Lãi suất phá đáy, chứng khoán đi về đâu?
Sự gia tăng vốn huy động bằng tiền đồng trên 12% chứng tỏ đã có sự dịch chuyển tiết kiệm ngoại tệ sang tiền đồng và nhiều khả năng người dân đã bán ngoại tệ cho ngân hàng. Từ đây NHNN có điều kiện mua ngoại tệ để củng cố quỹ dự trữ ngoại hối.
Sự vững chắc và ổn định của nguồn cung ngoại tệ từ xuất siêu, vốn FDI, kiều hối, vốn FII... và từ tích lũy của dân cư là nền tảng để tỷ giá được duy trì quanh mốc 22.300 đồng/đô la Mỹ nhiều tháng qua. Bơm tiền mua ngoại tệ, NHNN đã tạo thanh khoản dư dả trong hệ thống ngân hàng và từ đầu tháng 8 đến nay, lãi suất tuột dốc không phanh.
Tuần rồi lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng còn 0,75%/năm. Tuần trước đó, NHNN còn phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 1,3%/năm. Sau đấy, mức lãi suất trên cứ tụt dần, về 1,2%, 1,1%, 1% và cuối tuần đã rơi thẳng về 0,7%/năm, nghĩa là thấp hơn cả lãi suất qua đêm. Chưa bao giờ lãi suất thấp kỷ lục như thế cả.
Trên thị trường trái phiếu, lãi suất trúng thầu kỳ hạn năm năm lần đầu tiên kể từ 10 năm nay đã xuống dưới mức 6%/năm, chỉ còn 5,92%/năm. Các tổ chức tín dụng đang bội thực tiền! NHNN đang thực hiện cam kết ưu tiên số 1 cho tăng trưởng GDP và cam kết này được hậu thuẫn bởi tỷ giá cũng như lạm phát có thể được kiềm chế dưới 5%.
Chứng khoán từ tháng 8 đến nay đáng lẽ đã có thể tăng điểm mạnh mẽ nếu không có sự bán ròng lên tới 1.100 tỉ đồng của khối ngoại, tập trung chủ yếu vào các mã có ảnh hưởng quyết định đến chỉ số VN-Index như VNM, VIC, VCB, BID, MSN, HPG... Khối ngoại đã liên tục bán ròng VNM kể từ khi thị giá cổ phiếu này vượt ngưỡng 150.000 đồng và room của VNM giờ đây đã xuống dưới 49% sau khi room được mở tới 100%.
Bản tin tư vấn hàng ngày của nhiều công ty chứng khoán đều nhận định thị giá VNM đã cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề trong khu vực. Tương tự là VCB. Các doanh nghiệp HPG, VIC, MSN đều báo tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm nay tốt hơn nhiều so với cùng kỳ, nhưng khối ngoại vẫn bán ròng chốt lời.
Nhiều cổ phiếu cơ bản đã ở mặt bằng giá với P/E bình quân khoảng 15 lần như DMC, MWG, CAV, SKG, KDC, PAC, SVC... không còn rẻ so với các nước. Điều này chắc chắn dẫn đến sự chốt lời và sự dịch chuyển của dòng tiền sang những cổ phiếu chưa tăng giá. Hiện trên cả Hose và Hnx còn đó hàng loạt cổ phiếu EPS tầm 2.000-3.000 đồng mà thị giá dưới 20.000 đồng.
Cổ phiếu dầu khí dường như đã ổn định ở quanh vùng giá hiện tại khi giá dầu thô dao động trong biên độ 40-50 đô la Mỹ/thùng. Kết quả kinh doanh của ba doanh nghiệp dầu khí hàng đầu là GAS, PVD, PVS đều giảm khá so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giảm mạnh nhất là PVD. Thị giá PVD hiện còn bằng một phần tư so với ba năm trước. Ngoài dầu khí, các doanh nghiệp khai khoáng khác hầu hết lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”, thị giá vài ngàn đồng, rẻ hơn ly trà đá hay tiền gửi xe gắn máy.
Cổ phiếu của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG-Hose) và công ty con là Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG-Hose) vẫn đang trong những ngày chờ đợi tín hiệu cho phép các ngân hàng tái cơ cấu nợ. HAG vừa công bố nghị quyết hội đồng quản trị cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư sáu tháng đầu năm, theo đó HAG báo lỗ 1.075 tỉ đồng do xử lý tài sản xấu. Hose cũng vừa có công văn ngày 22-8-2016 nhắc nhở HAG về việc chậm nộp báo cáo tài chính quí 2-2016 cả riêng công ty mẹ và hợp nhất và đây đã là lần nhắc nhở thứ hai.
Nổi đình đám hơn cả trên thị trường vẫn là trường hợp của Công ty Gỗ Trường Thành (TTF-Hose). Cổ phiếu này đã có hai phiên tăng trần liên tiếp sau 24 phiên giảm sàn và mất chừng 78% giá trị kể từ mức đỉnh. TTF chuẩn bị họp đại hội đồng cổ đông bất thường lần hai để phê duyệt việc thay đổi nhân sự hội đồng quản trị. Với sự bốc hơi gần 1.000 tỉ đồng hàng tồn kho vừa qua, giá trị sổ sách của TTF hiện còn nhỉnh hơn 3.000 đồng chút ít. Với thị giá 9.200 đồng ngày 23-8, giá trị vốn hóa của TTF vẫn cao hơn gấp ba lần giá trị sổ sách. Cho dù các cổ đông và hội đồng quản trị mới có nỗ lực đến đâu, TTF cũng phải mất vài năm để xóa lỗ lũy kế.
Bài toán lợi nhuận của TTF sẽ nan giải hơn bởi sau khi Công ty Tân Liên Phát ngưng chuyển đổi số vốn cho vay thành cổ phiếu, nợ ngắn hạn của TTF không giải quyết được và lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Chi phí tài chính đang và tiếp tục đè nặng lên công ty. Một công ty mà vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 500 tỉ đồng, trong khi nợ ngắn hạn cao gấp 4,4 lần (2.206 tỉ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2016), thì đâu là lối thoát? Nóng lòng với TTF lúc này không chỉ là cổ đông, mà cả các ngân hàng chủ nợ.
Theo Thành Nam
TBKTSG