Làm gì để thực hiện giao dịch an toàn và thuận tiện trên máy ATM trong dịp Tết này?
Dưới đây chúng tôi xin trích một số nội dung của bài phỏng vấn được đăng tải trên SBV.
Thưa ông, có khách hàng hỏi tại sao ngân hàng không nạp vào máy ATM toàn bộ là tiền mệnh giá 500 ngàn để lúc nào khách cũng có thể rút tối đa được 5 triệu 1 lần rút mà lại nạp cả những mệnh giá khác khiến khách hàng có lúc rút tối đa chỉ được 3, 5 triệu đồng hoặc 1,75 triệu đồng?
Từ năm 2005, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn số 1097/NHNN-PHKQ yêu cầu các tổ chức tín dụng cài đặt phần mềm rút tiền tự động để đảm bảo mỗi máy ATM phải cung cấp tiền đủ 4 loại mệnh giá. Yêu cầu này nhằm đảm bảo cơ cấu hợp lý các loại tiền trong lưu thông. Yêu cầu này tiếp tục được NHNN nhắc lại trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng vào năm 2009. Tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý và để đảm bảo cân đối cơ cấu tiền trong lưu thông; đảm bảo phục vụ được mọi đối tượng khách hàng và đáp ứng được các mức nhu cầu rút tiền mặt, Vietcombank và các ngân hàng đều không thể chỉ nạp duy nhất một loại mệnh giá là 500 ngàn như khách hàng đề xuất.
Ngoài ra, do khoảng khe cửa trả tiền của các máy ATM là có hạn và cố định nên ngân hàng chỉ có thể cài đặt mỗi lần chi tiền không quá 35 tờ/lần. Vì thế nếu mệnh giá tiền trong máy còn loại mệnh giá 500 và 200 ngàn thì khách hàng sẽ rút tối đa 1 lần lên tới 5 triệu đồng còn nếu máy đã chi hết mệnh giá cao chỉ còn loại mệnh giá 100 ngàn trở xuống thì só tiền tối đa một lần rút sẽ chỉ tương đương với số tiền bằng mệnh giá nhân 35 tờ.
Trong trường hợp khách bị máy ATM nuốt thẻ, khách hàng thông báo cho ngân hàng và muốn lấy thẻ lại ngay thì tại sao ngân hàng không cho người ra mở máy ATM lấy ngay để trả cho khách?
Việc mở máy ATM để nạp mới tiền, rút các hộp tiền đã hết về hoặc mở máy để chỉnh sửa, bảo dưỡng,… phải tuân theo một quy trình an toàn kho quỹ nghiêm ngặt. Về phía Ngân hàng để quản lý việc mở máy ATM đặt tại trụ sở của ngân hàng như Chi nhánh hay phòng giao dịch phải đảm bảo có đủ 3 người là Kiểm soát viên ATM; Thanh toán viên ATM và Thủ quỹ ATM. Để mở được két máy ATM thì phải có nhiều lớp khóa và mỗi người được giao cầm một chìa/mật mã mở một lớp khóa riêng biệt để đảm bảo không một ai có mật mã/chìa mở toàn bộ các lớp cửa khóa an toàn của két ATM.
Nếu việc nạp tiền ở máy ATM diễn ra ngoài trụ sở của ngân hàng thì yêu cầu về trang thiết bị và số người phải tăng lên. Cụ thể phải có xe chuyên dùng, có lái xe và công an hoặc vệ sĩ/bảo vệ áp tải tiền được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ.
Do vậy, không thể tùy tiện mỗi lúc mở máy ATM để lấy thẻ ra mà phải thực hiện tuân thủ các quy trình về an toàn kho quỹ, quy trình quản lý chìa khóa ATM và quy định vận chuyển, tiếp quỹ, kiểm quỹ theo quy định hiện hành của NHNN và của ngân hàng quản lý máy ATM.
Khi khách hàng chẳng may bị nuốt thẻ, rút tiền nhưng do nhiều lý do mà tài khoản bị trừ tiền song máy không nhả tiền thì phải thực hiện thông báo và liên hệ với ngân hàng như thế nào? Quy định của ngân hàng xử lý những vấn đề này như thế nào để khách hàng biết, an tâm và phối hợp thực hiện?
Nếu khách hàng dùng thẻ giao dịch nội mạng mà bị nuốt thẻ hoặc trừ tiền trên tài khoản nhưng máy lại không chi tiền vì một lý do nào đó hoặc bị đồng thời vừa nuốt thẻ, vừa trừ tiền mà không chi tiền trê máy thì khách hàng cần lưu ý thực hiện các bước sau:
Nên chờ thêm đến khi máy ATM chuyển sang chế độ chờ giao dịch tiếp để đề phòng máy ATM nhả tiền hoặc thẻ chậm.
Nên ghi lại các thông tin: địa điểm đặt máy ATM, ký hiệu máy, thời điểm thực hiện giao dịch, số tiền bị trừ (nếu là giao dịch rút tiền không thành công).
