|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi cao, ngân hàng dự kiến cổ tức thấp

15:05 | 21/02/2017
Chia sẻ
Tuy lợi nhuận được cải thiện, nợ xấu giảm đáng kể và không ít nhà băng đã vượt kế hoạch kinh doanh trong năm vừa qua, nhưng tỷ lệ cổ tức 2016 mà các nhà băng dự kiến trình cổ đông trong mùa đại hội năm nay chỉ nhích nhẹ so với năm 2015 và chủ yếu chi trả bằng cổ phiếu.

lai cao ngan hang du kien co tuc thap

Báo cáo tài chính năm 2016 của một số nhà băng cho thấy, kết quả kinh doanh đạt được ở mức khả quan, trong đó có những cái tên như VCB, VietinBank, BIDV, VPBank, ACB, HDBank, OCB, Techcombank… với mức lợi nhuận đạt được vượt khoảng 10% so với chỉ tiêu đưa ra ban đầu.

Cụ thể, Vietcombank đạt 8.212 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2016, tăng 23,4% so với năm trước đó, lợi nhuận hợp nhất đạt 8.517 tỷ đồng. VietinBank đạt 8.250 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015, lợi nhuận hợp nhất đạt 8.250 tỷ đổng. OCB đạt 484 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 108% kế hoạch năm. ACB cũng là ngân hàng vượt chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2016 khi đạt ở mức trên 1.500 tỷ đồng trước thuế.

Việc chi trả cổ tức của các ngân hàng trong 2 năm qua được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích thực hiện bằng cổ phiếu.

Đặc biệt, VPBank vừa công bố lợi nhuận hợp nhất đạt 4.900 tỷ đồng, trong đó riêng ngân hàng mẹ lãi 3.400 tỷ đồng. VPBank được xem là quán quân về lợi nhuận năm 2016 trong khối ngân hàng cổ phần sau top các nhà băng có vốn nhà nước.

Không chỉ đạt mức lợi nhuận khả quan mà nhiều nhà băng cho biết, họ đã bớt ám ảnh bởi nỗi lo nợ xấu, khi phần nào xử lý được gánh nặng nợ. Chẳng hạn, Vietcombank thông báo là ngân hàng đầu tiên đã “dọn sạch” nợ xấu tại VAMC. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đến cuối năm 2016 được kiểm soát ở mức 1,48%.

Vietinbank cũng là ngân hàng duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, chỉ 1,02% đến cuối năm qua. Với MB, tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 1,33% tại thời điểm cuối năm 2016, giảm từ 1,61% tại thời điểm cuối năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu sau khi xử lý nợ xấu tại ACB chỉ còn 0,87% cuối năm 2016.

Để kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp như trên đòi hỏi các nhà băng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Điều này đã phần nào tác động đến lợi nhuận và cổ tức chi trả cho cổ đông trong năm 2016, cũng như mức dự kiến năm 2017.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho hay, năm 2016, lợi nhuận tuy vượt chỉ tiêu đề ra, song trước tình hình thị trường hiện nay, Ngân hàng chưa thể chi trả cổ tức đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông. Dự kiến mức cổ tức năm 2016 mà HĐQT nhà băng này sẽ trình cổ đông trong kỳ họp cổ đông thường niên vào cuối tháng 4 tới đây cũng chỉ bằng tỷ lệ năm 2015 là khoảng 5%.

Trong khi đó, lãnh đạo ACB cho hay, sau thời gian dài tái cấu trúc kể từ cuối năm 2012 đến nay, hoạt động của ngân hàng đã trở lại bình thường và đang dần tăng tốc. Không riêng cổ đông, HĐQT và Ban điều hành ACB đều mong muốn cổ tức năm nay cao hơn năm trước.

Ngân hàng đã chi trả cổ tức năm 2015 ở mức 10% bằng cổ phiếu, cao hơn so với những năm trước đó và dự kiến cổ tức năm 2016 sẽ ở mức phù hợp, nhưng chưa thể công bố.

Tại các nhà băng lớn, mức cổ tức chi trả năm 2016 dự kiến cũng sẽ không cao hơn so với năm 2015. VCB dự kiến chia cổ tức ở mức tối đa 10% theo mục tiêu đề ra trong kỳ đại hội đồng cổ đông năm 2016.

Riêng khối ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ, nhất là những nhà băng vừa trải qua quá trình M&A và đẩy mạnh tái cấu trúc, không phải nhà băng nào cũng có khả năng chi trả cổ tức.

Lãnh đạo các nhà băng này cho biết, đến nay, sau hơn 3 năm tiến hành M&A, ngân hàng vẫn phải dành mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu bằng cách tăng trích dự phòng. Vì thế, cổ đông cũng có sự chia sẻ về cổ tức với kỳ vọng ngân hàng bước vào quỹ đạo hoạt động tốt hơn, giúp cổ tức và giá cổ phiếu tăng trong thời gian tới.

Ngay cả với những nhà băng quy mô, từng chi trả cổ tức cao ở giai đoạn trước thì hiện cũng đành nói “không” với cổ tức trong những năm gần đây, do lợi nhuận sụt giảm. Báo cáo tài chính 2016 của Eximbank cho thấy, nợ nhóm 5 (nợ có nguy cơ mất vốn) đã tăng 41% lên 1.132 tỷ đồng, song tỷ lệ nợ xấu sau xử lý là 2,95%, giảm đáng kể từ mức đỉnh là 5,30% trong 6 tháng đầu năm 2016. Lợi nhuận Eximbank đạt được năm qua chỉ hơn 300 tỷ đồng trước thuế nên nhiều khả năng chưa thể chi trả cổ tức năm 2016.

Việc chi trả cổ tức của các ngân hàng trong 2 năm qua được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích thực hiện bằng cổ phiếu. Bên cạnh đó, mức cổ tức ngân hàng chi trả cho cổ đông cũng phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Vân Linh