Làn sóng nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm casino, BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam
Với nền kinh tế vĩ mô ổn định, vị trí địa lý lại thuận tiện... Việt Nam đang ngày càng được các nhà đầu tư (NĐT) Trung Quốc quan tâm. Gần đây, các NĐT Trung Quốc đặc biệt đổ tiền vào nhiều dự án casino và bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Việt Nam, quy mô những dự án này có khi lên đến hàng tỷ USD.
Đầu tiên phải kể đến thương vụ quy mô nhất là Tập đoàn nghỉ dưỡng và casino lớn nhất Macau Suncity Group Holdings mua dự án song bài Nam Hội An từ năm 2014 và đang đầu tư giai đoạn 1. Suncity nắm giữ 34% cổ phần của dự án.
Phối cảnh Dự án Nam Hội An. |
Năm 2010, liên doanh VinaCapital và Genting Berhad Malaysia được cấp phép đầu tư dự án với tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 80% – 20%. Năm 2012, Genting Beerhad tuyên bố rút khỏi dự án. Đến năm 2014, dự án casino Nam Hội An công bố liên doanh chủ đầu tư (CĐT) mới là Suncity và VinaCapital.
Dự án Nam Hội An là khu phức hợp đô thị, du lịch lớn nhất thuộc khu kinh tế mở Chu Lai, thuộc địa bàn xã Duy Nghĩa và Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Quy mô dự án 985 ha, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 triển khai 163 ha với tổng vốn đầu tư 650 triệu USD. Tại đây, Suncity cũng xây dựng các khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng và sân golf để phục vụ khách du lịch và khách của casino
Điểm mặt những dự án casino tỷ USD ở Việt Nam |
Suncity sau khi được Tập đoàn Chow Tai Fook (vốn kinh doanh đá quý, trang sức và sở hữu khối BĐS khổng lồ ở Châu Á – Thái Bình Dương) mua lại 70% cổ phần thì phát triển thành tập đoàn kinh doanh casino hàng đầu Macau. Doanh nghiệp hiện sở hữu khoảng 17 câu lạc bộ VIP và 280 bàn chơi sòng bạc ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines.
Khi hành lang pháp lý cho ngành kinh doanh casino ở Việt Nam dần được hoàn thiện hơn, Chow Tai Fook – Suncity bắt đầu thể hiện tham vọng thâu tóm thị trường này tại nước ta. Không chỉ mua dự án casino Nam Hội An nói trên, Suncity cũng đã ký hợp đồng tư vấn và đang đàm phán để trở thành nhà quản lý cho sòng bạc trong đặc khu kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh) trong tương lai. Trước đó vào tháng 3/2015, tập đoàn này cũng từng muốn đầu tư vào casino tại Dương Tơ (Phú Quốc) nhưng quỹ đất địa phương đã được cấp phép cho NĐT khác nên tập đoàn đành thay đổi địa điểm.
Ngoài casino, mối quan tâm của NĐT Trung Quốc còn hướng đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam. Báo chí gần đây cũng thông tin, dự án Khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happy Land) tại Long An hiện cũng đang được một Công ty TNHH Summerfield (Hong Kong) thể hiện mong muốn được tham gia đầu tư vào dự án.
Dự án Happyland. (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Happy Land là khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng nằm cạnh quốc lộ 1A và đường cao tốc TP HCM – Trung Lương, nối TP HCM với các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long. Dự án do CTCP Đầu tư Xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An công bố khởi công năm 2011 với giai đoạn 1 triển khai trên diện tích khoảng 338 ha, mức đầu tư 2 tỷ USD và giai đoạn 2 dự kiến mở rộng thêm 580 ha nữa.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2014, dọc theo sông Vàm Cỏ Đông sẽ bố trí đầy đủ các hạng mục giải trí từ khinh khí cầu bay, lâu đài rượu, làng Việt Nam, phi trường, khách sạn 5 sao… Tuy nhiên đến nay, nhiều hạng mục vẫn còn dở dang.
Happyland lại khởi công trong vòng xoáy nợ nần |
Vào tháng 4, các quỹ đầu tư VinaLand Limited và VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited – VOF (thuộc VinaCapital) công bố đã thoái toàn bộ vốn tại dự án Đại Phước Lotus (Đồng Nai) với tổng số tiền thu về khoảng 1.479 tỷ đồng. Bên mua là một công ty thuộc Tập đoàn China Fortune Land Development Co., Ltd. (CFLD).
Dự án Đại Phước Lotus. (Ảnh: Daiphuoclotus.net) |
Dự án Đại Phước Lotus nằm trên cù lao Ông Cồn tại huyện Nhơn Trạch, giáp quận 2 và quận 9 TP HCM, có tổng diện tích 198,5 ha. Đây là dự án phát triển khu dân cư và được chia thành 6 khu, trong đó có 1 khu đang xây dựng và mở bán, các khu khác mới nhận được giấy phép quy hoạch.
Tập đoàn China Fortune Land Development được thành lập năm 1998, chuyên phát triển các thành phố công nghiệp tại Trung Quốc. Tính đến tháng 6/2016, CFLD có hơn 1.100 đối tác và có khoản vốn đầu tư khoảng 4,1 tỷ USD. Hồi năm 2016, tập đoàn này cũng từng ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Tín Nghĩa để xây dựng thành phố công nghiệp mới với Khu công nghiệp Ông Kèo (Đồng Nai).
Ngoài ra còn có thể kể đến nhiều thương vụ NĐT Trung Quốc thâu tóm các dự án BĐS nghỉ dưỡng khác tại Việt Nam được báo chí điểm danh. Cụ thể, doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) là P.H Group đã thâu tóm thành công khách sạn Futune Otis tại Nha Trang vào tháng 6; Tập đoàn Sunwah (Hong Kong – Trung Quốc) đang âm thầm triển khai dự án cao cấp tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thanh) với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD; Công ty HongLong Land bắt tay với SonKim Land phát triển dự án cao cấp The Nassim tại Thảo Điền (TP HCM)…
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các dự án có vốn đầu tư của Trung Quốc đã và đang hiện diện tại 54/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các dự án của Trung Quốc chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài (chiếm khoảng 67% tổng vốn), ngoài ra còn có hình thức hợp đồng BOT, BT, BTO (khoảng 18%) và hình thức kiên doanh, góp vốn vào CTCP (15%). Số vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam trong mỗi dự án không nhiều, số dự án gia tăng nhưng số vốn lại giảm. Lũy kế đến tháng 8/2017, Trung Quốc có 1.727 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn hơn 11,9 tỷ USD, trung bình khoảng 6,8 triệu USD/dự án. |