Kinh doanh nhạc số nhờ dữ liệu lớn
Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến số 1 thế giới Spotify sắp IPO, định giá trên 23 tỷ USD |
Spotify, ứng dụng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới về số lượng người dùng vừa chính thức có mặt tại Việt Nam kể từ 13.03.2018 - Ảnh: Spotify Việt Nam |
Chưa đầy 24 giờ sau khi có mặt tại Việt Nam, Spotify - ứng dụng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới đã vươn lên đứng ở thứ tư về số lượt tải về từ kho ứng dụng App Store của Apple.
Spotify sẽ cung cấp hai lựa chọn miễn phí và tính phí (Spotify Premium) cho người dùng. Mức thu phí áp dụng tại thị trường Việt Nam với dịch vụ premium là 59 ngàn đồng/tháng.
Nếu sử dụng miễn phí, người nghe sẽ phải chấp nhận một vài bất tiện so với bản premium như chấp nhận việc nghe nhạc bị gián đoạn bởi quảng cáo, chất lượng stream sẽ thấp hơn, không thể tải xuống để nghe offline (chỉ trong ứng dụng của Spotify).
Dù sử dụng bản miễn phí hay thu phí, thì người dùng Spotify vẫn phải đăng nhập để có thể trải nghiệm kho nhạc 35 triệu bài hát trên Spotify.
Bắt buộc đăng nhập trước khi nghe nhạc là điều hiếm thấy, thậm chí hơi “nguyên tắc” của Spotify so với phần còn lại của thị trường Việt Nam, vốn đã quen với việc cho phép nghe nhạc miễn phí không cần đăng nhập. Spotify vẫn đang ứng dụng dữ liệu lớn để nâng cao hiệu quả xuất hiện của các quảng cáo - nhiều khả năng sẽ trở thành nguồn thu chủ yếu của công ty tại một thị trường vốn chưa quen với việc phải trả tiền để nghe nhạc. Quảng cáo là một trong hai nguồn thu chủ yếu trong kinh doanh nhạc trực tuyến, bên cạnh phí sử dụng dịch vụ mà người dùng chi trả hàng tháng.
Song song với việc cung cấp dịch vụ nhạc trực tuyến, Spotify cũng tiến hành thu thập dữ liệu từ người nghe, bằng cách chọn nhạc theo trạng thái, theo từng thời điểm, địa điểm. Dựa vào độ tuổi, giới tính, tâm trạng mà Spotify sẽ phân tích và đưa gợi ý, đề xuất về những bài hát, danh sách nhạc (playlist) phù hợp cho người dùng, đều đặn hàng ngày, hàng tuần.
“Sự khác biệt của chúng tôi là nhấn mạnh vào tính cá nhân”, bà Sunita Kaur, giám đốc điều hành khu vực châu Á của Spotify chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt tại thị trường Việt Nam ngày 13.03.2018. Mỗi playlist mà người dùng tạo ra thể hiện nhu cầu và tính cách riêng của từng cá nhân. “Nhạc khi tập yoga sẽ khác với nhạc khi chạy bộ”, bà Joanna Wong, Trưởng bộ phận tiếp thị Doanh nghiệp tại khu vực châu Á của Spotify giải thích thêm.
Bà Sunita Kaur, giám đốc điều hành khu vực châu Á của Spotify - Ảnh: Bích Dâng/Forbes Việt Nam |
Không đơn giản chỉ là dịch vụ cung cấp nền tảng âm nhạc trực tuyến, những dữ liệu mà công ty công nghệ này thu thập qua thói quen nghe nhạc của mỗi người dùng còn là bộ dữ liệu lớn, được sử dụng để cung cấp cho các đối tác của Spotify là các nhà quảng cáo. “Âm nhạc chính là chiếc gương phản chiếu rõ nét tâm trạng. Do đó, âm nhạc cũng là công cụ tiềm năng cung cấp dữ liệu cho các nhà quảng cáo trong tương lai”, bà Joanna Wong nhấn mạnh.
