Làn sóng rủi ro từ kế hoạch đánh thuế nhôm, thép nhập khẩu của Mỹ
Cố vấn thương mại Mỹ: Doanh nghiệp có thể được miễn thuế áp lên nhôm, thép nhập khẩu | |
EU và Canada quyết trả đũa Mỹ do đánh thuế nhôm, thép nhập khẩu |
Tổng thống Donald Trump cho biết mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm sẽ được chính thức công bố trong tuần này. Việc đánh thuế không nhắm vào quốc gia cụ thể nào và cũng không áp đặt hạn ngạch (quota).
Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu. Nguồn: FT montage/Getty Images/Bloomberg. |
Ông Trump cho biết việc đánh thuế nhập khẩu sẽ giúp bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giá thép và nhôm tăng sẽ khiến các nhà sản xuất sử dụng hai mặt hàng này, như các hãng ô tô và dầu khí, gặp khó khăn và đe dọa làm mất nhiều việc làm hơn.
Cuộc khẩu chiến và đe dọa trả đũa không hồi kết
Sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo kế hoạch đánh thuế nhập khẩu lên nhôm và thép nhập khẩu, hàng loạt đối tác thương mại lớn của Mỹ như Canada, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) đều phản ứng quyết liệt và đe dọa trả đũa.
Bộ trưởng Thương mại Canada Francois-Phillippe Champagne cho biết các loại thuế này là “không thể chấp nhận”, trong khi Ngoại trưởng Chrystia Freeland cho rằng hàng rào thuế quan sẽ gây thiệt hại cho nhà sản xuất và người lao động của cả Mỹ và Canada. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng “tiếp lời” các bộ trưởng của mình khi cho rằng “bất kỳ hành động phá vỡ thị trường chung nào đều đáng kể và nghiêm trọng”.
Theo Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland, hàng rào thuế quan sẽ gây thiệt hại cho nhà sản xuất và người lao động của cả Mỹ và Canada. Nguồn: Christopher Goodney/Financial Review. |
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết EU sẽ “phản ứng một cách cứng rắn và tương xứng” để bảo vệ lợi ích của khối. Ông khẳng định hành động này làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề trong ngành thép và không thể viện lý do bảo vệ an ninh quốc gia.
Nếu các nước này trả đũa bằng cách đánh thuế lên hàng hóa của Mỹ, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nước này như thịt bò, thịt heo, bắp, ô tô và mô tô sẽ chịu thiệt hại nặng nề.
Để đáp trả, ông Trump dọa đánh thuế lên ô tô nhập khẩu từ EU nếu khối này quyết đánh thuế trừng phạt hàng hóa Mỹ. “Nếu EU muốn tiếp tục nâng hàng rào thuế quan đối với doanh nghiệp Mỹ, chúng ta sẽ áp thuế lên ô tô của họ vốn đang tự do tràn vào nước Mỹ”, ông Trump viết trên Twitter.
Các hãng xe lớn của EU như Volkswagen và BMW sẽ gặp khó khăn nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa trên. Trong năm 2016, EU xuất khẩu hơn 6 triệu ô tô ra nước ngoài, trong đó riêng nước Mỹ đã tiêu thụ hơn 1 triệu chiếc, theo Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Châu Âu.
NAFTA ngày càng lún sâu vào bế tắc
Tổng thống Donald Trump cho biết đang dùng kế hoạch đánh thuế lên nhôm, thép nhập khẩu làm đòn bẩy cho Mỹ trong vòng đàm phán thứ 7 Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang diễn ra tại Mexico City. Ông cũng cho biết, Canada và Mexico vẫn có thể chịu thuế đối với nhôm, thép xuất khẩu vào Mỹ.
Trong một bài đăng trên Twitter sáng ngày 5/2, ông Trump cho biết, “Chúng ta có thâm hụt thương mại lớn với Mexico và Canada. NAFTA, hiện đang trong quá trình đàm phán, là một thỏa thuận tồi cho nước Mỹ. Thuế nhập khẩu nhôm, thép chỉ được dỡ bỏ nếu một thỏa thuận NAFTA mới và công bằng được ký kết”.
“Nếu họ (Canada và Mexico) không vạch ra một thỏa thuận NAFTA công bằng, chúng ta sẽ cứ giữ nó như thế”, ông Trump ám chỉ kế hoạch đánh thuế lên nhôm và thép.
