|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lập sàn giao dịch để kiểm soát giá hồ tiêu

15:00 | 03/02/2018
Chia sẻ
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) muốn có một sàn giao dịch hồ tiêu để giao dịch, kiểm soát giá trên thị trường.

Sau khi giảm kỷ lục, tới 10.000 đồng/kg trong tháng đầu năm 2018, bước sang tháng 2, giá hồ tiêu trong nước đã có những chuyển biến tích cực, hiện đã đạt 62.000 - 65.000 đồng/kg.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho rằng cần đẩy nhanh việc lập sàn giao dịch hồ tiêu để sớm kiểm soát giá trên thị trường.

lap san giao dich de kiem soat gia ho tieu
Hồ tiêu (ảnh minh họa)

Mặc dù vào tháng 3/2017, Bộ Công Thương có quyết định đưa hồ tiêu vào danh mục hàng hóa được phép giao dịch qua Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, VPA vẫn mong muốn có một sàn giao dịch riêng cho mặt hàng hồ tiêu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2017, dù lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam cao nhất trong nhiều năm qua nhưng giá trị thu về lại giảm do giá bán bình quân thấp, chỉ ở mức 5.258 USD/tấn.

lap san giao dich de kiem soat gia ho tieu

Lượng hạt tiêu xuất khẩu sang các thị trường 2017

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu trong năm 2017 tăng 20% về khối lượng nhưng giảm 21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá hồ tiêu thu mua tại các địa phương hiện trung bình chỉ khoảng 62.000 - 65.000 đồng/kg, thấp nhất trong 5 năm qua. Thậm chí, giá xuất khẩu tiêu Việt Nam cũng thấp hơn so với các nước cạnh tranh trực tiếp là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, việc giá tiêu giảm đã được dự đoán từ trước bởi diện tích tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Với 21 tỉnh, thành trên cả nước trồng tiêu khiến cho cung vượt quá cầu, trong khi diện tích hồ tiêu của các nước đối thủ trên thế giới cũng tăng.

Việc trồng tiêu ồ ạt cũng dẫn tới chất lượng không được đảm bảo. Từ năm 2015 đến nay, đã có hàng chục lần lô hàng hồ tiêu từ Việt Nam bị các nước châu Âu phát hiện chứa dư lượng 9 loại thuốc bảo vệ thực vật vượt mức quy định.

Các chuyên gia nông nghiệp cảnh báo, người trồng tiêu phải thay đổi theo hướng công nghệ cao, an toàn mới có thể phát triển bền vững. Nếu không thay đổi, tiêu Việt Nam vẫn có thể chi phối thị trường trong vài năm tới nhưng sẽ dần mất vị thế vào tay các nước khác, đặc biệt là Ấn Độ và Indonesia.