|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại tiếp đà bán ròng gần 470 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 7, tâm điểm hai mã ngân hàng

08:45 | 01/08/2023
Chia sẻ
Trong tháng 7, NĐT nước ngoài bán ròng mạnh nhất cổ phiếu STB của Sacombank với quy mô 905,7 tỷ đồng. Theo sau đó, mã EIB cũng bị rút ròng 804,1 tỷ đồng.

VN-Index tăng 102,72 điểm tương đương 9,17% trong tháng 7 kết thúc tháng ở mức 1.222,9 điểm, thanh khoản trung bình mỗi phiên đạt 18.361 tỷ đồng, tăng 8% so với tháng trước, và tăng 53,2% so với 5 tháng trước. 

Dòng tiền tăng vào cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 và VNMidcap, trong khi giảm ở nhóm VNSmallcap. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm vốn hóa vừa vẫn lớn nhất.

Theo thống kê của FiinTrade, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm bất động sản, thực phẩm và đồ uống, bán lẻ, song giảm ở nhóm chứng khoán, tài nguyên cơ bản, hàng và dịch vụ công nghiệp.

Cổ phiếu bán lẻ, công nghệ thông tin, hóa chất tăng mạnh nhất trong tháng 7/2023 trong khi 18/19 nhóm ngành cấp 2 tăng điểm. Nhóm ô tô và phụ tùng là nhóm giảm điểm duy nhất trong tháng 7.

Giao dịch khối ngoại tháng qua trên sàn HOSE 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trong tháng 7, khối ngoại bán ròng 467 tỷ đồng trên HOSE, tuy nhiên tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng 405 tỷ đồng.

Thống kê chi tiết theo từng mã chứng khoán, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 895,6 tỷ đồng trong tháng 7. Theo quan sát, cổ phiếu HPG được vẫn dòng tiền ngoại ưu tiên giải ngân trong thời gian gần đây.

Đây là điều khá bất ngờ khi cổ phiếu này từng bị khối ngoại bán ròng liên tiếp trong thời gian dài trước đó. Động thái mua ròng trở lại của NĐT nước ngoài giúp HPG từng bước hồi phục từ vùng đáy dài hạn, đóng cửa phiên 31/7 tại mốc 28.200 đồng/cp, đánh dấu mức cao nhất trong vòng một năm qua.

Về tình hình kinh doanh, Hoà Phát vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với doanh thu 29.800 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 1.448 tỷ đồng, giảm 64% so với quý II năm ngoái và gấp 3,78 lần so với quý I/2023.

Đứng ở vị trí thứ hai trong Top10 là mã SSI của Chứng khoán SSI với quy mô 764,7 tỷ đồng.

Ở nhóm thực phẩm & đồ uống, cổ phiếu VNM và MSN cũng được dòng tiền ngoại giải ngân ròng lần lượt 506,8 tỷ và 160,6 tỷ đồng. Kế đó, dòng tiền ngoại còn tìm đến nhiều đại diện như MWG, KDH, VHC, HSG, GEX, KBC với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Ở phía đối diện, nước ngoài bán ròng mạnh nhất cổ phiếu STB của Sacombank với quy mô 905,7 tỷ đồng. Theo sau đó, mã EIB cũng bị rút ròng 804,1 tỷ đồng. Các đại diện còn lại trong danh mục bán ròng cũng gọi tên nhiều mã ngân hàng như MSB (393,7 tỷ đồng), VPB (326,7 tỷ đồng), CTG (317,5 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Giao dịch khối ngoại tháng qua trên sàn HNX

Giao dịch trái chiều, NĐT nước ngoài tiếp tục mua ròng gần 326 tỷ đồng trên sàn HNX trong tháng 6.

Trong đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu SHS của Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội với quy mô 368,8 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại cũng tích cực tìm đến các mã TNG (89,1 tỷ đồng), MBS (10,8 tỷ đồng), PVI (10 tỷ đồng), VNR (7,8 tỷ đồng), …

Ở chiều ngược lại, giao dịch rút ròng chủ yếu tập trung ở cổ phiếu PVS với quy mô 71,9 tỷ đồng. Những cổ phiếu kế đó lần lượt bị rút vốn là CEO (32,7 tỷ đồng), IDC (32,5 tỷ đồng), NVB (15,1 tỷ đồng), IVS (7,4 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Giao dịch khối ngoại tháng qua trên thị trường UPCoM

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 1.405 tỷ đồng.

Ở chiều mua ròng, cổ phiếu QTP của Nhiệt điện Quảng Ninh được NĐT nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 32,1 tỷ đồng. Các giao dịch giải ngân theo sau là BSR (17,6 tỷ đồng), LTG (12,7 tỷ đồng), VGT (11,5 tỷ dồng), MSH (8,4 tỷ đồng), …

Trong khi đó, cổ phiếu VNZ của Công ty Cổ phần VNG là tâm điểm bán ròng với gần 1.091,6 tỷ đồng. Đây là giao dịch bán thỏa thuận trong phiên 26/7 tại mức giá sàn của VNZ là 626.800 đồng/cổ phiếu.

Đơn vị bán ròng này nhiều khả năng là VNG Limited - đơn vị vừa đăng ký bán ra 3,48 triệu cổ phiếu VNZ thông qua thỏa thuận kể từ ngày 25/7 đến ngày 15/8.

Trước giao dịch, VNG Limited nắm giữ 17,56 triệu cổ phiếu VNZ, tương đương 61,12% cổ phiếu lưu hành của công ty. Nếu giao dịch thành công, tổ chức này sẽ hạ tỷ lệ xuống còn gần 49%, tương đương hơn 14 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh đó, QNS và VEA lần lượt bị rút ròng với giá trị 190,5 tỷ và 149,1 tỷ đồng. Những mã khác trên UPCoM bị bán ròng dưới 50 tỷ đồng gồm VTP, MCM, VGG, PGB, HU4, ACV, …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

 

Thu Thảo