|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Không có 'đường cao tốc' để Ukraine gia nhập EU: Những nước nào phản đối?

07:24 | 14/03/2022
Chia sẻ
Sau khi gửi Tổng thống Zelensky gửi đơn xin gia nhập EU, 8 nước thành viên đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ trong khi đó, nhiều nước tỏ ra không tán thành việc đưa Ukraine vào EU bằng "đường cao tốc".

Ngày 28/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chính thức gửi đơn xin gia nhập EU. Ngày 1/3, ông Zelensky nhắc lại lời kêu gọi gia nhập EU tới Nghị viện Châu Âu trong một bài phát biểu tại thủ đô Kiev.

Tổng thống Zelensky yêu cầu EU “chứng minh rằng tổ chức này đang đồng hành với Ukraine”.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đã tán thành tư cách thành viên của Ukraine và một số nước thành viên EU kêu gọi ngay lập tức đưa Ukraine trở thành ứng cử viên cho tư cách thành viên.

Chứng kiến phản ứng tích cực từ EU, hai nước Georgia và Moldova cũng chính thức xin gia nhập.

Tuy nhiên, sự đồng thuận và giới thiệu của một vài quốc gia là chưa đủ để Ukraine làm thành viên EU. Tình hình nhạy cảm tại Ukraine cùng với những tiêu chuẩn và quy định khắt khe cho các nước thành viên EU là rào cản lớn nhất cản bước Kiev.

Một số quốc gia ở Đông Âu thuộc EU lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ, nhưng những đất nước giàu mạnh và có tầm ảnh hưởng nhất EU lại do dự.

Những người ủng hộ

Lãnh đạo của Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Slovakia và Slovenia đã gửi một lá thư mở vào ngày 28/2 kêu gọi EU chấp nhận tư cách thành viên của Ukraine ngay lập tức.

Không có "đường cao tốc" để Ukraine gia nhập EU - Ảnh 1.

Các nước ủng hộ Ukraine (màu xanh lá cây) đều thuộc khu vực Đông Âu và có biên giới gần với Nga hoặc Ukraine. (Ảnh: Minh Quang).

Bức thư có viết “Chúng tôi kêu gọi các thành viên EU củng cố sự ủng hộ cao nhất cho Ukraine và cho phép các tổ chức của EU tiến hành các bước cần thiết để ngay lập tức cấp cho Ukraine tư cách ứng cử viên và tiến hành quá trình thương lượng”.

Thủ tướng Slovenia Janez Jansa nói: “Nhiều người cho rằng Ukraine đang chiến đấu vì mạng sống và (xứng đáng) nhận được một thông điệp chính trị mạnh mẽ ... và những người khác thì vẫn đang tranh luận về các thủ tục".

Vào ngày 1/3, Ngoại trưởng Péter Szijjártó tuyên bố Hungary cũng sẽ hỗ trợ việc đẩy nhanh quá trình gia nhập EU của Ukraine.

Cùng ngày tại Nghị viện châu Âu đã khuyến nghị Ukraine trở thành "ứng cử viên" chính thức cho tư cách thành viên EU.

Thủ tướng Lithuania Gitanas Nauseda miêu tả kết quả cuộc thảo luận như một bước đột phá quan trọng. Ông viết: “Một đêm lịch sử tại Versailles. Sau 5 giờ đồng hồ tranh luận sôi nổi, các lãnh đạo EU đã đồng ý quá trinh gia nhập của Ukraine”.

Vẫn còn nhiều do dự

Mặc dù “tư cách ứng cử viên” của Ukraine có thể nhanh chóng được EU thông qua như một động thái chính trị, việc Ukraine chính thức gia nhập Liên minh Châu Âu sẽ là một bước đường dài và nhiều khó khăn.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói với phóng viên rằng trong ngắn hạn không có khả năng cho Ukraine trở thành thành viên của EU. Ông nói: “Tất cả các quốc gia Tây Âu mà tôi đã nói chuyện đều nói rằng không nên đẩy nhanh quy trình gia nhập”.

“Điều quan trọng là Ukraine đã yêu cầu được trở thành một thành viên của EU. Và không có ‘đường cao tốc’ để gia nhập EU”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz gợi ý rằng EU chưa sẵn sàng để mở rộng bởi những quyết định của Liên minh này bắt nguồn từ sự nhất trí của 100% các nước thành viên.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông muốn "gửi một tín hiệu mạnh mẽ trong thời kỳ này tới Ukraine và người Ukraine" về tình đoàn kết nhưng cũng nhấn mạnh rằng "đồng thời, chúng ta phải cảnh giác".

