|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Không rẻ, nhưng chưa đắt

10:44 | 24/11/2017
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mà đại diện là chỉ số VN-Index đã đi qua gần hết năm 2017 với kết quả rất khả quan nếu nhìn về mặt điểm số. Mức tăng hơn 38% của VN-Index là rất ấn tượng, và sẽ càng ấn tượng hơn khi so sánh với thị trường các quốc gia khác trong khu vực.
khong re nhung chua dat
TTCK Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng so với các nước trong khu vực.

Dù có thể còn đâu đó nhiều lời “than phiền” của nhà đầu tư về khả năng sinh lời “thật sự” của tài khoản trong năm 2017, cần nhìn nhận rõ ràng 2017 là một năm thành công của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chính kết quả tăng lên mạnh mẽ ấy lại đưa đến một vấn đề quan ngại rằng liệu TTCK Việt Nam đang trở nên đắt hơn và dần mất đi sức hấp dẫn hay đang ẩn chứa một rủi ro ở mức cao hơn?

Những lo ngại này sẽ thêm phần “có lý” nếu nhìn thêm vào so sánh mức PE hiện nay của các thị trường trong bảng dưới đây.

khong re nhung chua dat

Rõ ràng khi mức tăng của điểm số vượt gấp đôi mức trung bình của khu vực và mức PE của thị trường bắt đầu cao hơn mức trung bình (18 so với mức trung bình là 17,1), sẽ rất dễ đưa đến một nhận xét TTCK Việt Nam đã tăng nóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro, hay nói một cách dễ hiểu hơn là “đắt”.

Dưới góc nhìn rất chủ quan (và chắc chắn có thể có nhiều thiếu sót) của người viết, tôi cho rằng dù khá khó khăn để cố gắng bảo vệ quan điểm TTCK Việt Nam “rẻ” – điều mà chúng ta đã nói về thị trường suốt từ giai đoạn 2012 đến nay, sẽ chưa thật sự công bằng khi nói rằng mức hiện tại của thị trường là đắt. Cá nhân tôi cho rằng TTCK Việt Nam hiện vẫn được định giá “phải chăng” và đi kèm với đó là những “câu chuyện” có phần khác biệt hơn (theo hướng tích cực) đáng kể so với phần còn lại của khu vực.

Chính điều này khiến tôi đánh giá rằng cơ hội để đầu tư sinh lời trên TTCK Việt Nam trong năm 2018 vẫn còn rất lớn, nếu không muốn nói đây sẽ tiếp tục là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất trong nền kinh tế. Dù vậy, “cuộc chơi” này sẽ ngày càng có độ khó cao hơn và “phần bánh” sẽ có thể không được chia đều cho số đông. Có ba luận điểm chính khiến tôi đi đến đánh giá này:

Hãy thử loại bỏ một số thành phần “ngoại lệ”

Lẽ dĩ nhiên, bất kỳ thị trường chứng khoán nào cũng tồn tại những mã cổ phiếu mang tính chất “cá biệt” và biến động của những cổ phiếu này phần nào “bóp méo” diễn biến thật sự của thị trường. Dù vậy tại Việt Nam, điều này sẽ tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Điều này xuất phát từ thực tế là quy mô của thị trường, xét về cả về số lượng và chất lượng các công ty niêm yết tại Việt Nam dù đã có cải thiện rất đáng kể thời gian qua, vẫn còn cách xa mức trung bình của khu vực.

Chỉ cần nhìn vào danh sách top 10 cổ phiếu vốn hóa cao nhất tại HSX trong năm 2016 và 2017, chúng ta sẽ thấy rõ sự thay đổi là lớn đến mức nào. Ba “ngoại lệ” đáng kể nhất mà chúng tôi muốn nói đến là SAB, VIC và ROS. Khoan bàn đến yếu tố cơ bản, với mức tăng lần lượt là 56%, 85% và 76%, ba cổ phiếu nằm trong top 10 vốn hóa tại HSX đã tác động rất lớn đến mức tăng chung toàn thị trường. Cụ thể, bộ ba này theo tính toán của chúng tôi đã đóng góp đến hơn 11% trong mức tăng tổng 38% của VN-Index. Nói cách khác, nếu loại bỏ phần tăng điểm từ bộ ba này thì kết quả tăng của VN-Index vào khoảng 26%, vẫn cao nhưng không còn quá cá biệt với phần còn lại của khu vực.