Vòng đàm phán thứ 7 của NAFTA diễn ra vào ngày 5/3 tại Mexico City. Nguồn: Ronaldo Schemidt/AFP/Getty Images. |
Một số chuyên gia nhìn thấy rủi ro nghiêm trọng từ kế hoạch đánh thuế của Tổng thống Donald Trump. Nếu Canada và các nước khác quyết định đánh thuế trả đũa và cuộc chiến thương mại bùng nổ, việc sống còn của NAFTA không còn nhiều ý nghĩa. Các chuyên gia đặc biệt quan ngại khi ông Trump viện dẫn lý do an ninh quốc gia để đánh thuế lên hàng hóa nước khác.
Ông Avery Shenfeld, trưởng chuyên gia kinh tế của CIBC Capital Markets, cho rằng kế hoạch đánh thuế của Mỹ là con dao hai lưỡi đối với nước này trên bàn đàm phán NAFTA. Nếu Canada không được miễn trừ, cuộc khẩu chiến và đánh thuế trả đũa sẽ không có lợi cho vòng đàm phán. Tuy nhiên, việc này sẽ làm vui lòng những cử tri Mỹ theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời làm giảm áp lực lên Nhà Trắng trong tiến trình đàm phán hiệp định này.
Thiệt hại cho các ngành công nghiệp chủ lực của Mỹ
Khoảng 1/3 trong 100 triệu tấn thép được các doanh nghiệp Mỹ tiêu thụ mỗi năm là thép nhập khẩu, trong khi nhôm nhập khẩu chiếm hơn 90% trong số 5,5 triệu tấn nhôm được doanh nghiệp Mỹ sử dụng.
Trong khi Hiệp hội Sắt Thép Mỹ hoan nghênh quyết định của Tổng thống Donald Trump, Hiệp hội Nhôm thừa nhận không phải mọi loại nhôm cần thiết đều có thể được sản xuất tại Mỹ.
Chi phí linh kiện tăng vọt có thể tạo ra “hiệu ứng dây chuyền tác động đáng kể lên sức cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp chúng ta”, ông Remy Nathan, phó chủ tịch phụ trách vấn đề quốc tế tại Hiệp hội Công nghiệp Hàng không Vũ trụ, nói với NPR.
Ngành công nghiệp ô tô, vốn đang đối mặt với doanh số sụt giảm trong nước, cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Toyota, General Motors và các nhà sản xuất khác đều chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc sau thông báo của Tổng thống Donald Trump vào ngày 1/3.
Hội đồng Chính sách Ô tô Mỹ (AAPC) bày tỏ lo ngại về “các hậu quả khôn lường” của các sắc thuế mới, rằng chúng sẽ khiến giá cả tại Mỹ tăng vọt và khiến doanh nghiệp nước này mất sức cạnh tranh với đối thủ nước ngoài. “Việc này sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô Mỹ, vốn đang tạo ra hơn 7 triệu việc làm, mất lợi thế cạnh tranh”, AAPC cho biết trong một tuyên bố.
Ngành ô tô Mỹ sẽ chịu nhiều thiệt hại từ việc đánh thuế nhôm, thép nhập khẩu. Nguồn: Bill Pugliano/AFP Photo. |
Trong khi đó, khoảng 17 triệu người Mỹ đang làm việc trong các ngành công nghiệp sử dụng thép nội địa, trong đó 6,9 triệu lao động trong ngành sản xuất và 10,1 triệu lao động trong ngành xây dựng, theo Cục Phân tích Kinh tế (BEA).
Chi phí nguyên liệu tăng sẽ tác động đến toàn bộ các ngành sản xuất, từ đồ gia dụng đến lon bia. Kết quả là, ngày sẽ càng có ít hàng hóa được sản xuất tại Mỹ và càng ít lao động được thuê để sản xuất ra chúng.
Giá thép tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành xây dựng, dầu khí và hạ tầng công cộng. “Các hành động này trái ngược với mục tiêu tiếp tục chấn hưng ngành năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng hàng đầu thế giới của chính phủ”, ông Jack Gerard, CEO Viện nghiên cứu Dầu khí Mỹ, cho biết.