Ông Macron không tin rằng có thể "mở một thủ tục gia nhập EU với một đất nước đang có chiến tranh ”.

“Nếu chúng ta đóng cửa và nói không bao giờ thì thật là không công bằng,” Tổng thống Pháp nói.

Không có "đường cao tốc"

Kể các nếu các nước EU cùng nhất trí cho Ukraine gia nhập EU bằng ‘đường cao tốc’, vẫn có hai rào cản chính trị vô cùng lớn trước mặt Kiev.

Đầu tiên, việc đẩy nhanh sự gia nhập của Ukraine sẽ vi phạm tới chính sách lâu đời của Liên minh Châu Âu về việc yêu cầu các quốc gia ứng cử viên triển khai hệ thống luật pháp tương tự như EU đầy đủ trước khi gia nhập.

Liên minh Châu Âu có lợi thế khi thương lượng với các quốc gia về tư cách thành viên. Tuy nhiên, sau khi một quốc gia trở thành thành viên chính thức, việc EU yêu cầu nước đó thực thi luật pháp của EU sẽ trở nên khó khăn hơn.

Hiện tại, Liên minh Châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng pháp lý vì Ba Lan và Hungary. Những quốc gia này đã công khai vi phạm các quy định của EU. Nhiều thành viên trong Liên minh Châu Âu lo ngại việc kết nạp Ukraine quá sớm khi nước này chưa chứng tỏ khả năng tuân thủ theo quy đinh của EU sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các nước “ứng viên” tiếp theo.

Thứ hai, việc Ukraine gia nhập sẽ ngay lập tức kích hoạt hiệp ước quốc phòng của EU.

Giống như NATO, EU có một hiệp ước quốc phòng. Điều 42 (7) của Hiệp ước về Liên minh châu Âu có nét tương tự Điều 5 của Hiến chương NATO. Nếu Ukraine trở thành thành viên chính thức, Liên minh châu Âu sẽ phải cam kết bằng luật pháp thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ Ukraine.

Điều khoản này làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện giữa NATO và Nga, vì các nước thành viên Liên minh Châu Âu cũng nằm trong NATO.

Để ngăn chặn một cuộc chiến với Nga, EU sẽ buộc phải loại Ukraine khỏi hiệp ước quốc phòng. Tuy nhiên, hiệp ước quốc phòng lại là mục tiêu chính mà Kiev muốn khi đòi tham gia EU nhanh như vậy.

Không có "đường cao tốc" để Ukraine gia nhập EU - Ảnh 2.

So sánh GDP bình quân đầu người của Ukraine với trung bình EU và Bulgaria. Bulgaria đã gia nhập EU năm 2007 và hiện là nước có GDP đầu người thấp nhất EU.

Thứ ba, so với các nước trong EU, mức độ phát triển của Ukraine khá thấp. GDP đầu người của Ukraine chỉ đạt khoảng 3.800 USD vào năm 2020, trong khi đó mức trung bình của EU là khoảng 34.000 USD. Các chỉ số về tham nhũng, phát triển con người, giáo dục … của Ukraine đều tụt hậu nếu so sánh với đa số các nước thành viên EU.

Việc chấp nhận Ukraine vào EU quá nhanh sẽ tạo thêm gánh nặng cho các nước thành viên nắm vai trò đầu tàu kinh tế, đặc biệt là Đức và Pháp. Hai nước trên cũng là những quốc gia lên tiếng phản đối việc kết nạp Ukraine bằng “đường cao tốc”

Ukraine mãi là “ứng cử viên”

Vì những lý do trên, EU khó có thể ngay lập tức kết nạp Ukraine trở thành thành viên chính thức.

Điều có khả năng xảy ra hơn là Liên minh Châu Âu sẽ cấp cho Ukraine tư cách ứng cử viên, tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Macedonia, Montenegro, Albania và Serbia. 

Trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đã là ứng cử viên của EU từ năm 1987, và sau hơn 30 năm vẫn chưa thể trở thành thành viên chính thức. Nếu bây giờ EU kết nạp ngay Ukraine thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cảm thấy không công bằng.

Liên minh Châu Âu có thể kéo dài quá trình thương lượng sau khi đã chấp nhận tư cách ứng cử viên của Ukraine. Việc chấp nhận Ukraine là ứng viên giúp gửi thông điệp tới Nga rằng EU có cam kết lâu dài, mạnh mẽ với Ukraine, nhưng cũng không khiêu khích Moscow hay kéo cả châu Âu hoặc NATO vào một cuộc chiến tranh mới.

Minh Quang