|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Lấn biển, lấp hồ… sẽ đi đến đâu?

07:02 | 15/04/2017
Chia sẻ
Lấn biển, lấp sông, bạt núi, phá rừng chỉ là bất đắc dĩ, khi không còn biện pháp nào khả thi hơn để thực hiện một mục tiêu mang tính sống còn thì lúc đó con người mới phá lệ sử dụng biện pháp mạnh với tự nhiên.

Trên thế giới, quốc gia lấn biển hàng đầu phải kể đến Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất với quần đảo The Palm, được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới, thiết kế theo kiểu cành cọ, trên mỗi “lá cọ” là tổ hợp khu dân cư, khách sạn nghĩ dưỡng, trung tâm thương mại. Siêu công trình này đã mang lại cho quốc gia Tây Á hàng triệu mét vuông lãnh thổ.

Dĩ nhiên, số tiền đầu tư thuộc vào dạng khủng và mục đích là phục vụ trực tiếp cho người dân trong khi đa phần lãnh thổ của quốc gia này là sa mạc, nóng bức quanh năm.

lan bien lap ho se di den dau
Đồ án lấn biển ở khu vực khu nghỉ dưỡng Ana Mandara làm khu dịch vụ spa, hầm ngầm

Một vài cường quốc lấn biển khác là Singgapore, Nhật Bản, Brunei, Hà Lan… các nước này đều có điểm chung là diện tích tự nhiên hạn chế, nguồn tài nguyên kém dồi dào, khí hậu khắc nghiệt. Công cuộc lấn biển của họ liên quan trực tiếp đến vận mệnh quốc gia - mở mang bờ cõi.

Ở nước ta, tuy diện tích không phải “hạt tiêu”, nguồn tài nguyên, khí hậu tương đối thuận lợi, song nạn xâm nhập mặn, đất liền biến mất hàng năm đang diễn ra ở Tây Nam Bộ, vậy nên lấn biển rất cần thiết ở vùng này.

Nói dong nói dài bằng chi nói thẳng, dự án lấn Vịnh Nha Trang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, vẫn với tôn chỉ phát triển thành phố nhưng các chuyên gia, nhà nghiên cứu có lý do để quan ngại cho sự an nguy của môi trường biển, phá vỡ cảnh quan tự nhiên của một trong 28 Vịnh đẹp nhất thế giới.

lan bien lap ho se di den dau
Khu vực hồ thành công

Nếu đến Nha Trang chỉ để xem công viên, khu nghỉ dưỡng, quảng trường thì du khách có nhiều lựa chọn đẳng cấp hơn, vấn đề là bảo tồn đa dạng sinh học biển, các rạn san hô ven bờ, cảnh quan tự nhiên. Không phải tự nhiên mà Viện Hải dương học được xây dựng tại Nha Trang.

Cứ đà này, ngoảnh đi ngoảnh lại đến lúc người Việt còn quá ít bãi biển để tắm, muốn tắm phải trả tiền, phần còn lại bị ô nhiễm, xâm thực, xói lở vì nạn khai thác cát lậu. Đây là sự thật đáng buồn của một quốc gia có hơn 2.360 km đường biển.

Nếu phát triển thành phố Nha Trang có thể mở về hướng Tây, vừa ít tác động môi trường lại kéo các huyện vùng ven phát triển theo. Phải chăng đầu tư vào lấn Vịnh sẽ nhanh có lãi hơn? Không ai phủ nhận các doanh nghiệp bất động sản đã kiến tạo nên bộ mặt đô thị khang trang hơn nhưng bất động sản đi đến đâu là ở đó bê tông hóa, cảnh quan tự nhiên bị tàn phá.

Dự án dịch chuyển một phần hồ Thành Công – Hà Nội cũng không nằm ngoài vùng lo lắng. Theo đề án, hồ này sẽ bị lấp đi 1hécta để xây nhà tái định cư, sau đó 1hécta bị lấp sẽ được (đào?) bù vào vị trí khác. Thay vì dịch chuyển hồ sao không chọn vị trí khác bởi đằng nào cũng mất đi 1hécta đất!

Theo một báo cáo mới đây, Hà Nội có nguy cơ lọt tốp những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, hệ thống sông ngòi, kênh rạch đa phần đã chết, một vài hồ còn lại như là cứu cánh cuối cùng cho môi trường tự nhiên của thành phố. Hà Nội là thủ đô có diện tích thuộc dạng “khủng” trên thế giới và cũng là thành phố có diện tích lớn nhất Việt Nam. Nên, một vài hecta đất có phải quá khó kiếm để phải lấp hồ, đào hồ?

Thiên nhiên Việt Nam từ rừng xuống biển đều bị tàn phá, thà phát triển chậm mà chắc còn hơn tăng trưởng “nóng” mà hủy hoại môi trường sống, vì phát triển kinh tế suy cho cùng là phục vụ con người. Lo đến lúc nào đó người Việt phải đem tiền đi du lịch sang nước khác để…tắm biển.

Không có những khu nghỉ dưỡng đồ sộ cuộc sống của người dân ven biển vấn an lành ngàn đời nay, không biết có bao nhiêu người dân hưởng lợi từ những công trình xa hoa mọc lên ven biển, chỉ biết nhà đầu tư bất động sản, nghỉ dưỡng ở Việt Nam giàu nhanh như thổi.

Trương Khắc Trà

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.