|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kinh tế Nhật Bản tiếp tục trì trệ trong quý II/2016

10:47 | 15/08/2016
Chia sẻ
Quý II/2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản giảm mạnh so với 3 tháng đầu năm do xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng suy yếu.
tin nhap 20160815104441
Kinh tế Nhật Bản tiếp tục trì trệ trong quý II/2016

Ngày 15/8, Nội các Nhật Bản công bố báo cáo cho biết, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới chỉ tăng trưởng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II. Số liệu này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 2% của 3 tháng đầu năm nay.

So với quý trước trước, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản lại không đổi trong khi giới chuyên gia dự báo tăng 0,2%.

“Nói chung, kinh tế Nhật Bản đang tăng trưởng rất trì trệ. Chi tiêu tiêu dùng yếu ớt do lương bổng tăng ít. Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang phải đối mặt với rất nhiều bất ổn, từ đó kéo giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của Nhật Bản”, chuyên gia kinh tế cấp cao Norio Miyagawa tại công ty chứng khoán Mizuho nhận định.

Cụ thể, chi tiêu tiêu dùng của người dân Nhật Bản, đóng góp gần 60% vào GDP cả nước, chỉ tăng 0,2% trong quý II/2016, thấp hơn mức 0,7% ghi nhận được trong 3 tháng đầu năm nay.

Chi tiêu hay đầu tư vào tài sản cố định cũng giảm 0,4% trong cùng kỳ sau khi đã giảm 0,7% trong quý trước đó. Điều này chứng tỏ, các công ty Nhật Bản đang rất e ngại đầu tư trước những bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường nội địa gần đây.

Hơn nữa, tình trạng tăng trưởng trì trệ của kinh tế toàn cầu đã kéo xuất khẩu của Nhật Bản giảm 0,3% trong quý II/2016. Đây là quý đầu tiên trong vòng 1 năm qua, xuất khẩu Nhật Bảm suy giảm.

Như vậy trong quý II/2016, hoạt động chi tiêu xã hội và đầu tư vào bất động sản là hai yếu tố chính lèo lái kinh tế Nhật Bản, theo nhận định của chuyên gia kinh tế thị trường Mari Iwashita tại công ty chứng khoán SMBC Friend.

Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết, chính phủ đã tung ra gói kích thích khổng lồ trị giá 133 tỷ USD với hy vọng kinh tế Nhật Bản sẽ thoát khỏi thời kỳ trì trệ. Điều quan trọng bây giờ là phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu để giúp kinh tế tăng trưởng. Chính sách lãi suất âm của Ngân hàng trung ương Nhật Bản được cho là đang có tác động tích cực đến nền kinh tế, giúp hạ đường cong lãi suất và kéo giảm chi phí huy động vốn đối với doanh nghiệp.

Kim Dung