|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lạm phát như quả bom hẹn giờ đe dọa thị trường chứng khoán Mỹ

15:17 | 12/05/2021
Chia sẻ
Giá hàng hóa tăng chóng mặt đang làm dấy lên lo ngại về lạm phát. Chuyên gia cảnh báo rằng thị trường chứng khoán Mỹ có thể lao dốc hơn 25% nếu lạm phát tăng buộc Cục dự trữ liên bang (Fed) dừng nới lỏng tiền tệ.
Lạm phát: quả bom hẹn giờ đe dọa thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Thiếu hụt hàng hóa làm gia tăng lo ngại lạm phát

Hồi chuông cảnh báo lạm phát ngày càng reo to trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hóa phá vỡ kỷ lục.

Áp lực giá xuất hiện rất rõ ràng trên thị trường hàng hóa, với giá đồng và giá quặng sắt lập đỉnh mới trong ngày 10/5. Từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt đã tăng khoảng 40%. Giá gỗ xẻ leo lên mức cao chưa từng thấy, giá ngô và lúa mì cũng trong đà tăng mạnh, tờ AFR cho biết.

Tình trạng thiếu hàng hóa diễn ra trên khắp nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh nhu cầu nhà ở, xe cộ, đồ điện tử và các mặt hàng khác tăng cao đúng lúc chuỗi cung ứng tắc nghẽn.  

Các nhà kinh tế và hoạch định chính sách đang theo dõi sát sao tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong quá trình tìm kiếm dấu hiệu của lạm phát. Doanh nghiệp ngày càng lo rằng giá tăng đột biến có thể không phải là tình hình tạm thời, tờ New York Times đưa tin. 

Trong các buổi báo cáo kết quả kinh doanh tháng trước, một số doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ đã cảnh báo giá hàng hóa tăng sẽ sớm đánh vào ví tiền khách hàng. 

Ông Andre Schulten, Giám đốc tài chính của Procter & Gambler nhận định: "Thách thức chi phí hàng hóa mà chúng tôi đang đối mặt trong năm nay chắc chắn sẽ còn khốc liệt hơn vào năm tới. Chúng tôi sẽ bù đắp một phần của tác động này bằng việc tăng giá sản phẩm".  

Ông Darius Adamczyk, CEO Honeywell, cho biết công ty đang chứng kiến giá thép, đồng và chất bán dẫn tăng đáng kể. Ông nói: "Đây chắc chắn là hiện tượng Honeywell phải quan sát kỹ càng trong năm nay và đối với chúng tôi, lạm phát đang đi lên. Tôi không nghĩ áp lực giá sẽ dịu đi".

Viễn cảnh đen tối

Các dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát dâng cao đã xuất hiện trên thị trường chứng khoán thế giới trong phiên giao dịch 11/5.

Tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 1,4% - phiên tiêu cực nhất kể từ cuối tháng 2 trở lại đây. Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư lo sợ giá tiêu dùng tăng có thể kéo lãi suất đi lên. Chỉ số chứng khoán chính của Anh là FTSE 100 đóng cửa giảm 2,5%. Mới ngày hôm trước, FTSE 100 vừa lên đỉnh cao nhất sau đại dịch, BBC cho biết. 

Ông Russ Mould, Giám đốc đầu tư tại AJ Bell cho biết: "Thị trường không thể gạt bỏ nỗi sợ lạm phát đang phủ bóng đen lên cuộc phục hồi kinh tế hậu COVID-19". Giá hàng hóa tăng mạnh là nhân tố cảnh báo sớm cho lạm phát", ông khẳng định.  

Lạm phát là "kịch bản tồi tệ nhất" cho thị trường đang chực chờ phát nổ hiện nay. Lời cảnh báo này đến từ ông Thomas H. Kee Jr., Chủ tịch kiêm CEO hãng tư vấn Stock Traders Daily và nhà quản lý tại Equity Logic.

Ông Kee trả lời trong cuộc phỏng vấn với MarketWatch: "Có thể nói rằng lý do duy nhất chính phủ Mỹ tung ra được các gói kích thích là kinh tế không có lạm phát. Nếu lạm phát quay trở lại, mọi biện pháp bảo vệ mà chính phủ dành cho nhà đầu tư (ví dụ như tiền từ gói kích thích) sẽ bị hủy hoại và không thể cứu vãn thị trường được nữa". 

Ông Kee cho rằng dữ liệu việc làm gần đây cho thấy giá cả tăng sẽ có tác động "nghiêm trọng hơn suy nghĩ trước đây của chúng ta". 

Ông Kee nói thêm rằng các nhà đầu tư tự phụ đang coi thường thực tế là cổ phiếu hiện đang rất đắt đỏ. Tháng 11 năm ngoái, ông Kee dự đoán chỉ số Dow Jones sẽ giảm 25% vào cuối năm nay dựa trên P/E cao. Năm ngoái, ông kỳ vọng tăng trưởng EPS của các chứng khoán thuộc Dow Jones đạt 32% vào năm 2021, nhưng giờ ước tính tốc độ tăng trưởng sẽ lên tới 62% trước khi sụp xuống còn 2,42% trong năm 2022.

Lạm phát: quả bom hẹn giờ đe dọa thị trường chứng khoán - Ảnh 2.

Ông Kee nói tiếp: "Chứng khoán có thể rơi sâu hơn 25%, và nếu Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) bị bó tay vì lạm phát, sự phục hồi nhanh chóng mà nhà đầu tư đã quá quen thuộc trong thời gian gần đây sẽ không xảy ra lần nữa".

"P/E hợp lý của chỉ số S&P 500 không phải là 30 hay 35 lần, mà là 15 lần". 

Và PEG, tỷ lệ được sử dụng để định giá cổ phiếu khi tính đến cả tốc độ tăng trưởng thu nhập dự kiến cho chỉ số Dow Jones trong năm tiếp theo "đã quá 7, trong khi đó con số hợp lý thông thường là 1,5. Điều này chứng minh định giá chứng khoán đang quá cao", ông Kee cho biết.

Lạm phát: quả bom hẹn giờ đe dọa thị trường chứng khoán - Ảnh 3.

Ông Kee nhận định: "Người dân đã được chính phủ phát tiền miễn phí, các chương trình kích thích đang chạy hết tốc lực, và nhà đầu tư không mảy may cảm nhận được chút rủi ro nào. Đó chính là điều nguy hiểm nhất".

Ông cảnh báo: "Khi nhận thức thông thường về rủi ro quay trở lại, và nếu điều đó xảy ra khi PEG của Dow Jones lớn hơn 7, thì hãy coi chừng thị trường sụp đổ".

Theo CNBC, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 của Mỹ sẽ được công bố vào 7h30 tối 12/5 và được dự đoán là có mức tăng lớn nhất trong gần 10 trở lại đây. Công ty Dow Jones dự kiến CPI tháng 4 của Mỹ sẽ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, hay 0,2% so với tháng 3. 

Giang