Kinh tế Trung Quốc đã khỏe chưa?
Kinh tế Trung Quốc đã khỏe chưa? Nguồn ảnh: 123RF. |
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi công cuộc bành trướng kinh tế mạnh mẽ trong năm nay như một bằng chứng rằng nước này có thể giảm nợ mà không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng. Nhưng triển vọng dường như đang ngày càng trở nên mờ mịt khi xem xét vai trò quá lớn của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế Trung Quốc, người tiêu dùng chưa hết bất an và những dấu hiệu cho thấy quá trình thoái nợ vẫn chưa đáng kể.
Chính phủ Trung Quốc cho biết nhu cầu nội địa đã tạo lực đỡ giúp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 6,9% trong quý II năm nay, bắt nhịp với tốc độ tăng trưởng của quý I và vượt dự báo của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, các nhà kinh tế và giới phân tích cho rằng những con số này phải được đong đếm lại vì nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục dựa vào những khu vực có vấn đề như bất động sản, trong khi quá trình cắt giảm nợ vẫn chưa tiến triển khả quan.
Bên cạnh đó, tốc độ chi tiêu của người Trung Quốc lại không nhanh bằng mức tăng lương, cho thấy nhiều người ngày càng bị eo hẹp về tài chính do giá bất động sản cao. Các số liệu mới nhất “chỉ là một tiếng chống chọi vang lên trong bối cảnh tăng trưởng suy yếu”, Larry Hu, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc thuộc Macquaire Securities tại Hồng Kông, nhận xét.
Ở một khía cạnh khác, nhờ đồng nhân dân tệ ổn định hơn và tình trạng dòng vốn tháo chạy giảm xuống, chính quyền Bắc Kinh đã có thể siết chặt tín dụng mà không gây ra cơn hoảng loạn trên thị trường hoặc gây ảnh hưởng đến con số tăng trưởng. Nỗ lực đó đã buộc các ngân hàng và các định chế tài chính khác giảm vay mượn lẫn nhau. Nhưng nó đã không làm được một việc là giảm mạnh nợ trong nền kinh tế. “Hoạt động thoái nợ không đáng kể”, Zhu Chaoping, chuyên gia kinh tế thuộc UOB Kay Hian, nhận xét.
Vào tháng 6, các ngân hàng Trung Quốc đã thực hiện các khoản cho vay mới cao hơn dự kiến lên tới 1.540 tỉ nhân dân tệ (tương đương 227 tỉ USD), so với chỉ 1.100 tỉ nhân dân tệ của tháng 5. Hơn 1/3 con số này đã đi vào lĩnh vực cho vay nhà cửa. Thực vậy, một thị trường bất động sản vững vàng là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng Trung Quốc cho đến thời điểm này, theo các chuyên gia kinh tế trong đó có Zhu và Hu.
Điều đó có nghĩa là trong năm nay, chính quyền Bắc Kinh sẽ ít gặp khó khăn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm vào khoảng 6,5%. Nhưng Trung Quốc vẫn phải tiếp tục kiềm cương tín dụng để chuyển sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn, theo các nhà lãnh đạo nước này. Nếu tăng trưởng kinh tế chậm lại trong những tháng tới, nhiệm vụ kiềm cương tín dụng có thể trở nên khó khăn hơn. “Chúng ta không nên quá lạc quan về bức tranh kinh tế trong 6 tháng cuối năm nay”, Sheng Songcheng, cố vấn cấp cao tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), dự đoán.
Nếu tăng trưởng yếu hơn, theo Sheng, PBOC có thể sẽ dần dần điều chỉnh giảm lãi suất ngắn hạn cũng như làm dịu sức ép thanh khoản trong hệ thống tài chính để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều đó có thể sẽ đánh dấu một sự chuyển hướng trong chiến lược kể từ cuối năm ngoái, khi PBOC bắt đầu triển khai chính sách siết chặt qua việc đẩy tăng lãi suất ngắn hạn trong khi không thay đổi lãi suất cơ bản.
Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đang gặp vấn đề nan giải về chính sách trong cuộc chiến “thuần hóa” thị trường bất động sản. Thị trường này cùng với thị trường xây dựng và đồ dùng trang trí nhà cửa hiện đóng góp tới 1/3 nền kinh tế. Bắc Kinh cũng không muốn giá nhà tăng quá mạnh vì sợ bong bóng gây bất ổn cho nền kinh tế, mặt khác cũng cần phải ngăn cản sự sụp đổ trên thị trường bất động sản có thể làm tê liệt nền kinh tế.
Kể từ cuối năm ngoái, một loạt các biện pháp nhằm hạn chế hoạt động mua nhà đã giúp làm chậm lại đà tăng giá nhà ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Tuy nhiên, những biện pháp đó cũng không làm thoái chí những người mua tiềm năng khi nhiều người lại ồ ạt đổ về các thành phố nhỏ hơn.
Trên cả nước, doanh số bán bất động sản trong quý II/2017 đã tăng 16% so với cách đây 1 năm, chủ yếu là nhờ sự sôi động ở các thành phố cỡ trung và nhỏ. Đầu tư bất động sản tiếp tục tăng tốc trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy các nhà phát triển bất động sản đã “hạ nhiệt” hoạt động đầu tư vào cuối quý II năm nay, khi dự đoán người mua sẽ chùn tay trước các quy định siết lại hoạt động mua nhà.
Mặt khác, việc giá bất động sản đang tăng lên đã khiến cho nhiều người tiêu dùng siết chặt hầu bao. Trong 6 tháng đầu năm, lương của những người dân sống ở đô thị tính trung bình đã tăng 6,5%, theo số liệu chính thức. Nhưng sức chi tiêu của họ lại chậm hơn, chỉ tăng 5,1%. Các chi phí liên quan đến bất động sản lại chiếm tỉ trọng lớn thứ hai trong chi tiêu, chỉ sau thực phẩm và đồ uống có cồn.
Thực tế này cho thấy giá nhà cao đang làm cho sức tiêu thụ yếu đi cũng như khiến cho người dân thường Trung Quốc càng cảm thấy bất an về nền kinh tế, theo các chuyên gia kinh tế và các chuyên gia về lao động. Một trong số đó là Wang Jun, một nhân viên bán ô tô 30 tuổi ở Quảng Châu. Hồi đầu năm nay Wang đã mua một căn nhà bằng cách vay thế chấp, vốn chiếm tới 75% thu nhập hằng tháng. “Giờ tôi phải tằn tiện mới được”, Wang nói.