Khởi nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ 335 tỷ USD
Kinh doanh trong kinh tế chia sẻ …
Kinh tế chia sẻ không mới, nó dựa trên quyền truy cập ngang hàng với các hàng hóa và dịch vụ, từ đó tái phân phối, hạn chế dư thừa, và gia tăng giá trị cho nền kinh tế. Một cách rộng rãi, nó làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, chuyển từ sở hữu sang chia sẻ sản phẩm. Uber (B2C) và Airbnb (C2C) là hai đại diện nổi bật của mô hình này hiện nay: thay vì sở hữu quyền sử dụng toàn bộ chiếc xe, bạn chia sẻ số ghế trống trên xe với người có nhu cầu cùng di chuyển; thay vì ở một mình giữa ngôi nhà quá rộng, bạn chia sẻ phòng trống với khách du lịch.
Bên cạnh đó, internet và điện thoại thông minh/máy tính bảng cũng là những tác nhân thúc đẩy độ phủ của các doanh nghiệp trong ngành này, bởi vì khái niệm cộng đồng – một nền tảng cho kinh tế chia sẻ, đã được mở rộng trên phạm vi toàn cầu thay vì một cộng đồng “vật lý” nguyên thủy. Nhờ những tiến bộ công nghệ kể trên mà một ứng dụng như Uber đã xuất hiện tại 450 thành phố tại 76 quốc gia, trở thành một trong những start-up thành công bậc nhất thế giới.
Theo Harvard Business Review (HBR), các doanh nghiệp trong kinh tế chia sẻ mang lại những lợi ích kinh tế vĩ mô, môi trường và kinh doanh quan trọng bao gồm tăng việc làm và giảm phát thải CO2 (trong trường hợp Uber). Shervin Pishevar, một nhà đầu tư mạo hiểm có rót vốn vào
Couchsurfing, Getaround, Uber và những công ty mới thành lập khác trong kinh tế chia sẻ tin rằng các dịch vụ này sẽ có tác động lớn đến kinh tế của các thành phố: Đây là một phong trào quan trọng như khi trình duyệt web xuất hiện.
Thúc đẩy trào lưu này, từ tháng 3-8/2017, Uber tổ chức chương trình UberEXCHANGE - Khởi nghiệp thông minh, hướng đến nhóm đối tượng chính là các doanh nhân trẻ có khát vọng khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, Uber sẽ đưa các chuyên gia - lãnh đạo chủ chốt của Uber tới Việt Nam để trực tiếp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bài học khởi nghiệp quý báu của Uber với các startup Việt.
… trên thị trường mới nổi
Kinh tế chia sẻ mặc dù chứng minh được hiệu quả tổng thể, lại gặp không ít trở ngại bởi sức cản của các mô hình truyền thống và “quy định pháp lý thường là rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng trong tương lai đối với các doanh nghiệp kinh doanh chia sẻ”, vẫn theo HBR. Tại các thị trường mới nổi, bên cạnh yếu tố khách quan vừa nêu, thì tự thân doanh nghiệp cũng phải nỗ lực vượt qua các thách thức không loại trừ mô hình chia sẻ hay truyền thống.
Chia sẻ trước thềm chuyến đi tới Hà Nội ngày 12, 13/6/2017 về chủ đề phát triển kinh doanh Kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Eric Alexander, Chủ tịch phụ trách Kinh doanh của Uber tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, trên các thị trường mới nổi, nhà quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là các start-up sẽ cần phải lưu ý tới: Một là, về quy mô, khách hàng mới là người quyết định tới phạm vi mở rộng công ty tới mức nào – đó là điều cốt lõi. Khách hàng tới đâu, thì mở rộng phục vụ tới đó, điều này quan trọng hơn việc tham gia vào các liên minh hoặc thúc đẩy gia tăng hiện diện thuần túy. Cách làm việc của Uber là tập trung vào giá trị cốt lõi, chuyên chở và đem niềm vui tới khách hàng, họ sẽ sử dụng dịch vụ tại bất cứ nơi nào họ đến.
Hai là, cân đối giữa mở rộng quy mô với chất lượng dịch vụ. Có một “cái bẫy” mà nhiều doanh nghiệp mắc phải, đó là khi mải tăng quy mô, họ bỏ quên chất lượng. Thực tế, đây là hai vấn đề rất nan giải trong kinh doanh, nhưng ở Uber, họ quyết liệt tập trung vào chất lượng dịch vụ – đó là bí quyết thành công.
Ba là, để thành công tại thị trường bản địa thì cần phải hợp tác với các đối tác bản địa, đó là một trong những bài học lớn nhất – theo ông Eric Alexander. Đối tác của Uber có thể ở trong các lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử, du lịch, giải trí, tài chính. Chẳng hạn như tại Ấn Độ, Uber làm việc với PayTM (một nền tảng thương mại điện tử trên điện thoại), hoặc hãng xe Tata; hay ở Việt Nam, Uber cũng từng làm việc với Foody, Viettel,…
Ngoài ra, ý nghĩa bản địa còn nằm ở chỗ thuê người bản địa để vận hành kinh doanh tại địa phương – với một công ty như Uber, điều đó giúp cho họ khẳng định vị thế doanh nghiệp quốc tế am hiểu thị trường địa phương.