|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Làn sóng tẩy chay chưa từng có đối với Facebook

15:16 | 09/02/2022
Chia sẻ
Mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn chưa thể vượt qua giông bão khi làn sóng tẩy chay Facebook đang diễn ra.
Facebook đối mặt với làn sóng tẩy chay trên Twitter - Ảnh 1.

Facebook đối diện với làn sóng tẩy chay. (Đồ họa: Doanh Chính).

Sau phiên giao dịch lao dốc không phanh hôm 3/2, Meta đang liên tiếp hứng chịu những sóng gió. Báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Facebook cho thấy lần đầu tiên mạng xã hội lớn nhất hành tinh "đánh mất" người dùng trong 18 năm lịch sử của họ. Cụ thể, 3 tháng cuối cùng của năm 2021, Facebook đã mất đi nửa triệu người dùng, đa số đến từ châu Phi, Mỹ Latin và Ấn Độ.

Mặc cho CEO Meta, Mark Zukerberg liên tục đổ lỗi lên chính sách riêng tư của Apple hay sự bành trướng của TikTok, người ta vẫn nhìn ra rằng niềm tin của người dùng dành cho Facebook dường như đã giảm đi phần nào sau những bê bối gần đây của công ty liên quan đến các vấn đề tin giả, thông tin gây kích động và lạm dụng.

Một làn sóng tẩy chay Facebook có tên #DeleteFacebook do những người dùng trẻ tạo ra, đang diễn ra mạnh mẽ trên Twitter. 

“Năm 2016, tôi đã xóa tài khoản Facebook của mình sau khi nghe tin dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng bị công ty thu thập mà không có sự đồng ý’’, tài khoản @magpie_mama viết trên Twitter.

Facebook đối mặt với làn sóng tẩy chay trên Twitter - Ảnh 2.

Người dùng thất vọng vì chính sách của Facebook. (Ảnh chụp màn hình).

“Một công ty tồi tệ và việc đổi tên thành Meta dường như khiến một công ty vốn đã tồi tệ trở nên tồi tệ hơn’’, một bình luận khác nói.

Không chỉ Twitter, trên chính nền tảng mạng xã hội Facebook, hashtag #DeleteFacebook cũng đang diễn ra với hơn 13.000 người quan tâm. Người dùng chia sẻ cho nhau cách vô hiệu hóa tài khoản, họ bàn luận nhiều về các bê bối trong quá khứ của mạng xã hội lớn nhất hành tinh. 

Mới đây, trước lời "dọa dẫm" sẽ rút Facebook và Instagram khỏi châu Âu từ Meta, đại diện Liên minh châu Âu đã có những phát biểu cứng rắn và không nhân nhượng. "Họ không thể dùng cái cớ đó để buộc EU từ bỏ các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu", nhà lập pháp Axel Voss bình luận trên Twitter. Ông cho rằng việc hai nền tảng này dừng hoạt động tại châu Âu là tổn thất lớn của Meta.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, ông đã không dùng Facebook và Twitter trong suốt 4 năm qua và kể từ đó ông cảm thấy "cuộc sống thật tuyệt vời". Đồng quan điểm, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng ông có thể "xác nhận cuộc sống rất tốt đẹp khi không có Facebook. Chúng tôi có thể sống rất tốt mà không cần Facebook".

Ông Le Maire còn nhấn mạnh rằng, các công ty công nghệ lớn phải "hiểu rằng châu Âu sẽ chống lại và khẳng định chủ quyền của mình". Vị Bộ trưởng cho rằng EU là một thị trường chung, thống nhất với sức mạnh kinh tế lớn đến mức khó có thể bị thách thức hay dọa dẫm nếu tất cả cùng đồng lòng.

Vượng Phát