|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lạm phát tăng trở lại trong các tháng cuối năm phần nào sẽ tác động đến quyết định giảm lãi suất điều hành

10:05 | 08/09/2023
Chia sẻ
Theo VDSC, s sánh với tháng liền trước, Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 8 tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng. Việc lạm phát tăng trở lại trong các tháng cuối năm phần nào sẽ tác động đến triển vọng tiếp tục giảm lãi suất điều hành của NHNN

Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định lạm phát tăng trở lại nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

"Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi vẫn tin rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2023 ở mức 4,5% vẫn là khả thi. Ngoài ra, việc lạm phát tăng trở lại trong các tháng cuối năm phần nào sẽ tác động đến triển vọng tiếp tục giảm lãi suất điều hành của NHNN", các chuyên gia tại đây cho hay,

Theo nhóm phân tích, lạm phát trong tháng 8 là mức tăng cao nhất trong vòng 18 tháng, tăng 0,88% so với tháng trước. Nguyên nhân chính là do giá lương thực và giá xăng dầu tăng mạnh, lần lượt tăng 3,28% và 3,85%, đóng góp 0,49 điểm % vào mức tăng giá chung.

 So sánh với tháng liền trước, Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 8 tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng.

Ngoài hai nhóm hàng chịu ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài (giá gạo và giá dầu tăng) thì áp lực lạm phát trong nước cũng đến từ việc tăng giá của nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng và giáo dục, tăng lần lượt 0,85% và 0,96% so với tháng trước.

 

Nếu như việc tăng giá của nhóm giáo dục là diễn biến thường thấy khi bắt đầu năm học mới, sẽ tiếp tục trong tháng 9 thì nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng đã tăng liên tục trong 4 tháng do giá thuê nhà ở và giá điện tăng.

Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng đã tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong khi lạm phát chung tăng mạnh thì lạm phát lõi có xu hướng hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, lạm phát lõi trong tháng 8 tăng 0,32% so với tháng trước và 4,02% so với cùng kỳ.

Lạm phát chung và lạm phát lõi bình quân trong 8 tháng đầu năm lần lượt là 3,1% và 4,6%.

 

Mùa hè vừa qua đã chứng kiến sự tăng giá mạnh của dầu thô, trong những ngày đầu tháng 9, giá dầu Brent đã chạm ngưỡng 90 USD/thùng, cao hơn 6% so với cuối tháng 7 và cao hơn 13% so với đầu năm.

Giá dầu Brent bình quân từ đầu năm đến nay là 80,9 USD /thùng. Tuy nhiên, trong trường hợp giá dầu thô vượt ngưỡng 90 USD/thùng hoặc tăng mạnh lên 100 USD/thùng sẽ khiến cho lạm phát trong nước tăng cao hơn dự báo.

Trong khi đó, áp lực lạm phát giá lương thực đã lan tới Việt Nam, vốn là một quốc gia có nguồn cung ứng gạo dồi dào. Nhu cầu tích trữ gạo tăng cao trên thế giới đã kéo giá gạo xuất khẩu và giá trong nước tăng mạnh, giá lương thực mặc dù chỉ chiếm chưa đến 4% trong rổ CPI, tuy nhiên, việc tăng giá gạo sẽ kéo theo đà tăng của chỉ số giá lương thực – thực phẩm (chiếm 33,6% cơ cấu tính CPI).

Nói thêm về nguyên nhân tăng giá của giá dầu và giá gạo, theo VDSC, có thể thấy các yếu tố chính thúc đẩy đà tăng giá gần đây là đến từ nguồn cung.

Trên thị trường dầu thô, việc gia hạn các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC+ và Nga là lực đẩy trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc liên tục tăng và hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm bất chấp quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Thị trường gạo và lương thực nói chung được dẫn dắt bởi kỳ vọng về tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino cùng với việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và Nga rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Biển Đen.

VDSC nhận định các yếu tố này sẽ khó có chuyển biến trong ngắn hạn và theo đó dẫn đến nhiều khả năng tạo áp lực lên lạm phát toàn cầu và lạm phát tại Việt Nam trong quý cuối năm.   

Anh Đào