Spotify áp dụng ba hình thức quảng cáo bao gồm âm thanh, hình ảnh và video, tùy vào hình thức nghe nhạc của người sử dụng.
Theo nghiên cứu thị trường của Spotify, một nửa dân số thế giới nghe nhạc trực tuyến. Hiện Spotify có khoảng 100 tỉ các đầu dữ liệu mỗi ngày, 71 triệu tài khoản trả phí trong 159 triệu người sử dụng trên 65 nước. Mỗi ngày, phần mềm này tích hợp thêm hơn 30 nghìn bài hát, với hai triệu playlist. Đến nay, công ty này có hơn hai tỉ playlist có sẵn do cộng đồng Spotify tạo nên.
Thói quen nghe nhạc miễn phí của Việt Nam cũng là một mỏ vàng cho các nhà khai thác quảng cáo trực tuyến. Theo nghiên cứu của Spotify, doanh thu của ngành quảng cáo trực tuyến toàn cầu hiện đạt 1,5 tỉ đô Mỹ được kì vọng sẽ đạt bảy tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Bà Joanna cũng cho biết, hiện công ty này đã cung cấp nền tảng quảng cáo trực tuyến cho hơn 3.500 thương hiệu trên toàn thế giới, trong đó bao gồm một số công ty như Unilever, General Motor, Canon, KFC, Intel,...
Người dùng Spotify phải cung cấp thông tin cơ bản như email, giới tính để đăng kí tài khoản. Quảng cáo sẽ được chèn vào những tài khoản của người nghe nhạc miễn phí. Người dùng Spotify có thể lựa chọn hình thức trả phí để nghe nhạc, tải nhạc mà không bị làm phiền bởi quảng cáo.
Spotify ra đời với mục đích chống nạn sử dụng nhạc không bản quyền, bà Sunita nhấn mạnh. Tại Việt Nam, Spotify không làm việc trực tiếp với nhà sản xuất, ca sĩ mà làm việc với những nhà cung cấp bản quyền. Kể từ khi ra mắt hồi năm 2008 cho đến nay, Spotify đã chi trả khoảng tám tỉ Euro cho các bên sở hữu tác quyền. Trước khi vào Việt Nam, Spotify dành ra khoảng sáu tháng cùng với các chuyên gia biên tập nhạc để tìm hiểu thị trường Việt Nam. Năm 2013, Spotify đến Singapore, chính thức thâm nhập thị trường Đông Nam Á, sau đó phát triển sang những nước khác trong khu vực như Indonesia và Thái Lan.
Ông Jim Butcher, giám đốc truyền thông khu vực châu Á của Spotify cho biết, mặc dù Spotify chưa có đánh giá chính xác về quy mô thị trường âm nhạc trực tuyến tại Việt Nam nhưng những chỉ số cơ bản về kinh tế, xã hội như cơ cấu dân số, số lượng điện thoại di động thông minh được sử dụng, cũng như hạ tầng internet là điều thúc đẩy Spotify lựa chọn thời điểm hiện tại để thâm nhập vào thị trường này.
Việc trả tiền cho một tháng sử dụng Spotify tương đương với một ly cà phê Starbucks tại Việt Nam, ông Jim Butcher đưa ra so sánh. Người Việt cũng đã có thói quen trả tiền cho các dịch vụ như internet, tivi, thì cũng sẽ sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ nghe nhạc trong thời gian tới.
Các nhà cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến miễn phí lớn tại Việt Nam phải kể đến như nhaccuatui.com của công ty NCT và Zing MP3 do công ty VNG quản lý. Ngoài ra còn có khoảng mười trang nhạc khác đang hoạt động như keeng.vn của Viettel, nhac.vn, sannhac.com... Hồi tháng 10.2016, FPT phải tạm ngừng cung cấp dịch vụ nhacso.net sau 11 năm hoạt động. Trước Spotify, Apple Music cũng đã đến Việt Nam hồi năm 2015. Những đối thủ lớn của Spotify trên thế giới gồm có Amazon Echo, Google Home, Apple Music (iTunes) và YouTube.