Sau đó liên lạc với ngân hàng bằng các cách liên hệ với chi nhánh phát hành thẻ hoặc Liên hệ với Hotline 24/7 của ngân hàng hoặc điểm giao dịch ngân hàng gần nhất để được hướng dẫn thực hiện tra soát.
Nếu khách hàng dùng thẻ giao dịch ngoại mạng mà gặp tình trạng như trên thì cũng cần ghi lại các thông tin và làm các bước như trên.
Để thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng qua hệ thống máy ATM, ngân hàng không thể tự mình làm được mà cần phải có sự cung ứng và tương hỗ liên quan của nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ, đơn vị hỗ trợ hoạt động chuyên biệt như đơn vị cung ứng điện, cung ứng dịch vụ đường truyền, đơn vị cung ứng địa điểm đặt máy ngoài trụ sở ngân hàng, đơn vị công an hỗ trợ công tác áp tải tiền hoặc đơn vị dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ áp tải tiền được trang bị công cụ hỗ trợ đầy đủ. Nếu là giao dịch ngoại mạng thì còn liên quan đến ngân hàng đối tác và đơn vị chuyển mạch cho phép thẻ của ngân hàng này rút tiền trên máy ATM của ngân hàng khác.
Chính vì vậy, xử lý các giao dịch tra soát cần phải có thời gian và thời gian tra soát đối với giao dịch ngoại mạng cũng đòi hỏi nhiều hơn so với giao dịch nội mạng và đặc biệt nếu ngân hàng đối tác là ngân hàng nước ngoài ở ngoài lãnh thổ thì thời gian còn đòi hỏi phải dài hơn nữa.
Tuân thủ thông tư hiện hành của Ngân hàng nhà nước VN về “Quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động - ATM” theo văn bản hợp nhất số 48/VBHN-NHNN ngày 09/11/2016, chúng tôi thực hiện tiếp nhận, xử lý hoặc phối hợp xử lý ngay các yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng. Thời hạn tối đa để xử lý tra soát, khiếu nại và trả lời khách hàng đối với giao dịch ATM nội mạng là 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được khiếu nại của khách hàng. Thời hạn tối đa để xử lý tra soát, khiếu nại và trả lời khách hàng đối với giao dịch ATM ngoại mạng (trừ các giao dịch quốc tế) là 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được khiếu nại của khách hàng.
Ông có lời khuyên gì đối với khách hàng để thực hiện giao dịch an toàn và thuận tiện với máy ATM trong dịp Tết này?
Trước hết, quý khách hàng cần bảo quản thẻ cẩn thận, an toàn, không đưa thẻ của mình cho người khác sử dụng và tránh bẻ cong hoặc làm xước lớp từ trên thẻ. Bên cạnh việc bảo mật mã số cá nhân (PIN) thì khách hàng cũng lưu ý không đặt mật khẩu cho mã PIN có liên quan đến các thông tin cá nhân như: Ngày tháng năm sinh, số điện thoại, biển số xe… để tránh khi mất thẻ kẻ gian có thể dễ dàng dò ra mật khẩu để rút trộm tiền.
Nên thường xuyên đổi mật khẩu. Khi giao dịch tại ATM cũng như tại máy POS cần che tay khi bấm mật khẩu để đảm bảo không ai nhìn thấy. Ngoài ra, khi giao dịch tại máy ATM cần quan sát kỹ máy ATM trước khi thực hiện giao dịch, đặc biệt tại các vị trí: khe đọc thẻ, bàn phím, camera. Nếu nhận thấy máy ATM có các thiết bị lạ hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, Quý khách ngừng giao dịch và thông báo ngay cho ngân hàng qua Hotline 24/7 hoặc điểm giao dịch gần nhất. Khi thực hiện giao dịch rút tiền, quý khách cần đợi máy chi tiền ra, không nên bỏ đi ngay để tránh trường hợp máy ATM nhả tiền chậm và người khác có thể lấy được số tiền này.
Vào các thời kỳ cao điểm cận Tết, để hỗ trợ ngân hàng tốt hơn trong việc cung cấp dịch vụ, đồng thời cũng đảm bảo khách hàng có thể thực hiện được các giao dịch thuận lợi và hữu ích, khách hàng nên :
- Tăng cường sử dụng thẻ thanh toán/tín dụng hoặc các hình thức giao dịch điện tử thông qua Internet Banking, Mobile Banking cho các giao dịch mua bán hàng hóa/ dịch vụ và chuyển tiền để giảm thiểu việc phải rút tiền mặt. Tại các thời điểm trước và trong các kỳ nghỉ Lễ/Tết, các ngân hàng cũng như nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ thường có rất nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cho các khách hàng khi sử dụng thẻ.
- Trong các trường hợp cần phải rút tiền tại các máy ATM, khách hàng nên lựa chọn rút tiền tại :
+ Các khu vực đặt nhiều máy ATM.
+ Hoặc các máy ATM đặt tại Trụ sở/PGD của các ngân hàng bởi tại các máy ATM này việc tiếp quỹ sẽ được xử lý nhanh chóng hơn các vị trí khác do không phải di chuyển nên tránh được những yếu tố khách quan do giao thông ngày Lễ/Tết đưa lại.