Khởi nghiệp trong nông nghiệp: Cần thị trường trước khi có sản phẩm
Sáng nay tại TP.HCM, Sở NN&PTNT TP.HCM phối hợp Trung tâm nghiên cứ kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp trong nông nghiệp. Khán phòng chật kín vì thu hút hàng trăm bạn trẻ. Chủ đề và các câu hỏi đều xoay quanh khúc mắc, tìm thị trường cho sản phẩm.
Nguyễn Thị Hiếu, chủ trang trại nấm Linh chi Đất thép ( Củ Chi, TP.HCM), sau năm năm gắn bó với dự án vẫn đang chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm. Cô gái 33 tuổi, dáng người nhỏ nhắn không kìm được nước mắt khi kể về câu chuyện khởi nghiệp của bản thân. Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin và có 4 năm làm trong lĩnh vực này khiến chị bị thoát vị đĩa đệm cột sống. Một chân liệt và không thể di chuyển. Uống đủ loại thuốc, đến một ngày Hiếu uống linh chi do một người bạn tặng, tình hình bệnh của chị thuyên giảm và có thể di chuyển bình thường. Từ dạo ấy, chị biết và yêu linh chi.
Diễn đàn thu hút hàng trăm bạn trẻ tham dự
Quyết tâm khởi nghiệp với linh chi buộc chị phải đi làm không công tại một trại nấm để học hỏi. Đến 2013, chị chính thức thành lập trang trại. Tính đến nay, dự án đã 5 năm tuổi và tiêu tốn khoảng 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn vay bạn bè, ngân hàng… Dù vậy, chị vẫn phải lấy công làm lời.
“Hiện nay mới chỉ có một vài Việt Kiều mua sản phẩm của tôi và xuất khẩu dưới thương hiệu của họ. Dù không muốn, tôi vẫn phải đồng ý để thực hiện đam mê của mình. Còn ở Việt Nam, bán linh chi cũng rất khó khăn”, Hiếu chia sẻ.
Chị còn cho biết, ban đầu, sản phẩm bán ra của trại là nấm linh chi đỏ nguyên miếng nhưng rất ít người đón nhận. Hiếu nảy ý định tạo ra các sản phẩm khác như cao nấm linh chi đỏ hay linh chi hòa tan. Đây là các sản phẩm được bổ sung thêm các loại thảo dược khác thay vì 100% nắm linh chi đỏ.
Hàng trăm bạn trẻ tìm hiểu về các mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp.
“Đến khi thị trường không đón nhận tôi mới nghĩ cách làm ra sản phẩm khác cùng loại. Sản phẩm nếu ngay từ đầu không định hình được khách hàng, cũng như đối tượng là ai thì rất khó để tiêu thụ”, Hiếu nói.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Hải An, giám đốc trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cho rằng, dù là nấm linh chi hay bất cứ loại nấm nào thì việc tìm kiếm đầu ra đều khá khó khăn. Vì một phần chưa thể cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc. Do đó, start-up phải tìm cách tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng thay vì chỉ bán sản phẩm thô.
Trên quan điểm một doanh nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, TGĐ Vinamit cho rằng, các bạn trẻ khởi nghiệp đang lội ngược dòng nước. Cụ thể, thay vì tìm thị trường, ai là người mua rồi mới tạo ra sản phẩm thì họ đang làm ngược lại. Hậu quả, sản phẩm không có nơi tiêu thụ.
Ngoài ra, các sản phẩm của các doanh nghiệp cần sự khác biệt để khách hàng không thể chọn bất cứ sản phẩm của doanh nghiệp khác. Thêm vào đó, người trẻ cần cân nhắc đến vấn đề đem sản phẩm xuất ngoại vừa mang lại danh tiếng, vừa biết được thị hiếu và tâm lý thích xài hàng ngoại của người Việt.
“Nhiều người Việt từng cho rằng, sản phẩm của Vinamit là do doanh nghiệp nước ngòai sản xuất trong khi lúc đó,chúng tôi đã bán 10 năm tại thị trường trong nước. Thêm vào đó, sản phẩm phải đảm bảo mang tỷ lệ tự nhiên cao vì nước ngoài họ đánh giá cao các sản phẩm tự nhiên, thân thiện của Việt Nam”, ông Lâm Viên khẳng định.
Theo ông Trần Tấn Qúy, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, Sở phấn đấu đến 2020 có 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động trên địa bàn. Dù vậy, lực lượng tham gia vào lĩnh vực này đang giảm sút do lao động cao tuổi chiếm đa số. Trong khi đó, các bạn trẻ lại chọn những ngành ngoài nông nghiệp để tham gia. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc phát triển doanh nghiệp gắn với lĩnh vực tiềm năng này.