Không 'làm ngơ' với tiền ảo
Tiền ảo BitCoin vẫn chưa được công nhận tại Việt Nam. Ảnh: CoinDesk |
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo… Theo đó, các bộ ngành sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản, khung pháp lý hiện tại để sửa đổi, xây dựng quy định pháp luật về quản lý với những loại hình này.
Vì sao tiền ảo hấp dẫn?
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết với những loại như Bitcoin, ông không cho đó là ‘tiền ảo’, mà muốn gọi là tiền điện tử vì nó được hình thành từ kỹ thuật số. Đồng tiền này trên thực tế đã có giá trị rồi, chứ không phải là ‘ảo’ nữa.
Vị chuyên gia cho biết, giá trị một đồng Bitcoin hiện tại lên tới trên 4.000 USD từ mức khởi đầu dưới 1 USD khoảng chục năm trước và trong tương lai có thể giá trị này sẽ còn tăng lên nữa. Thực tế, nhiều nơi đã giao dịch bằng loại tiền này.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, lý do đồng Bitcoin không ngừng tăng giá và thu hút được nhiều người tham gia đầu tư vì nó mang tính đầu cơ cao và ngày càng khan hiếm. Đồng USD trong cả năm vừa rồi, giá trị không có nhiều thay đổi trong khi đồng Bitcoin đã tăng đến cả chục % và từ những năm khởi đầu đến nay đã tăng đến mấy trăm %.
Tính chất khan hiếm do việc đào được một đồng Bitcoin không phải là chuyện dễ, phải qua các công thức, thuật toán rất phức tạp và có những máy điện toán mạnh để đào được tiền, “thành ra nguồn cung của nó hạn hẹp và trong khi mức cầu càng tăng, đẩy giá trị mỗi Bitcoin lên tới hàng nghìn USD”.
Cách đây 3 năm, ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước ra thông cáo không chấp nhận đồng Bitcoin như một phương tiện thanh toán quốc gia, nhưng không cấm việc trao đổi, giao dịch và cũng không đưa ra những quy định cụ thể về loại tiền này.
“Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, khi giá trị của Bitcoin càng ngày càng tăng, cùng với sự tăng lên của số người chơi, chúng ta không thể nào tiếp tục ‘làm ngơ’ mà phải có biện pháp quản lý”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa quan điểm.
Nên bắt đầu với Bitcoin
Bitcoin là loại tiền điện tử phổ biến nhất hiện nay, tồn tại dưới dạng tiền kỹ thuật số (tiền điện tử), không được phát hành bởi các chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng. Bitcoin bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox vào tháng 6/2010, đến năm 2013, Bitcoin được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư. Giá trị thị trường của Bitcoin ở mức trên 10 tỷ USD (tháng 6/2016), lớn hơn tất cả các loại tiền điện tử khác cộng lại. |
Đối với tiền ảo, tài sản ảo, vị chuyên gia đưa ra hai hướng để thực hiện: Thứ nhất là cấm, coi đây là một loại tiền mang tính lừa đảo, và thứ hai là chấp nhận và coi nó là một sản phẩm, một loại “hàng hoá”.
“Nếu sử dụng biện pháp cấm thì dĩ nhiên những người chơi sẽ được coi là vi phạm pháp luật, như vậy trên danh nghĩa chúng ta có thể kiểm soát được sự bành trướng của nó, nhất là không cho phép đồng tiền này được sử dụng như một công cụ phục vụ cho các hành vi phi pháp, tham nhũng và rửa tiền”, ông Hiếu phân tích.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu cấm đoán thì các giao dịch này thay vì công khai sẽ đi vào hệ thông ngầm, khi đó lại càng khó khăn hơn trong việc quản lý, vì tiền điện tử không có hình thái như đồng tiền thông thường mà chỉ tồn tại trên hệ thống máy tính.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Tuy tiền điện tử mang tính chất giao dịch như tiền nhưng không thể chấp nhận là phương tiện thanh toán như tiền hợp pháp trong quốc gia được. Vì thế, tôi nghiêng về hướng chấp nhận nó như một sản phẩm trừu tượng”.
Để làm rõ hơn bản chất của Bitcoin-loại tiền điện tử phổ biến nhất hiện nay, ông lấy ví dụ như khi một người muốn vào sòng bạc để chơi, theo quy định người đó không được dùng đồng tiền giao dịch bên ngoài mà phải đổi ra các chip. Khi dùng vật thay thế này để đánh bạc, những người cùng chơi chấp nhận con chip đó, khi rời khỏi sòng bạc đổi chip sang tiền tệ và mang về.
“Đồng Bitcoin có thể được chấp nhận như một loại hàng hóa, nhưng lại mang tính chất tiền tệ tương tự như vậy. Tức là, không cho phép Bitcoin được thanh toán để mua hàng hóa, nhưng có thể chấp nhận việc những người chơi bitcoin với nhau giao dịch, trao đổi và chỉ có giá trị trong phạm vi đó thôi”.
Để làm được điều này, Việt Nam phải xây dựng những quy định để cho phép những sàn giao dịch tiền điện tử ra đời, có thể tham khảo kinh nghiệm của những sàn giao dịch ở Trung Quốc và Nhật Bản khi họ cho những công ty giao dịch trên sàn với yêu cầu công ty đó phải đăng ký, phải có vốn tự có, chứng minh được khả năng tài chính và từ đó, nắm bắt, quản lý được tất cả những giao dịch qua những công ty này.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bước đầu nên hạn chế việc chấp nhận tất cả các loại tiền điện tử, kể cả khi xem xét chúng như hàng hoá. Thay vào đó, nên tập trung xây dựng quy chế, chế tài quản lý cho loại một loại phổ biến và có sức ảnh hưởng nhất như Bitcoin. Sau một thời gian thử nghiệm sẽ tiếp tục xem xét sự phát triển của nó như thế nào để có thể chấp nhận những đồng tiền khác.