Thêm vào đó, PE lũy kế tính đến hiện tại của ROS, VIC và SAB theo số liệu của Bloomberg đang ở mức 178, 103 và 45. Chưa kể, nếu tính thêm “tân binh” VRE cũng có mức PE rất khác thường 78 lần thì mức độ chi phối vào PE toàn thị trường là rất đáng kể. Nếu loại bỏ ảnh hưởng từ bốn cổ phiếu này thì mức PE tại HSX sẽ rơi về khoảng 15 lần, trở lại thấp hơn mức trung bình của khu vực (khoảng 17 lần).

Có “đặc sản” mà các nước khác không có vào lúc này

Không những chỉ có một, TTCK Việt Nam đang có “hai câu chuyện” mà các TTCK khác trong khu vực không có (hoặc chưa có). Đó là câu chuyện về thoái vốn nhà nước và câu chuyện nâng hạng thị trường.

Với câu chuyện thoái vốn nhà nước, 2017 là năm chúng ta được kiểm chứng mức độ “quyết liệt” của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại hầu hết các cổ phiếu được nhà đầu tư trong và ngoài nước trông đợi. Mức độ thành công rực rỡ trong lần đấu giá vốn lần thứ hai của VNM vừa qua là một dẫn chứng sinh động cho việc nhà đầu tư nước ngoài quan tâm ra sao đến câu chuyện này.

Sau VNM, câu chuyện thoái vốn nhà nước sẽ vẫn còn “nóng hổi” với hàng loạt cái tên đã được nói đến như VCG, FPT, BMP, NTP, DMC… hay gần hơn nữa là SAB. Cơ hội được tham gia vào những doanh nghiệp đang nắm giữ vị thế quan trọng trong một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh và dân số trẻ như Việt Nam là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất khó có thể tìm kiếm được ở nơi nào khác trong một vài năm tới đây.

Câu chuyện về nâng hạng thị trường cũng là một điểm nhất rất riêng của Việt Nam. Trong chia sẻ gần đây nhất của MSCI tại diễn đàn “Gateway to Vietnam 2017”, đại diện của tổ chức này đã đề cập chi tiết về khả năng thăng hạng của TTCK Việt Nam trong giai đoạn tới. Dù vẫn sẽ còn một quãng đường dài với nhiều việc cần làm, tâm lý kỳ vọng vào kết quả thăng hạng thị trường là điều rõ ràng. Cũng cần nói thêm, các nhà đầu tư nước ngoài thường sẽ “đi trước một bước” trong việc đón đầu về khả năng thăng hạng của TTCK Việt Nam. Và chính các cải cách, thay đổi nhằm đáp ứng mục tiêu thăng hạng cũng sẽ tạo ra những cơ hội và động lực “rất riêng” của TTCK Việt Nam, điều khó có thể tìm thấy ở các thị trường khác vào lúc này.

Con số mua ròng (tính riêng tại HSX) của nhóm nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại TTCK Việt Nam là gần 1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017 (tính đến hiện tại), một “kỷ lục” thật sự và là câu trả lời rõ ràng nhất về mức độ quan tâm dành cho những câu chuyện “rất riêng” của TTCK Việt Nam vào lúc này.

Sự ủng hộ từ chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Kết quả tăng mạnh của GDP trong quí 3-2017 (+7,46%) thật sự ngoạn ngục và là một dẫn chứng rõ nét cho việc chính phủ đang dồn nhiều nỗ lực cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2017 (đồng nghĩa việc GDP quí 4 phải tăng ít nhất 7,3%) và đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 2018 từ 6,5-6,7% là những dấu hiệu tiếp theo về việc ưu tiên lựa chọn mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong trọng tâm chính sách của chính phủ.

Trong bối cảnh lạm phát vẫn đang được duy trì ở mức thấp, dư địa chính sách cho Chính phủ trong việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng là khả thi. Trong một bối cảnh như vậy, TTCK dù ở chiều trực tiếp hay gián tiếp đều sẽ có cơ hội hưởng lợi từ điều này.

(*) Phòng Phân tích, Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyễn Thanh Lâm