|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lãnh đạo sợ mất 'ghế', doanh nghiệp chậm cổ phần

10:45 | 10/06/2018
Chia sẻ
Ì ạch, chậm tiến độ là thực tế đang diễn ra trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Cử tri nhiều tỉnh, thành phố như Gia Lai, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đồng loạt có ý kiến yêu cầu Bộ Tài chính phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá các DNNN, cần làm rõ nguyên nhân chậm thực hiện để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Số liệu công bố từ Bộ Tài chính cho biết: trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 508 doanh nghiệp. Năm 2016 đã cổ phần hóa 62 doanh nghiệp. Lũy kế trong giai đoạn 2011 - 2016, cả nước đã cổ phần hóa 570 doanh nghiệp. Đáng chú ý, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên, kết quả hoạt động kinh doanh đều tăng hơn so với năm trước khi cổ phần hóa.

Các DNNN sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả có nhiều tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: Tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường tài chính phát triển, đổi mới cơ bản về quản trị doanh nghiệp. Hiện nay, đa số các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán là các công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN (khoảng 450/700 doanh nghiệp niêm yết).

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, bao gồm: 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 và 64 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2018. Tuy nhiên, đến hết tháng 5-2018 mới cổ phần hóa được 5 doanh nghiệp (chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc danh sách thực hiện cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN).

Như vậy, việc triển khai cổ phần hóa là còn rất chậm, có khả năng không đạt được số lượng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Bộ Tài chính cho biết.

Trước yêu cầu chỉ ra những nguyên nhân chậm tiến độ của cử tri, Bộ Tài chính cho biết, tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá đã được các Bộ, địa phương đẩy mạnh nhưng vẫn còn một số Bộ, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra; Tỷ lệ vốn Nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.

Lý do dẫn đến những hạn chế này, Bộ Tài chính cho rằng do quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 chịu tác động từ những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt là giai đoạn 2011-2013 là giai đoạn Việt Nam chịu tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới dẫn tới sự suy giảm của thị trường tài chính, chứng khoán, do đó cũng tác động tiêu cực giảm sức hút thị trường làm chậm tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn.

Trong khi đó, đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 - 2016 hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn Nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

lanh dao so mat ghe doanh nghiep cham co phan
Đa số các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán là các công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN.

Bên cạnh những nguyên nhân mang nhiều tính khách quan nói trên, Bộ Tài chính cũng cho rằng có những nguyên nhân chủ quan từ phía Bộ, ngành địa phương. Ví dụ như thời điểm phê duyệt Đề án tái cơ cấu của một số Bộ, địa phương tại một số đơn vị còn chậm so với yêu cầu. Một số Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho rằng nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa, vì vậy ảnh hưởng đến tiến độ của quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu thời gian đầu thực hiện đề án.

Để đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN trong giai đoạn tới, ngày 28-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về Tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp theo Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ Tài chính cho biết đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc xây dựng, triển khai Đề án cơ cấu lại DNNN, kịp thời chỉ đạo xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành theo đúng đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện hoặc không hoàn thành kế hoạch cơ cấu lại DNNN đã được duyệt…

Xem thêm

Lệ Thúy