|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khơi mào cuộc đua 'điện hoá' thị trường gọi xe, GSM của ông Phạm Nhật Vượng sẽ có lợi thế gì?

15:58 | 18/10/2023
Chia sẻ
GSM muốn đưa 90.000 xe máy điện vào thị trường gọi xe công nghệ (hai bánh) tại Việt Nam trong năm nay.

Tháng 8 và tháng 9 vừa qua, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) đã lần lượt ra mắt dịch vụ Xanh SM Bike tại Hà Nội và TP HCM. Đây là dịch vụ gọi xe hai bánh sử dụng 100% xe máy điện đầu tiên tại Việt Nam.

Sau hơn một tháng đi vào hoạt động tại Hà Nội, Xanh SM Bike đã đạt gần 1 triệu lượt khách. Ông Nguyễn Văn Thanh, CEO GSM, cho biết hãng đặt mục tiêu phủ sóng dịch vụ này tại 6 tỉnh thành phố, và mở rộng quy mô lên tới gần 90.000 xe máy điện ngay trong năm nay.

Gojek cho biết hiện họ đang có khoảng 200.000 tài xế hoạt động cho cả hai bánh và 4 bánh. Tương tự, Be Group nói rằng con số này đang là khoảng 300.000 tài xế cả hai dịch vụ.

Mục tiêu phát triển quy mô đội xe máy điện của GSM đang tiệm cận so với các “ông lớn” trong ngành. Tuy nhiên, GSM không phải “một mình một ngựa” trên thị trường gọi xe máy điện tại Việt Nam.

 Dịch vụ Xanh SM Bike. (Ảnh: GSM).

Các hãng gọi xe công nghệ khác cũng đang chuyển hướng sang sử dụng xe máy điện trong các dịch vụ của mình. Sớm nhất có thể kể đến Gojek - một nền tảng có trụ sở chính tại Indonesia.

Bắt đầu từ tháng 5 năm nay, Gojek đã bắt tay với Dat Bike - startup xe điện của Việt Nam, để triển khai thí điểm máy điện phục vụ các nhu cầu đi lại, giao hàng, giao đồ ăn của người dùng. 

Dat Bike sẽ cung cấp cho các đối tác tài xế Gojek dòng xe Weaver++ để thực hiện các dịch vụ chở khách (GoRide), giao đồ ăn (GoFood) và giao hàng (GoSend) tại Việt Nam. 

Tiếp đến đầu tháng 9, Gojek lại công bố hợp tác với Selex Motors để đưa các dòng xe máy điện vào sử dụng. Đối tác tài xế Gojek có thể đổi pin miễn phí tại hơn 30 trạm đổi pin ở Hà Nội và hơn 40 trạm tại TP HCM. 

 Đội hình xe điện của Gojek. (Ảnh: Gojek).

Tháng 5, Grab cũng cùng với Selex Motors để thí điểm sử dụng xe máy điện, nhưng giới hạn ở dịch vụ GrabExpress tại TP HCM. Tới đầu tháng 10, GrabBike mới chính thức hợp tác Selex Motors, triển khai sử dụng xe máy điện trong dịch vụ di chuyển cho hành khách.

Hay như tháng 8, dụng đặt đồ ăn Baemin đã hợp tác với Dat Bike nhằm chuyển đổi sử dụng xe máy điện cho hoạt động giao hàng.

Có thể thấy, cuộc đua điện khí hoá trên thị trường gọi xe công nghệ đang nóng hơn bao giờ hết, được khơi mào từ động thái thành lập GSM của tỷ phú giàu nhất Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng hồi tháng 3 năm nay.

Lợi thế cạnh tranh của GSM

Thị phần gọi xe công nghệ ở Việt Nam sau nhiều năm cạnh tranh khốc liệt, hiện tại gần như đang nằm trong tay ba ông lớn gồm Grab, Be và Gojek. Do đó, cơ hội cho một hãng đến sau như GSM tưởng chừng như rất mỏng nhưng ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng công ty vẫn có lợi thế của người tới muộn.

Theo ông Thanh, lợi thế của GSM là phát triển hệ sinh thái dịch vụ xe điện từ đầu, thay vì dịch chuyển từ xe xăng sang xe điện như các ứng dụng lớn trên thế giới như Grab, Uber, Gojek,…

“Việc có thêm xe máy điện giúp Xanh SM trở thành nền tảng đầu tiên trên thế giới thuần điện 100% với các dịch vụ từ xe ôm, giao hàng, cho thuê, taxi là một lợi thế, vì chúng tôi bắt đầu từ đầu và đồng nhất chất lượng từ dịch vụ tới phương tiện thay vì chuyển dịch”, CEO GSM khẳng định.

 Đội hình xe máy điện của GrabBike. (Ảnh: Selex Motors).

Thực tế cho thấy nhận định này của ông Thanh khá đúng ở thị trường Việt Nam. Các hãng lớn đang chuyển đổi sang xe điện, song quá trình này diễn ra khá chậm chạp mà rào cản lớn nhất ở đây là chi phí và trạm sạc.

Hồi tháng 8, CEO Baemin thừa nhận thách thức lớn nhất của xe điện là giá thành. Do đó, dù muốn chuyển đổi đội hình sang xe điện song hãng này chỉ dừng lại ở việc hợp tác cho tài xế thuê xe với giá ưu đãi 32.400 đồng/ngày. 

“Nội dung hợp tác lần này nhằm thử nghiệm hoạt động hỗ trợ giá thuê xe ưu đãi dành cho tài xế như một hình thức trả góp, thay vì phải trả một khoản phí lớn từ đầu để sở hữu chiếc xe”, thông cáo từ Baemin viết.

Hay như để hỗ trợ tài xế chuyển đổi sang xe điện, Be Group cũng phải hợp tác với VinFast và Ngân hàng số Cake by VPBank để cung cấp tín dụng vay ưu đãi và giá chiết khấu cho đối tác.

Gần đây nhất, công ty mẹ của Gojek huy động 150 triệu USD để phục vụ chuyển đổi sang xe điện. Trong đó, một phần tài chính dùng để hỗ trợ đối tác tài xế đổi từ xe xăng sang xe máy điện nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động.

Ngoài tài chính, một vấn đề khác mà các nền tảng gọi xe gặp phải khi tham gia vào cuộc đua điện khí hoá đó là trạm sạc. Nếu như GSM có lợi thế sẵn có là 150.000 cổng sạc cho xe máy và ô tô điện VinFast tại 63 tỉnh thành phố thì các hãng khác phải phụ thuộc vào hạ tầng của nhà cung cấp.

Đơn cử, các tài xế của Gojek hay Grab sẽ có 30 trạm đổi pin tại Hà Nội và 40 trạm tại TP HCM. Đây đều là các trạm đổi pin doSelex Motors phát triển và con số này là quá ít nếu so với đội xe hơn 200.000 của Gojek trong trường hợp hãng này chuyển hoàn toàn sang xe điện.

Đức Huy