|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kỹ sư thu nhỏ các công trình kiến trúc quyết không thỏa hiệp với 'cá mập' trong Shark Tank Việt Nam

15:07 | 12/02/2018
Chia sẻ
Dù ông Trần Anh Vương muốn rót vốn, chàng kỹ sư từ Huế vẫn ra về tay trắng do không tìm thấy tiếng nói chung về tỷ lệ cổ phần với nhà đầu tư trong tập 14 Shark Tank Việt Nam.
 
chang ky su thu nho ca c cong tri nh kie n tru c quye t khong tho a hie p vo i ca ma p trong shark tank viet nam Hoa hậu Thể thao nhận vốn 3 tỷ đồng trong Shark Tank Việt Nam

Tham gia tập 14 của chương trình “Shark Tank Việt Nam” ngày 10/2, Lê Ngọc Tuấn Anh muốn kêu gọi số vốn 2,5 tỷ đồng cho 30% cổ phần Công ty TNHH MTV Mỹ nghệ Thông minh TayTa do anh sáng lập.

Tayta - từ viết tắt của “đôi bàn tay chúng ta” - là công ty sản xuất các mặt hàng thủ công, quà lưu niệm mô phỏng công trình kiến trúc, văn hóa đặc sắc của Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, Tayta còn thiết kế sản phẩm theo yêu cầu để khách hàng lưu giữ dấu ấn riêng và thương hiệu.

chang ky su thu nho ca c cong tri nh kie n tru c quye t khong tho a hie p vo i ca ma p trong shark tank viet nam
Lê Ngọc Tuấn Anh muốn kêu gọi số vốn 2,5 tỷ đồng cho 30% cổ phần Công ty TNHH MTV Mỹ nghệ Thông minh TayTa do anh sáng lập. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Theo Tuấn Anh, khách du lịch thường mua những món đồ đặc sản vùng miền để làm quà tặng. Công trình kiến trúc thể hiện triệt để tính bản xứ của mỗi khu vực. Nhưng nhiều món quà cồng kềnh khiến khách hàng khó mang theo.

Là một kiến trúc sư, Tuấn Anh bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp từ tình yêu dành cho những công trình kiến trúc của thành phố Huế - nơi anh sinh ra. Sau 3 năm nghiên cứu, nuôi dưỡng “đứa con tinh thần”, Tuấn Anh thành lập công ty Tayta vào tháng 1/2017. Anh thu nhỏ những công trình kiến trúc, gấp lại trong những quyển sách nhằm mang đến sự tiện lợi cho khách du lịch. Khách có thể tháo mô hình bằng giấy ra khỏi bìa sách để đặt trên hộp đèn lồng khi trang trí nội thất. Thậm chí người sử dụng có thể gập cả hộp đèn.

Sản phẩm Tayta mang tới khách hàng nhiều khác biệt so với những sản phẩm tương tự trên thị trường. Tayta thiết kế mô hình kiến trúc mang tỷ lệ hoàn chỉnh, bên trong có sơ đồ như một bản đồ thực sự. Do giấy không thể đứng vững trong môi trường ẩm nên công ty xử lý chất liệu cẩn thận để giấy trở nên dai, đàn hồi tốt. Ngoài ra, Tayta sử dụng kim loại quý làm chất liệu cho sản phẩm. “Tất cả kiến trúc đều dễ dàng gấp lại qua giải pháp của chúng tôi. Khách hàng có thể thay thế một chiếc đèn ngủ hay trang trí không gian văn phòng”, Tuấn Anh nhấn mạnh.

chang ky su thu nho ca c cong tri nh kie n tru c quye t khong tho a hie p vo i ca ma p trong shark tank viet nam
Một sản phẩm mẫu Lê Ngọc Tuấn Anh mang đến chương trình SharK Tank. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Hiện tại, Tayta có hai cửa hàng cùng một số gian hàng đặt sản phẩm ở khách sạn tại thành phố Huế. Mới đây, công ty mở thêm chi nhánh trong TP Hồ Chí Minh và tạo ra một kho chứa đủ để bán hàng trên các trang thương mại điện tử.

Tayta sở hữu đội ngũ sản xuất hoàn chỉnh, gồm 15 nhân viên tại Huế. Doanh thu tháng gần nhất đạt 80 triệu đồng đến từ đơn đặt hàng của trường đại học, công ty du lịch. Mục tiêu của công ty trong hai năm tiếp theo là doanh thu đạt 2 tỷ đồng mỗi tháng.

Một mô hình kiến trúc thu nhỏ trên giấy có giá bán trên thị trường là 170 nghìn đồng. Mặt hàng gồm thiệp kèm phụ kiện, đèn chiếu sáng có giá 500 - 800 nghìn đồng một bộ. Tayta chiết khấu 20 - 30% giá trị đơn hàng tại khách sạn, cửa hàng. Chi phí sản xuất mô hình kiến trúc nhỏ, có sẵn chiếm 1/3 giá bán, còn giá thiết kế riêng cao hơn là 40 triệu đồng một sản phẩm.

Tuấn Anh cho biết, 80% khách hàng mua lẻ ở Tayta là khách du lịch nước ngoài. Công ty đã có đơn đặt hàng từ một số nước trên thế giới.

Chia sẻ lí do gọi vốn, Tuấn Anh nói: “Chúng tôi muốn mở rộng thị trường, bán cho cả thế giới, trên các trang thương mại điện tử. Bởi vậy, Tayta cần vốn đầu tư cho dây truyền sản xuất, đào tạo nhân sự và nghiên cứu sản phẩm mới”.

Hai doanh nhân Nguyễn Xuân Phú, Phạm Thanh Hưng lắc đầu vì cho rằng mô hình kinh doanh quá nhỏ. Tuy nhiên, ông chủ bất động sản Phạm Thanh Hưng sẵn sàng trở thành khách hàng đặt Tayta thiết kế sản phẩm mô phỏng kiến trúc dự án của ông.

Bà Thái Văn Linh nhận thấy Tuấn Anh đang mắc sai lầm về thị trường. Theo bà, khách du lịch sẽ tìm mua những món quà giá thành thấp hơn và chi phí 40 triệu đồng để thiết kế sản phẩm riêng là quá cao để phân phối, rao bán trên mạng. Mặc dù muốn đầu tư nhưng Bà Linh quyết định từ chối rót vốn.

Quyết định tham gia thương vụ, ông Trần Anh Vương thắc mắc về tỷ lệ phần trăm cổ phần tối đa Tuấn Anh đưa ra. Tuấn Anh khẳng định 30% là số cổ phần cao nhất, nếu 2,5 tỷ đồng cho 49% anh cũng không đồng ý.

Trước lời khẳng định của Tuấn Anh, ông Vương không đầu tư.

“Dường như, bạn Tuấn Anh đang mang đến cho các Shark một cơ hội, còn đớp mồi hay không là việc của các nhà đầu tư”, ông Hưng nói dí dỏm.

Bùi Mến