|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GDP quí I của Mỹ giảm 4,8% dù chỉ đóng cửa nền kinh tế trong hai tuần, dự báo quí II còn khó khăn hơn

01:08 | 30/04/2020
Chia sẻ
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí I của Mỹ giảm 4,8% mặc dù các lệnh phong tỏa mới chỉ được áp dụng trong hai tuần cuối tháng 3. Trong quí II khi các biện pháp phong tỏa kéo dài hơn, tác hại kinh tế được dự báo sẽ còn khủng khiếp hơn nữa.
GDP quí I của Mỹ giảm 4,8% dù chỉ đóng cửa nền kinh tế trong hai tuần, dự báo quí II còn thê thảm hơn - Ảnh 1.

Nhiều cửa hàng tại Mỹ phải đóng cửa vì COVID-19. Ảnh: AP.

Theo số liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố, GDP của Mỹ sụt giảm 4,8% trong quí I/2020, sâu hơn mức giảm 3,5% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.

Đây là lần đầu tiên GDP của Mỹ tăng trưởng âm kể từ lần suy giảm 1,1% trong quí I/2014. Đây cũng là mức sụt giảm sâu nhất kể từ lần giảm 8,4% trong quí IV/2008 giữa thời kì Đại Suy thoái.

GDP quí I của Mỹ giảm 4,8% dù chỉ đóng cửa nền kinh tế trong hai tuần, dự báo quí II còn thê thảm hơn - Ảnh 2.

Trong khoảng 2,5 tháng đầu năm, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ vững chắc, thậm chí có thể nói là khá nhanh. Nhưng đang vui thì đứt dây đàn, trong hai tuần cuối tháng 3, hầu hết các quán bar, nhà hàng, cửa hiệu bán lẻ đều phải đóng cửa để ngăn đại dịch COVID-19 lây lan.

Hàng trăm triệu người dân Mỹ được yêu cầu ở yên trong nhà, kéo theo đó là hàng chục triệu người bỗng dưng mất việc. Trong 5 tuần gần đây đã có 26,5 triệu người lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ.

Do không có thu nhập, chi tiêu của người dân lao dốc. Hoạt động tiêu dùng – đóng góp khoảng 70% GDP Mỹ - sụt giảm 7,6% trong quí I, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1980 trở lại đây.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, sự đi xuống của GDP quí I "có một phần nguyên nhân là các biện pháp ứng phó ngăn COVID-19 lây lan khi chính quyền các cấp ra lệnh cho người dân ở trong nhà. Điều này dẫn tới thay đổi lớn trong nhu cầu do doanh nghiệp và trường học chuyển sang vận hành từ xa hoặc dừng hoạt động. Người tiêu dùng dừng hẳn hoặc hạn chế hoặc chuyển hướng dòng tiền chi tiêu".

Xuất khẩu quí I giảm 8,7% trong khi nhập khẩu lao dốc 15,3%. Tiêu dùng hàng hóa giảm 1,3% còn tiêu dùng dịch vụ sụt 10,2%.

Theo CNBC, các số liệu kinh tế quí I là rất tiêu cực mặc dù nước Mỹ mới chỉ đóng cửa trong vòng hai tuần. Trong quí II, tình hình nhiều khả năng sẽ còn thê thảm hơn rất nhiều vì nền kinh tế đã đóng cửa trong cả 4 tuần của tháng 4.

Dù các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ thì cũng phải mất một thời gian dài hoạt động kinh tế mới được nối lại. Quí II nhiều khả năng sẽ là quí suy giảm GDP mạnh nhất của Mỹ kể từ cuối chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây, theo CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 29/4 dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi số liệu GDP tiêu cực. Thay vào đó, các nhà đầu tư tập trung vào những tín hiệu lạc quan về loại thuốc Remdesivir của hãng dược Gilead có triển vọng chữa trị COVID-19. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 500 điểm.

Bà Katie Nixon, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Northern Trust Wealth Management nhận định: "Thị trường không còn chú ý nhiều đến số liệu GDP quí I nữa. Chúng ta đều biết là tình hình rất xấu. Quí I âm bao nhiêu cũng không quan trọng vì chắc chắn quí II sẽ còn thê thảm hơn nhiều".

Ông Ben Herzon - Chuyên gia kinh tế IHS Markit kì vọng nền kinh tế Mỹ sẽ ổn định phần nào trong quí III và bắt đầu hồi phục trong quí IV, tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới triển vọng này. Kể từ khi COVID-19 lan rộng, hoạt động đi lại bằng đường hàng không, ăn uống tại nhà hàng … đã gần như biến mất hoàn toàn.

"Nền kinh tế hồi phục khi nào và nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc tình hình lây nhiễm được kiểm soát tốt đến đâu và doanh nghiệp và người tiêu dùng có cảm thấy tự tin để bắt đầu chi tiêu hay không", ông Herzon nói.

Đức Quyền

TS. Cấn Văn Lực: Để ngân hàng bán vàng trực tiếp, giá sẽ lập tức giảm nhưng chỉ là biện pháp trước mắt
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc bán vàng qua nhóm ngân hàng Big 4 chỉ là biện pháp trước mắt nhằm tăng nguồn cung trên thị trường khiến giá giảm ngay. Nhưng về lâu dài cần đảm bảo thị trường vàng minh bạch và ngăn chặn thao túng giá, xoá bỏ độc quyền có thể xử lý dứt điểm được câu chuyện chênh lệch giá.