|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kỷ lục 110.000 doanh nghiệp mới: Chủ yếu đi từ hộ gia đình

06:00 | 31/01/2017
Chia sẻ
Năm 2016 xác lập kỷ lục 110.000 doanh nghiệp thành lập mới, đây là con số lớn nhất trong tiến trình cải cách của Việt Nam. Dù con số tỷ lệ khá lớn trong số này đi lên từ hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ nhưng theo TS Võ Trí Thành, đây vẫn là một tín hiệu tích cực, đáng mừng của nền kinh tế.
ky luc 110000 doanh nghiep moi chu yeu di tu ho gia dinh
Doanh nghiệp thành lập mới. Ảnh: Lao động.

Năm 2016, cả nước có 110.000 doanh nghiệp thành lập mới, đây là con số kỷ lục, lần đầu tiên xuất hiện trong tiến trình cải cách của Việt Nam. Tuy nhiên, chiếm tỷ lệ khá lớn trong số này là các doanh nghiệp đi lên từ hộ kinh doanh cá thể.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biếttính đến ngày 20/12, số doanh nghiệp thành lập mới là 110.100, tăng 16,2% so với năm 2015.

Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689, tăng 43,1%.

Doanh nghiệp chủ yếu đi lên từ hộ gia đình

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng cho rằng, con số 110.000 doanh nghiệp rất đáng khen, tuy nhiên, đừng quá hô hào thách tích đó. Ông Thiên lo ngại khi 70.000 trong số các doanh nghiệp thành lập mới này đi lên từ hộ gia đình với mục đích kiếm sống là chính.

TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm: "Doanh nghiệp mà thành lập để được ưu đãi thuế, để kiếm sống thì hoàn toàn vô nghĩa về chất lượng. Doanh nghiệp phải thành lập với động cơ thiêng liêng để làm giàu, có khả năng cạnh tranh quốc tế".

Vì vậy theo ông, phải tiếp cận doanh nghiệp theo quy mô khác, không thể nhỏ "li ti như cám" được.

Lạc quan hơn, TS Võ Trí Thành cho rằng, con số 110.000 doanh nghiệp phần nào phản ánh kì vọng của thị trường đối với cải cách, đối với sự phát triển sắp tới của kinh tế Việt Nam.

"Bằng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện bộ máy hành chính và tiềm năng kinh tế găn với hội nhập, tất cả những điều đó đã tạo ra kì vọng mới, niềm tin mới. Niềm tin có thể chưa quá sâu, chỉ là bước đầu tin vào khả năng, cơ hội đầu tư kinh doanh. Nhưng theo tôi, đây vẫn là một dấu hiệu tích cực", ông Thành nói.

Vị chuyên gia phân tích thêm, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, niềm tin và kì vọng càng quan trọng. Người dân sẽ có thêm động lực để đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế.

Tuy rằng tỷ lệ khá lớn trong số các doanh nghiệp đăng ký mới năm 2016 đi từ hộ gia đình sang doanh nghiệp, TS Thành cho rằng vẫn đáng mừng. "Khi người ta đã muốn trở thành doanh nghiệp làm ăn tức là cái tính minh bạch đàng hoàng trong kinh doanh được thể hiện rõ hơn chưa nói đến chí làm ăn lớn tốt hơn. Đây là điểm tốt", ông Thành khẳng định.

Dù vậy, về mặt tổng thể, con số trên chưa phản ánh được chất lượng, khả năng kinh doanh, khả năng cạnh tranh. Ông cho rằng cần phải lưu tâm, bàn bạc thêm về vấn đề này nhưng nhìn chung con số trên vẫn rất tích cực.

Trước những ý kiến tranh cãi, Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng: "Ta cần quan tâm đến tư duy tạo ra doanh nghiệp tư nhân mới chứ không tranh cãi về vấn đề có quan trọng hay không quan trọng".

Theo ông Tuấn, đằng sau câu chuyện tăng số doanh nghiệp là vấn đề việc làm được tạo ra. Theo ước tính hàng năm Việt Nam có 1 triệu lao động trẻ bước vào thị trường, không dựa vào khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ dựa vào đâu, khi doanh nghiệp Nhà nước giảm dần, khu vực nông nghiệp thu hẹp. Đây chính là khu vực tạo công ăn việc làm cho Việt Nam giai đoạn tới. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ký lục là một con số đáng mừng.

Phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 5/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam có 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Như vậy, bình quân cứ một tiếng đồng hồ có 12 doanh nghiệp được thành mới là một tín hiệu đáng mừng. Đặc biệt, Thủ tướng nhắc tới lực lượng đông đảo hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Đây cũng là lực lượng kinh tế quan trọng có ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường vào 2020.

Để giữ ổn định doanh nghiệp vừa và nhỏ

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng cần quan tâm chất lượng và duy trì hoạt động cho các doanh nghiệp thành lập mới. TS Trần Đình Thiên cho rằng điều đáng quan tâm hiện nay là nhiều chủ doanh nghiệp được thành lập mới chưa hiểu gì về khởi nghiệp, thậm chí hoàn toàn không hiểu gì về phương thức, cách thức phát triển doanh nghiệp.

Vị vậy, theo vị chuyên gia càng ngày càng phải nghiêm túc chứ với vấn đề của các doanh nghiệp. 5 năm tới phải tạo lập 1 lực lượng doanh nghiệp có chất lượng, hiểu biết, hoạt động ổn định nếu không sẽ "chết" trên chính nền tảng cơ sở chính sách như hiện nay.

Còn ông Đậu Tuấn Anh phân tích, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thường bất lợi hơn so với doanh nghiệp khác. Để các doanh nghiệp tư nhân lớn, ngoài giúp tiếp cận dễ hơn về nguồn lực còn phải đảm bảo môi trường cạnh tranh tự do.

Góp ý về hành trang cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, TS Cần Văn Lực cho rằng cần chuẩn bị tốt bốn điểm.

Thứ nhất, năng lực quản trị của doanh nghiệp phải chuyên nghiệp. Hiện nay, đa số các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng doanh nghiệp Việt Nam thiếu chiến lược kinh doanh.

Thứ hai, doanh nghiệp cần chuẩn bị chiến lược tài chính. Mặc dù thị trường vốn của Việt Nam chưa phát triển nhưng doanh nghiệp cần sáng tạo hơn nữa trong việc thu hút vốn cho mình. Đặc biệt, theo tôi, năng lực quản lý tài chính của doanh nghiệp cần phải tốt hơn.

Thư ba là nguồn nhân lưc cần được nâng cao chất lượng. Tất cả thất bại hay thành công của các doanh nghiệp đều do nguồn nhân lực. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ quản lý cấp trung.

Cuối cùng là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, chuyện kiện tụng thương mại là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng hơn nữa trước bất kỳ tình huống có thể dẫn tới kiện tụng nào. Đặc biệt, cần tham gia chuỗi giá trị toàn cầu hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo chất lượng uy tín trên thị trường.

Thái Hoàng