những người vắng mặt HĐXX sẽ rà soát lại và sẽ xem xét triệu tập bổ sung, nếu cần thiết sẽ đề nghị Cơ quan điều tra áp dụng lệnh áp giải tới tòa.
Ông Nguyễn Huy Thiện và ông Đào Vũ Căn là luật sư bào chữa cho Hà Văn Thắm.
Chủ tọa phiên tòa là hai Thẩm phán ông Trần Nam Hà và Trịnh Đình Toàn. VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố Nghiêm Ngọc Như và Nguyễn Thị Ngọc Vân.
13h30: HĐXX tiếp tục công tác kiểm tra căn cước và lý lịch của các bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bước vào phiên xử buổi chiều. (Ảnh: Chí Hiếu) |
[Live] Ngày đầu xét xử Hà Văn Thắm: Di lý Phạm Công Danh ra phiên tòa xét xử
Tóm tắt phiên sáng:
Phiên tòa sáng có khoảng 109 người bị triệu tập về 3 tội danh Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 300 người có liên quan đến việc ký Hợp đồng dịch vụ với Cty BSC.
Các nhân vật quan trọng như Hà Văn Thắm – Nguyên Chủ tịch OceanBank; Nguyễn Minh Thu - Nguyên TGĐ OceanBank; Nguyễn Xuân Sơn – Nguyên TGĐ Ocean Bank, đại diện góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại ngân hàng; cùng Phạm Công Danh - Cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) đồng thời là cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh đều có mặt tại phiên tòa.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu bật khóc tại tòa. (Ảnh: Chí Hiếu). |
Tuy nhiên bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương - Phó TGĐ OceanBank vắng mặt do đang điều trị bệnh ung thư tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Hội. HĐXX cũng đã ra lệnh tạm đình chỉ xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương.
Về phía Ngân hàng Nhà nước có ông ông Đỗ Anh Quân - tổ trưởng tổ giám định theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có mặt tại tòa. Ngoài ra, bà Ngô Kim Oanh được ủy quyền tới tham dự phiên tòa thay cho bà Hứa Thị Phấn và nhóm gia đình của bà Phấn cựu Giám đốc Ngân hàng Đại Tín.
Bà Vũ Thị Hương Thảo – Công ty Luật Hoa Thảo và công sự gồm Đoàn Luật sư TP Hà Nội là đại diện được ủy quyền tới tham dự phiên tòa cho VNCB.
Trả lời HĐXX trong sáng nay, đại diện Công ty Trung Dung là ông Trần Văn Bình (SN 1966, đang bị điều tra trong vụ án khác) cho biết bản thân không biết việc Công ty còn hoạt động hay không và ai là người đại diện.