|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Liên kết để xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản Việt Nam

20:00 | 24/12/2016
Chia sẻ
Song song với xây dựng các chính sách hỗ trợ, cần chọn ra sản phẩm thế mạnh cũng như tạo liên kết để xây dựng thương hiệu, qua đó tăng khả năng cạnh tranh cũng giá trị xuất khẩu cho nông sản Việt Nam.

Đây là nội dung được nêu ra tại hội thảo “Bàn giải pháp – chính sách hỗ trợ thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam”, do Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 24/12.

* Gặp bất lợi vì thương hiệu yếu

Hiện ngành nông nghiệp có 10 sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu chính; trong đó có 8 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và có mặt hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản. Tuy nhiên, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, dù nhiều sản phẩm đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước và đã được bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, nhưng vẫn còn hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đây là bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt trên thị trường còn yếu và chịu nhiều thiệt thòi.

Dẫn chứng cụ thể, ông Lê Văn Bảnh chia sẻ, Hiệp hội Chè Việt Nam là đơn vị được Chính phủ giao chủ trì triển khai Chương trình thương hiệu Quốc gia Chè Việt Nam từ năm 2004, nhãn hiệu CheViet đã được đăng ký và bảo hộ với 73 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do không được triển khai triệt để nên chương trình gần như bị bỏ ngỏ và sản phẩm chè hiện tại vẫn xuất khẩu chỉ ở dạng thô, chưa có tên tuổi khiến chè Việt Nam bị lẫn lộn hoặc phải mang tên của các hàng chè lớn nước ngoài.

Dù Việt Nam đã trở thành một “cường quốc” về xuất khẩu nông sản, nhưng vấn đề đặt ra là các sản phẩm lại xuất khẩu thô – nguyên liệu, chất lượng và giá trị thấp và nhất là chưa có thương hiệu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chịu khó nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm mới, áp dụng các chiến lược tiếp cận thị trường bài bản.

Thay vì chỉ cung cấp các nguyên liệu thô, nhiều doanh nghiệp đã từng bước đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Dù vậy, phát triển thương hiệu vẫn là một thách thức lớn.

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, hình ảnh giá rẻ - chất lượng thấp gắn với Việt Nam trong một thời gian quá dài đã ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực xuất khẩu của Việt Nam. Muốn thúc đẩy xuất khẩu, Việt Nam không những phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác sản xuất nông nghiệp, mà còn phải cho thế giới biết tới những điều tốt đẹp về thực phẩm Việt Nam.

* Liên kết tạo thương hiệu mạnh

Những năm gần đây, vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu hàng nông lâm thủy sản đã được các cơ quan trung ương, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm, tiếp cận và triển khai. Một số địa phương đã hình thành vùng chuyên canh, sản xuất tập trung lớn cho các sản phẩm thế mạnh; dù vậy quy mô diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đồng nhất, chưa thật sự có được vùng chuyên canh đúng nghĩa, đồng thời yếu trong liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng, miền.

Ông Lưu Đức Thanh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay việc đăng ký đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cũng như chỉ dẫn địa lý đã được chú trọng. Tuy nhiên, hiệu quả từ việc đăng ký này chưa lớn khi thực tế trên thị trường ít thấy các nhãn hiệu mang tính tập thể này. Chỉ một số ít (chỉ dẫn địa lý) có sức lan tỏa như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận...

lien ket de xay dung va phat trien thuong hieu cho nong san viet nam

Nông sản Việt Nam hướng đến thị trường Đức. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Theo ông Lưu Đức Thanh, nguyên nhân xuất phát từ việc quản lý chỉ dẫn địa lý không đồng bộ, thống nhất khi mỗi tỉnh có một cách quản lý khác nhau theo đặc thù địa phương. Do vậy, để bảo vệ chất lượng và danh tiếng cho đặc sản của mình, các nhà sản xuất, kinh doanh tại địa phương nên cùng tập hợp nhau lại trong một tổ chức tập thể (ví dụ như Hiệp hội) để tập trung sức mạnh, thống nhất chiến lược, kế hoạch từng bước xây dựng thương hiệu cho các đặc sản.

Về vấn đề này, bà Bùi Thị Thanh An nhấn mạnh, những có gắng đơn lẻ của từng mặt hàng sẽ không tạo nên sức mạnh chung. Ngoài ra, việc thiếu vắng một chiến lược tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu đang làm khách hàng và người tiêu dùng nước ngoài chưa nhận thức đầy đủ và đánh giá đúng mức về chất lượng, giá trị hàng hóa và năng lực cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam.

Việc chưa có một chương trình tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực, làm căn cứ định hướng để địa phương, doanh nghiệp xác định mặt hàng, thị trường tập trung làm thương hiệu là một khó khăn lớn hiện nay.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Giống cây trồng Lạng Sơn, nhà nước nên mạnh dạn đưa ra chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp. Trước đây có nhiều chính sách, nhưng không biết hỗ trợ cho doanh nghiệp hay người nông dân. Thực tế, nếu phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp thì sẽ có lợi cho người dân sản xuất.

Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, quan trọng nhất là nông sản nào có đầu ra tốt thì chúng ta nên tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản đó. Bây giờ chúng ta phải chú ý đến chất lượng hơn là số lượng. Như Bình Phước, có hơn 1.000 cơ sở chế biến hạt điều lớn nhỏ, chúng ta cần phải kiểm soát đầu mối, kiểm soát sản xuất đảm bảo chất lượng, cũng là đảm bảo thương hiệu. Nếu chúng ta cứ chú trọng sản xuất số lượng, xuất khẩu sơ chế thì rất khó xây dựng thương hiệu nông sản.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng: Nên chọn ra các sản phẩm có thế mạnh để tạo nên sản phẩm có thương hiệu quốc gia, có tính cạnh tranh quốc tế. Còn đối với địa phương, cần chọn ra thế mạnh của địa phương để phát triển và có thể cạnh tranh trong nước. Như vậy, ở mỗi địa phương sẽ có rất nhiều sản phẩm có thể cạnh tranh trong nước và quốc gia có sản phẩm cạnh tranh quốc tế.

Xuất phát từ tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có kế hoạch trong năm 2017 sẽ triển khai xây dựng “Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực đến năm 2020” nhằm xác định cụ thể các sản phẩm nông sản chủ lực định hướng xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn mác.

Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, thời gian tới sẽ xây dựng cơ chế cụ thể; trong đó ưu tiên các chính sách tín dụng, chính sách thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng nông sản có thế mạnh của từng địa phương và phục vụ xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng các nguồn hỗ trợ./.

Vũ Tiến Lực

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.