|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ĐHĐCĐ Tổng Công ty Thép: Tiêu thụ thép năm 2024 có thể phục hồi yếu, dự không chia cổ tức

09:05 | 26/04/2024
Chia sẻ
Tổng Công ty Thép Việt Nam nhận định thị trường tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố bất lợi. Nhu cầu phục hồi so với 2023 nhưng mức độ phục hồi yếu.

 

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN), năm 2024, doanh nghiệp đề ra mục tiêu tổng doanh thu 31.500 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm ngoái. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 120 tỷ, trong khi năm 2023 lỗ 252 tỷ đồng.

 Nguồn: Wichart, VNSteel (H.Mĩ tổng hợp)

Đối với kế hoạch phân phối lợi nhuận 2023, Hội đồng quản trị đề xuất không chia cổ tức. Số lợi nhuận sau thuế còn lại, sau khi trích các quỹ dùng để tích luỹ cho đầu tư phát triển. 

Năm nay, VNSteel dự chi 297 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trong đó vốn chủ sở hữu là 179 tỷ đồng còn vốn vay là 118 tỷ đồng.

Kế hoạch đầu tư, mua sắm, nâng cấp tài sản cố định là 374 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 199 tỷ đồng; vốn vay 87 tỷ đồng, còn lại là vốn khác.

 Nguồn: Wichart, VNSteel (H.Mĩ tổng hợp)

HĐQT VNSteel nhận định thị trường thép trong năm 2024 đối mặt với những thuận lợi và thách thức đan xen.

Doanh nghiệp dự báo tình hình vĩ mô dự báo khả quan bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ là yếu tố tích cực cho ngành thép.

Bên cạnh đó, hàng loạt các luật quan trọng được thông qua như Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật đất đai sửa đổi,... sẽ tạo những tác động tích cực đến nền kinh tế trong nước nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, thị trường tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố bất lợi.

Thứ nhất, các cuộc xung đột trên khắp thế giới tiếp tục leo thang gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá cước container toàn cầu đã đạt mức cao nhất lịch sử kể từ khi được thống kê từ tháng 6/2011. Không chỉ gia tăng chi phí, hoạt động xuất nhập khẩu trong đó có các mặt hàng nguyên liệu thép theo tuyến hải trình Á – Âu hiện phải mất thêm 10 ngày vận chuyển.

Thứ hai, làn sóng phá sản của thị trường bất động sản Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến nhu cầu thép tại quốc gia này. Nhu cầu trong nước đình trệ, quốc gia này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, ảnh hưởng lớn đến thị trường thép của khu vực trong đó có Việt Nam. 

Thị trường thép trong nước chịu cạnh tranh hết sức gay gắt đối với thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo thống kê của số liệu hải quan, hai tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu hơn 1,8 triệu tấn các mặt hàng thép xuất xứ từ Trung Quốc, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Cạnh tranh về tiêu thụ của các doanh nghiệp thép trong nước những tháng tới được dự báo sẽ rất khốc liệt, trong khi đó thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chính sách phòng vệ của các quốc gia cũng như tình hình vận tải toàn cầu.

Nhìn chung, VNSteel cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường thép nói riêng trong những tháng đầu năm 2024 chưa có dấu hiệu khởi sắc, thị trường suy giảm nhanh hơn so với nhận định trước đó và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi giá các mặt hàng đồng loạt xu hướng giảm trên khắp thế giới. Giá giảm sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và nhu cầu của thị trường thép, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cải thiện lợi nhuận và bán hàng.

Tổng công ty nhận định nhu cầu tiêu thụ thép của Việt Nam năm 2024 sẽ phục hồi so với năm 2023 tuy nhiên mức độ phục hồi yếu và chưa thể trở lại mức sản lượng như trước đại dịch COVID-19.

Nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam phụ thuộc vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. Trong khi đó các chuyên gia đều dự báo dấu hiệu phục hồi thị trường bất động sản chỉ thực sự rõ nét dần từ nửa cuối năm 2024 trở đi khi các quy định pháp luật liên quan chính thức có hiệu lực.

Năm nay, VNSteel dự kiến tập trung nguồn lực để sớm xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc kéo dài của hai dự án tại Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung và CTCP Gang thép Thái Nguyên theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC.

 Đại hội đồng cổ đông VNSTEEL (Ảnh: H.Mĩ)

Phiên hỏi đáp của cổ đông

 Năm 2024 được dự báo giá điện còn tăng, đồng thời giá thép phế cũng đang tăng lên. Điều này ảnh hưởng thế nào đến chi phí của công ty?

Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSTeel: Việc điều chỉnh tăng giá điện ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất thép của Tổng Công ty. Hiện nay chúng tôi sản xuất thép bằng công nghệ lò điện là chủ yếu. Do đó việc điều chỉnh giá điện chắc chắn ảnh hưởng đến giá thành. Hiện tại, điện chiếm khoảng 6 - 7% có lúc 8% chi tổng chi phí sản xuất thép của chúng tôi.

Với sức ép điều chỉnh tăng giá điện, cùng với giá nguyên liệu là thép phế cũng tăng lên, áp lực tăng chi phí của chúng tôi là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi sẽ nâng cao hiệu suất của các nhà máy và cắt giảm những chi phí sản xuất không cần thiết, tối ưu hoá quy trình, tăng cường quản trị về mua hàng, bán hàng, hàng tồn kho. 

Sức ép chi phí lớn như vậy, công ty có kế hoạch tăng giá bán thế nào?

Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSTeel: Việc tăng giá bán rất khó. Chúng tôi phải theo giá chung của thị trường. Chúng tôi phải chấp nhận giá thị trường thôi. Trong khi giá thị trường đang giảm. 

Giá thép phế và phôi thép quý I tăng gần 5,5% so với quý IV/2023 và giảm 6,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá thép xây dựng nội địa quý I có 7 đợt điều chỉnh giá, trong đó có 3 đợt tăng giá và 4 đợt giảm giá trong tháng.  Đầu tháng 4, một số nhà máy tiếp tục điều chỉnh giảm giá thép cuộn xây dựng, mức giảm phổ biến 100.000 đồng/tấn. Giá các mặt hàng thép dẹt trong nước liên tục giảm so với cùng kỳ. Các nhà sản xuất tôn mạ trong tháng 3/2024 cũng điều chỉnh giảm giá từ 300.000 - 600.000 đồng/tấn tùy theo chủng loại, khu vực, đồng thời tiếp tục áp dụng các chính sách chiết khấu, truy hồi. 

Dự báo năm nay thiếu điện, Tổng Công ty có phương án dự phòng cho kịch bản này thế nào?

Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSTeel: Chúng tôi sẽ điều chỉnh lại phương án tổ chức sản xuất của một số nhà máy. Cụ thể, chúng tôi sẽ điều chỉnh ca kíp làm việc, tận dụng các khung giờ phụ tải thấp, ví dụ như ban đêm. Đối với các nhà máy bị cắt điện, chúng tôi phải bố trí lại lịch sản xuất. 

Làn sóng thép Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến Tổng Công ty? 

Ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng Giám đốc VNSTeel: Trong hai năm gần đây, lượng nhập khẩu thép Trung Quốc tăng rất đột biến. Điều này tạo áp lực cho các đơn vị sản xuất thép trong nước. Chúng tôi sẽ kiến nghị với Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp cần thiết như phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. 

Tôi với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Thép, sẽ ký văn bản kiến nghị lên Chính phủ vào chiều nay. Quan điểm của hiệp hội thép nhất quán là bảo vệ thị trường thép trong nước. Khi mà thép nhập khẩu đổ ồ ạt có hành vi bán phá giá thì chúng tôi phải yêu cầu Chính phủ có hành động để bảo vệ thép trong nước với tất cả sản phẩm.

Kết quả kinh doanh quý I thế nào?

Hiện tại chúng tôi đang nhập số liệu báo cáo tài chính, dự kiến ngày mai (27/4) sẽ công bố. Đối với tình hình bán hàng, tổng tiêu thụ thép thành phẩm trong 3 tháng đầu năm đạt trên 724 nghìn tấn tăng 9% so với cùng kỳ, riêng mặt hàng thép cán nguội tăng gấp đôi; tôn mạ tăng 61 % so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, nhìn chung, tình hình kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường thép nói riêng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, thị trường suy giảm nhanh hơn so với nhận định trước đó và tiềm ẩn nhiều rủi ro do tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố bất lợi toàn cầu.

Điển hình như các cuộc xung đột leo thang gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; ngành bất động sản Trung Quốc tiếp tục ảm đạm đã khiến thị trường quý I chưa phục hồi như kỳ vọng, nhu cầu thị trường vẫn thấp, sức mua yếu. 

Đại hội kết thúc lúc 11h15

H.Mĩ