|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lập siêu Ủy ban quản lý vốn nhà nước: Bài học Trung Quốc

08:22 | 13/02/2017
Chia sẻ
Bộ KH-ĐT vừa hoàn thiện và trình Chính phủ 3 phương án thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý vốn nhà nước, trong đó có biện pháp lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước

Tránh tiêu cực, lợi ích nhóm

Nhiều tờ báo đưa tin, Bộ KH-ĐT vừa hoàn thiện và trình Chính phủ 3 phương án thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý vốn nhà nước.

Phương án thứ nhất, thành lập mới Ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN. Ủy ban này sẽ quản lý các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn mà Nhà nước đang nắm giữ 100% vốn điều lệ, DNNN nắm cổ phần chi phối và Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Phương án 2, thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN để quản lý các DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn nhà nước trên cơ sở nâng cấp SCIC.

Phương án 3, tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC trực thuộc Chính phủ, làm chức năng đại diện chủ sở hữu (theo mô hình DN, không phải ủy ban).

Đáng chú ý, sau khi xây dựng, xem xét ưu, khuyết điểm của 3 phương án, Bộ KH-ĐT đã “chốt” nghiêng về phương án 1 với điểm nhấn là thành lập Ủy ban mới độc lập trực thuộc Chính phủ quản lý.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng những phương án trên không phải là mới vào thời điểm này. Chính phủ đã giao cho các bên nghiên cứu đến hết Quý I/2017 để báo cáo lại.

Đặc biệt, đề xuất lập mới ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã từng được Viện quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra trong một thời gian dài.

lap sieu uy ban quan ly von nha nuoc bai hoc trung quoc

Tổng Cty Hàng Hải Việt Nam là một trong những công ty lớn dự kiến sẽ về siêu ủy ban doanh nghiệp nhà nước quản lý. Ảnh: TPO

Theo ông Long việc Bộ KH-ĐT nghiêng về phương án lập ban quản lý vốn nhà nước là điều dễ hiểu khi suốt thời gian qua dù nhận được nhiều kỳ vọng nhưng SCIC hoạt động kém hiệu quả, thể hiện nhiều sai sót đã dược báo chí chỉ ra.

“SCIC vẫn pha trộn và mang tính quản lý DNNN nhiều hơn là quản lý vốn nên hoạt động thời gian qua không có hiệu quả. Theo tôi mô hình 3 phương án đưa ra đều có ưu và nhược điểm cả, nhất là đối với việc thành lập Ủy ban độc lập quản lý vốn. Thực tế hiện nay đã có Luật quản lý vốn và tài sản của DNNN. Vì vậy nếu thành lập Ủy ban quản lý vốn thì sẽ có thể phần nào hạn chế được tình trạng trên, công khai minh bạch giữa quản lý nhà nước và quản lý vốn”, ông Long nhấn mạnh.

Đưa ra quan điểm của riêng mình, TS Lê Đăng Doanh , Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương cho biết hoàn toàn đồng ý với đề xuất trên của Bộ KH- ĐT. Theo ông Doanh, nếu so sánh 3 phương án đưa ra thì ông nghiêng về đề xuất thành lập Ủy ban độc lập quản lý vốn.

“Thời gian vừa qua không có người giám sát nên toàn bộ tài sản giao cho SCIC sử dụng không hiệu quả, xảy ra rất nhiều thiếu sót, hạn chế. Cho nên tôi ủng hộ thành lập 1 ủy ban độc lập thay thế cho SCIC”, ông Doanh nhấn mạnh.

Ông Doanh khẳng định, Trung Quốc cũng từng gặp vấn đề tương tự Việt Nam khi DNNN đông nhưng hoạt động không hiệu quả. Vì vậy để giải quyết tình trạng trên, họ đã thành lập các ủy ban kinh tế độc lập để quản lý vốn nhà nước. Đến thời điểm này, nhiều vấn đề còn tồn tại đã được Trung Quốc dần khắc phục, xử lý và giải quyết tốt.

“Hiện Trung Quốc là quốc gia tích cực cải cách. Họ đã rất mạnh tay xử lý viên chức tham nhũng trong nhiều DNNN. Tôi nghĩ đối với Việt Nam khi thành lập Ủy ban chúng ta sẽ rút ra được bài học từ Trung Quốc để khắc phục tình trạng này”, ông Doanh khẳng định.

Nhìn lại SCIC, truy trách nhiệm người đứng đầu

TS Lê Đăng Doanh nêu ra thực trạng SCIC khi thành lập cũng nhận được nhiều kỳ vọng từ Chính phủ cũng các Ban ngành, đoàn thể. Bằng chứng là đơn vị này được giao thực hiện hàng loạt nhiệm vụ quan trọng như: đầu tư vốn, đầu tư vào những ngành kinh tế định hướng, dẫn dắt nền kinh tế, lĩnh vực mà tư nhân không đủ sức đầu tư.

Tuy nhiên đến thời điểm này, SCIC đã không thực hiện được mục tiêu đề ra và ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác điều hành, quản lý vốn nhà nước.

Vì vậy đối với Ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN lần này, ông Doanh cho rằng cần phải có những thay đổi trong cơ cấu tổ chức và quản lý để phù hợp với điều kiện hiện nay.

“Tôi nghĩ Ủy ban này cần xây dựng theo tính chất là đơn vị độc lập và sẽ có 1 người có trình độ chuyên trách. Tuy nhiên cần có 1 Nghị định riêng về Ủy ban này để đảm bảo Ủy ban chỉ hoạt động theo pháp luật và không bị ràng buộc bởi những trách nhiệm khác.

Như vậy chúng ta sẽ tách được việc quản lý vốn nhà nước ra khỏi bộ máy nhà nước và tránh được việc vừa đá bóng vừa thổi còi. Nếu vẫn tiếp tục tồn tại tình trạng vừa quản lý nhà nước lại vừa chịu trách nhiệm về quản lý chủ sở hữu thì sẽ không minh bạch được mà còn có thể xuất hiện các biểu hiện tiêu cực, lợi ích nhóm”, ông Doanh khẳng định.

Để giải quyết tốt hơn những vấn đề còn tồn tại, vị chuyên gia nhấn mạnh, các cơ quan nhà nước cần phải đốc thúc việc cổ phần hóa các DNNN mạnh mẽ hơn nữa. Trên cơ sở đó sẽ chúng ta sẽ thành lập Ủy ban thay thế để giám sát hoạt động của SCIC cũng như tổ chức lại Công ty này sao cho hiệu quả nhất.

PV

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.