KPF tăng mạnh giữa sự giằng co của thị trường, cổ phiếu liên tục trao tay
Là cổ phiếu tăng mạnh nhất tháng 11 trên HOSE, KPF có gì đặc biệt? |
KPF tăng mạnh giữa sự giằng co của thị trường
Thời gian qua, VN-Index có xu hướng giảm dưới áp lực bán tăng cao sau giai đoạn bùng nổ. Sau thời điểm đạt đỉnh 10 năm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 4/12 dừng lại tại 970,02 điểm. Kể từ đó, VN-Index xuất hiện nhiều phiên giảm. Một vài phiên trở lại đây, VN-Index có dấu hiệu phục hồi, kết phiên ngày 15/12 đạt 935,16 điểm, tuy nhiên kể từ đỉnh gần nhất, VN-Index đã giảm khoảng 3,6%.
Giai đoạn này nhiều nhóm ngành thể hiện sự giằng co, không nhiều nhóm ngành bứt phá mạnh. Tuy vậy ở một diễn biến khác, trên sàn HOSE ghi nhận cổ phiếu KPF của CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh là cổ phiếu tăng mạnh nhất với 73,5% từ đầu tháng 12 tới nay.
CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh (ảnh minh họa) |
Kết phiên giao dịch ngày 15/12 tăng trần và đạt 14.750 đồng/cp. Kéo dài phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp. Trước đó cũng ghi nhận KPF là mã tăng mạnh nhất trên HOSE tháng 11 khi tăng 68%.
Từ tháng 9 đến giữa tháng 11, giá cổ phiếu KPF đi ngang ở vùng giá dưới 6.000 đồng/cp. Sau đó tăng mạnh từ thời điểm nửa cuối tháng 11 đến nay. Tính riêng thời gian này, KPF xuất hiện nhiều phiên tăng trần, thanh khoản ghi nhận nhiều phiên đạt hơn 100.000 đơn vị. Bình quân giai đoạn này đạt gần 80.000 đơn vị cao hơn so với mức bình quân khoảng 28.500 đơn vị từ tháng 9 đến giữa tháng 11.
Diễn biến giá cổ phiếu KPF từ tháng 9 đến nay (nguồn: VNDirect) |
Cổ phiếu liên tục lập đỉnh mới, cổ đông nội bộ của KPF đua nhau thoái vốn
Từ đầu tháng 12 đến nay, nhiều thành viên trong Hội đồng quản trị (HĐQT) tiếp tục đăng ký bán ra cổ phiếu. Gần nhất, ông Đoàn Minh Tuấn - Thành viên HĐQT đã bán gần 1,6 triệu cổ phiếu KPF từ ngày 5/11 - 8/12/2017. Bố, mẹ và em rẻ ông Tuấn trong thời gian trên cũng bán tổng cộng hơn 100.000 cổ phần tại KPF.
Ngoài ra, Bà Nguyễn Kim Anh - Phó Tổng giám đốc công ty cũng mới đăng ký bán gần 620.000 cổ phiếu KPF từ ngày 14/12/2017 - 12/1/2018.
Công ty cũng ghi nhận thay đổi đáng kể trong cơ cấu cổ đông khi một số cổ đông đã gom mạnh cổ phiếu này. Đáng chú ý, cổ đông Kiều Xuân Nam bắt đầu từ ngày 21/11 mua vào 600.000 cổ phiếu KPF. Đến thời thời điểm đầu tháng 12 đến nay, cổ đông này liên tục mua thêm, nâng số cổ phần mà ông mua vào giai đoạn này lên 1,85 triệu cổ phiếu.
Cùng với ông Nam, một cổ đông khác là ông Vũ Đức Toàn cùng giai đoạn này cũng mua vào 1,1 triệu cổ phiếu KPF. Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh mua vào gần 800.000 cổ phiếu.
Cũng từ thời điểm này, KPF bắt đầu tăng trần liên tục. Tính đến nay, KPF tăng gần 180% mặc dù trước đó cổ phiếu này giảm mạnh từ vùng giá 10.000 đồng/cp tính từ thời điểm đầu năm.
Cơ cấu cổ đông KPF tính đến ngày 13/12/2017 (nguồn: Stockbiz.vn) |
Các cổ đông trên đều là những cổ đông lớn nhất tại KPF. Ông Nam nắm giữ tổng cộng 3,25 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 19% vốn tại công ty. Ông Toàn cũng nắm số cổ phần tương tự khi cũng nắm giữ 3,25 triệu cổ phiếu KPF. Bà Quỳnh nắm giữ gần 2 triệu cổ phiếu, tương ứng gầm 11,6% vốn tại công ty.
Mới đây, KPF đã thông qua quyết định nhận chuyển nhượng 45% vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm (đại diện sở hữu là ông Nam và ông Toàn).
Trong đó, số vốn góp của KPF nhận chuyển nhượng từ ông Nam là 66 tỷ đồng, tương ứng 44% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm. Còn lại 1% vốn tương đương 1,5 tỷ đồng là từ ông Toàn.
Trước đó tháng 11, KPF đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại CTCP Phú Gia Hà Nam với hơn 3,9 triệu cổ phần, tương ứng 49% vốn tại Phú Gia Hà Nam cho CTCP Tập đoàn Bắc Đô. Thời gian thực hiện trước ngày 31/12/2017.
Được biết, đây là hai công ty liên kết của KPF với các dự án mỏ khai thác cát Tam Hà và Phú Gia tại bãi bồi Sông Hồng, quy mô 8,5 ha thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam với sản lượng mỗi mỏ là 20 triệu m3 và 15 triệu m3. Đây là hai khu mỏ cát chiến lược trong khai thác cát của KPF.