|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát hạ nhiệt khiến NĐT tin Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 nhưng một số chuyên gia thì không

07:52 | 17/05/2024
Chia sẻ
Mới tuần trước, các nhà đầu tư vẫn còn lo lắng khi dữ liệu lạm phát ba tháng đầu năm tăng nóng hơn dự kiến. Tâm lý của họ đã thay đổi sau báo cáo CPI tuần này.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Sau khi dữ liệu lạm phát hạ nhiệt nhiều hơn dự kiến trong tháng 4, các nhà giao dịch đang ngày càng tin tưởng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 9.

Tuy nhiên, CNBC cho biết một số nhà phân tích vẫn chưa cảm thấy thuyết phục về khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ sớm hạ chi phí đi vay.

Hôm 15/5, Bộ Lao động Mỹ tiết lộ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 chỉ tăng 0,3% so với tháng 3. Con số này thấp hơn một chút so với ước tính của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones là 0,4%.

Dữ liệu yếu hơn dự kiến đã kéo chứng khoán Mỹ lên những mức đỉnh mới, đồng thời làm dấy lên đồn đoán rằng Fed có thể chuẩn bị cắt giảm lãi suất.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đang dự đoán xác suất Fed giảm lãi suất vào tháng 9 là khoảng 70%, tăng mạnh so với hồi đầu tuần.

Ông Jerome Schneider, trưởng bộ phận quản lý danh mục đầu tư ngắn hạn tại PIMCO, nhận định dữ liệu lạm phát mới nhất đã xác nhận với các nhà giao dịch rằng Fed nhiều khả năng sẽ không tăng lãi suất trong ngắn hạn.

“Thị trường vui mừng khi tỷ lệ lạm phát xuống thấp hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, PIMCO đang quan tâm hơn tới quỹ đạo dài hạn, rằng Fed sẽ phản ứng với dữ liệu này như thế nào”, ông Schneider chia sẻ với CNBC.

“Quan trọng hơn là khi nhìn vào những gì đang trong diễn ra bên trong CPI và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, ta thấy áp lực giá vẫn còn tương đối bền bỉ”, ông tiếp tục.

“Trên thực tế, để lạm phát lõi giảm xuống dưới mức 3%, các báo cáo giá còn lại trong năm 2024 chỉ nên tăng 0,2% hoặc thấp hơn so với tháng liền trước. Hiện tại, mức tăng vẫn cao hơn”, vị chuyên gia giải thích.

Ông Schneider nói thêm rằng mặc dù dữ liệu lạm phát mới khiến thị trường nhẹ nhõm phần nào, ở thời điểm hiện tại Fed vẫn chưa thể nhanh chóng đẩy lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.

 

Dữ liệu yếu đi

Cùng ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ đã đi ngang trong tháng 4, trong khi các nhà kinh tế dự doán mức tăng 0,4%. Số liệu của Bộ Thương mại dường như cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đã mất đà.

“Nếu kết hợp dữ liệu lạm phát và doanh số bán lẻ, chúng ta sẽ thấy cả hai đều thấp hơn dự báo và các lĩnh vực chi tiêu tuỳ ý đã thực sự suy yếu. Theo tôi, điều đó cho thấy người tiêu dùng đã bắt đầu chịu ảnh hưởng xấu khi lạm phát tăng cao”, ông Jacob Mitchell, CIO kiêm nhà sáng lập của Antipodes Partners, lập luận.

“Tôi nghĩ có thể thị trường sẽ sớm nhìn thấy những dữ liệu yếu hơn, điều này sẽ giúp công việc của Fed trở nên dễ dàng hơn một chút”, vị CIO nói thêm.

Khi được hỏi liệu dữ liệu CPI có gợi ý rằng Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 9 hay không, ông Mitchell trả lời: “Chúng ta không thấy những gì chúng ta cần với các yếu tố thành phần quan trọng như giá dịch vụ và chi phí thuê nhà”.

“Và nếu chúng ta không thấy những số liệu tích cực hơn ở hai yếu tố đó, thì trong nửa cuối năm, do hiệu ứng cơ sở (base effects), chúng ta sẽ chứng kiến lạm phát lõi tăng tốc trở lại”, ông cảnh báo.

Lãi suất chính sách tại Mỹ đang nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong gần 23 năm. Fed đã giữ lãi suất ở mức đó kể từ tháng 7 năm ngoái.

Ở cuộc họp chính sách tháng 4, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã loại trừ khả năng tăng lãi suất trong năm nay. Song, ông lưu ý rằng “lạm phát vẫn còn quá cao” và bày tỏ thái độ thận trọng với kế hoạch giảm lãi suất, dù người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ nhấn mạnh khả năng cao là Fed sẽ nới lỏng chính sách trong năm 2024.

 

Khả Nhân