Khó hiểu thương vụ đầu tư của VietinbankSC
TPCP được coi là tài sản tài chính an toàn nhất hiện nay, do đó lãi suất TPCP luôn ở mức thấp, tương đương lãi suất huy động của ngân hàng. Mặc dù thông tin trên được VietinbankSC công bố công khai, nhưng đây là một giao dịch khá “bí ẩn” nếu xét trên khía cạnh hiệu quả đầu tư tài chính.
Đi ngược
Hiện chưa rõ TPCP mà VietinbankSC đầu tư là kỳ hạn nào, nhưng về mặt logic, trong điều kiện bình thường, nếu cùng kỳ hạn, lãi suất khoản vay ngân hàng cao hơn lãi suất TPCP. Vì lý do gì mà VietinbankSC lại đưa ra một quyết định thua thiệt đến vậy?
Trao đổi với Báo Đấu thầu, lãnh đạo VietinbankSC cho biết, việc vay tiền ngân hàng để mua TPCP là nhằm mục đích đa dạng hóa các khoản đầu tư của Công ty (?). Căn cứ báo cáo bán niên 2016 sau soát xét, tại thời điểm cuối quý II/2016, VietinbankSC đầu tư vào trái phiếu tổng cộng 404 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với số dư đầu năm. Tuy nhiên, “soi” cấu trúc trái phiếu mà VietinbankSC đầu tư, thấy rằng chỉ 4 tỷ đồng được Công ty này đầu tư vào TPCP, 400 tỷ đồng còn lại được chia đều cho 2 loại trái phiếu doanh nghiệp của Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Phú Gia và trái phiếu của Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà. Hai loại trái phiếu này được VietinbankSC mua trong nửa đầu năm nay.
Như vậy, việc đầu tư TPCP có thể giúp VietinbankSC đa dạng hóa các loại trái phiếu mà Công ty nắm giữ. Tuy nhiên, một lần nữa câu hỏi lại được đặt ra, tại sao VietinbankSC lại vay tiền để đầu tư TPCP, trong khi từ trước đến nay, số dư nợ vay của Công ty là tương đối thấp?
Cụ thể, cuối năm 2015, VietinbankSC không hề có khoản nợ vay nào. Cuối quý II năm nay, số dư nợ vay của VietinbankSC ở con số 80 tỷ đồng, trong đó 50 tỷ đồng vay ngắn hạn (lãi suất 7%/năm), 30 tỷ đồng trái phiếu phát hành dài hạn (lãi suất 7,25 - 7,5%/năm).
300 tỷ thế chấp bằng tài sản gì?
Theo báo cáo tài chính bán niên, các khoản vay ngắn hạn của VietinbankSC lại được bảo đảm bằng chính các trái phiếu mà công ty này nắm giữ. Như vậy, không ngoại trừ trường hợp TPCP được VietinbankSC mua vào đợt này, lại sẽ tiếp tục được dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty.
Đáng chú ý, ngân hàng cấp tín dụng cho VietinbankSC thực hiện thương vụ “kỳ lạ” này không hề xa lạ mà chính là Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). PGBank là ngân hàng đã có thỏa thuận sáp nhập vào Vietinbank (ngân hàng mẹ của VietinbankSC). Thông thường, khi một ngân hàng cho doanh nghiệp vay hàng trăm tỷ đồng, việc thẩm định thận trọng kế hoạch sử dụng vốn, khả năng sinh lời, thu hồi vốn… được đặt lên hàng đầu. Chưa rõ tài sản thế chấp của VietinbankSC cho khoản vay 300 tỷ đồng là gì?
Không dễ dàng để một ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư vào một sản phẩm tài chính có tỷ lệ sinh lời còn thấp hơn cả lãi suất cho vay. Tuy nhiên, với “người nhà”, đó lại là chuyện khác.
Theo Đan Nguyên
Đấu thầu