|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khởi nghiệp ở Việt Nam dễ hay khó?

21:49 | 11/04/2018
Chia sẻ
Khởi nghiệp không phải con đường trải đầy hoa hồng nhưng thành công sẽ đến với người biết kiên định mục tiêu.
khoi nghiep o viet nam de hay kho CEO Finhay khởi nghiệp để giúp hàng triệu người Việt có thói quen tiết kiệm và đầu tư
khoi nghiep o viet nam de hay kho 3 bài học đắt giá của doanh nhân khởi nghiệp gần chục lần

Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty Ca cao Trọng Đức (Đồng Nai) chia sẻ, để có được DN ca cao lớn mạnh như ngày nay, Công ty Trọng Đức đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí thất bại khi mất trắng số vốn bỏ ra đầu tư trồng cây, ứng tiền giống cho nông dân.

khoi nghiep o viet nam de hay kho
Ảnh minh họa

Nhưng sau thất bại, nhờ kiên định và quyết tâm đeo đuổi mơ ước, từ chỗ diện tích ca cao ít ỏi 160 ha và doanh thu 8 tỷ đồng năm 2014. Đến nay doanh thu của Trọng Đức đã đạt 40 tỷ đồng, diện tích trồng ca cao cũng được tăng lên gần 500 ha trong năm 2017. Năm 2018, dự kiến doanh thu sẽ tăng mạnh hơn khi Trọng Đức sẽ tiếp tục nhân rộng thêm khoảng 200 ha diện tích trồng ca cao để đáp ứng các đơn hàng ngày càng nhiều của đối tác...

Ở lĩnh vực công, một chuyên gia thuộc Sở Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh cho hay, trong những năm tới đây TP. Hồ Chí Minh sẽ càng mở cửa nhiều dự án cho các công ty tư nhân tham gia. Ngoài ra, các DN có thể đến để “chào hàng” và tư vấn về các mối quan tâm của mình với các cơ quan quản lý.

Thực tế, nhiều người luôn nghĩ là làm việc với nhà nước khó khăn và không có nhiều cơ hội, nhưng thực tế lại khác hẳn. Ngân sách để đầu tư về công nghệ thông tin năm 2015 là 5 triệu USD nhưng đến 2017 tăng đến gấp 3 lần. Hiện cơ quan quản lý nhà nước đang rất muốn phát triển TP.Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh nên rất cần những ý tưởng, sự sáng tạo, đổi mới.

Song muốn đạt được thành công cần có sự tham gia của các startup. Ngay với dự án Số hoá quy hoạch chẳng hạn, không phải là lần đầu được thực hiện. Trước đó, tại thành phố cũng có vài lần chương trình được triển khai đều thất bại, nhưng nhờ kiên định với mục tiêu mà TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Theo nhận định của các chuyên gia, rõ ràng ở đâu cũng vậy, nhà nước hay tư nhân, không riêng gì tại Việt Nam, khởi nghiệp (starup) không phải là con đường trải đầy hoa hồng mà luôn có đầy rẫy rủi ro, thất bại. Muốn đứng vững đòi hỏi người làm startup phải kiên trì, tìm ra được nguyên nhân dẫn đến thất bại để không vấp phải lần sau.

Trường hợp của Max Scheichenost - nhà đồng sáng lập 15 startup tại Việt Nam và trên thế giới khẳng định, có rất nhiều lý do để mọi người biện minh cho sự thất bại, từ nhân viên, thời điểm không phù hợp hay lỗi đến từ khách hàng... song đó không phải là tất cả. Quan trọng chính là ở ý tưởng cũng như sự kiên định khi theo đuổi mục tiêu.

Bởi, rất nhiều nhà sáng lập, khởi nghiệp thành công trên thế giới cũng đã bắt đầu chỉ với một công ty startup có khi chỉ tồn tại trong vài tháng, thua lỗ mất sạch vốn để rồi lại phải bắt đầu từ con số không.

Bàn về vấn đề này, ông Edward Jung - người sáng lập và là Tổng giám đốc của Xinova cho biết, bản thân cũng là một nhà khởi nghiệp với dự án đầu tiên thất bại, dự án thứ 2 đạt kết quả trung bình và dự án thứ 3 thành công, kết quả là Edward Jung đã bán công ty với trị giá 4 triệu USD ở tuổi 23.

“Ngay cả giai đoạn tôi làm việc tại Micorsoft, có thời điểm công ty bị lỗ đến 3 tỷ USD, với sự mất mát đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều dự án của tôi bị thất bại. Nhưng trên hết, qua những thất bại tôi hiểu mọi thất bại đều có những lý do. Vì vậy, sau khi rời Microsoft, tôi đã thử sức với rất nhiều công ty khác nhau bởi điều quan trọng là không phải thất bại bao nhiêu lần mà bạn nhìn nhận được gì sau những lần thất bại đó”, Edward Jung chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc khởi nghiệp tại Việt Nam ở trong giai đoạn hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Ông Edward Jung nhận xét, trên bản đồ startup, Việt Nam đang rất cạnh tranh so với các nước khác và các bạn trẻ cò nhiều điều kiện thuận lợi để mở công ty. Thêm đó, thị trường startup Việt quy mô vẫn còn nhỏ nên các cơ hội cho người khởi nghiệp sẽ nhiều hơn, trong khi đó ở những quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ... cùng một ý tưởng lại có trùng lặp với nhiều startup khác.

Một số chuyên gia nước ngoài cho biết thêm, thị trường Việt Nam đang ở thời điểm bùng nổ, với nhiều cơ hội như ở châu Âu giai đoạn 2010-2011. Vì thế người khởi nghiệp tại Việt Nam cần tận dụng hệ sinh thái đang được hỗ trợ từ nhiều phía làm bàn đạp.

Đồng thời DN nhỏ, mới có thể sử dụng quyền trợ giúp từ những công ty startup thành công để tránh được sai lầm cũng như nhận được sự trợ giúp về nguồn lực cũng như cách thức tiến hành đạt hiệu quả tốt nhất. Các DN khởi nghiệp hãy bắt đầu từ cái nhỏ với thị trường mục tiêu, sau đó mới phát triển lớn và mở rộng hơn.

Có thể lấy ví dụ điển hình từ các quỹ đầu tư ở Singapore khi đầu tư vào một startup nào, họ đều nhìn ở tầm nhìn với thời gian 5 - 15 năm, bởi họ biết chắc chắn rằng một startup không thể làm gì trong thời gian 1 - 2 năm đầu.

Tuyết Anh