|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

‘Kho báu’ lithium của Chile – đặc ân hay lời nguyền?

09:00 | 15/05/2018
Chia sẻ
Đồng bằng muối Salar de Atacama rất giàu tài nguyên lithium – kim loại thiết yếu trong ngành xe điện và các công nghệ ít carbon khác. Tuy nhiên, cư dân địa phương đang đấu tranh chống lại việc khai thác nguồn tài nguyên này vì cho rằng lợi ích cá nhân đang được trả bằng cái giá của môi trường.
kho bau lithium cua chile dac an hay loi nguyen Morgan Stanley: Giá Lithium sẽ giảm 45% vào năm 2021
kho bau lithium cua chile dac an hay loi nguyen Bùng nổ xe điện đẩy giá Lithium

Các mạch nước phun, núi lửa và chim hồng hạc là những “đặc sản” của đồng bằng muối Salar de Atacama, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, bên dưới chân trời trắng xóa, đồng bằng muối lớn nhất Chile đang giấu một thứ tài nguyên có giá trị kinh tế vượt trội hơn nhiều và thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các công ty hóa chất.

kho bau lithium cua chile dac an hay loi nguyen
Đồng bằng muối Salar de Atacama tại Chile. Nguồn: DEA/V. Giannella/De Agostini/Getty Images.

Pin lithium là sản phẩm thiết yếu với tất cả các thiết bị điện tử, từ máy tính xách tay, điện thoại đến xe điện và các nhà máy trữ điện. Khi thế giới đang chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, ngày càng có nhiều lĩnh vực cần được điện khí hóa, và nhu cầu tiêu thụ lithium dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025.

Salar de Atacama sở hữu một vài trong số những mỏ lithium lớn nhất thế giới. Điều này có nghĩ là Chile đang ngồi trên một mỏ vàng. Tuy nhiên, theo những người phản đối, việc khai thác lithium sẽ khiến môi trường nước này trả một cái giá rất đắt.

Chính phủ Chile đang muốn nâng sản lượng lithium và sau đó là sản xuất pin ngay trong nước, phá vỡ chuỗi cung ứng truyền thống mà trong đó các quốc gia Mỹ Latin chỉ cung cấp nguyên liệu để các nước khác sản xuất.

Chile đã ký thỏa thuận cho phép công ty khai khoáng tư nhân SQM của nước này khai thác lithium - một thỏa thuận được dự báo sẽ giúp sản lượng tăng gấp ba lần vào năm 2030.

Tuy nhiên, việc này đã khiến các nhà hoạt động môi trường và công đoàn khai khoáng phẫn nộ. “Với chúng tôi, hợp đồng này là bất hợp pháp”, ông Miguel Soto – chủ tịch chiến dịch Lithium for Chile vốn thường tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố Santiago để phản đối thỏa thuận trên.

kho bau lithium cua chile dac an hay loi nguyen
Người biểu tình phản đối khai thác lithium. Nguồn: S. Boddenberg/Deutsch Welle.

SQM 'kẹt' giữa làn sóng tranh luận

Người biểu tình mang các áp phích với dòng chữ “Lithium cho Chile, không phải cho Soquimich”. Soquimich là công ty thuộc sở hữu nhà nước Chile và là tiền thân của SQM.

Soquimich được tư nhân hóa dưới chế độ độc tài quân sự của Augusto Pinochet trong những năm 80 của thế kỷ trước. Con cháu của nhà độc tài quá cố này hiện vẫn sở hữu nhiều cồ phần tại SQM – công ty vốn thường bị cáo buộc tham nhũng, trả phí thuê mỏ với giá rẻ bèo và vi phạm luật môi trường.

“Chúng tôi cho rằng SQM nên được quốc hữu hóa trở lại và nhà nước nên chịu trách nhiệm khai thác lithium”, ông Soto nói với hãng tin Deutsche Welle (Đức), với lý do lithium có thể được dùng trong chế tạo vũ khí hạt nhân và sự phản đối của cư dân bản địa tại Sa mạc Atacama. “Khai thác quá mức tại Salar de Atacama có thể dẫn đến một thảm họa môi trường”, ông nói thêm.

Trong những năm qua, SQM liên tục bị điều tra liên quan đến hoạt động rửa tiền, trốn thuế và tài trợ tranh cử bất hợp pháp. Các chính trị gia được cho là đã nhận nhiều khoản tiền lớn và đổi lại phải đưa các yêu sách của công ty này vào các đề xuất lập pháp và thông qua thành luật.

Quá trình xét xử cựu Bộ trưởng Kinh tế Chile Pablo Longueira hiện đang diễn ra. Ông Longueira bị cáo buộc nhận hối lộ từ SQM để sửa đổi các quy định bảo vệ nguồn nước theo hướng có lợi cho ngành công nghiệp lithium.

Hút cạn nước vùng Atacama

Chile là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi nguồn tài nguyên nước và quản lý nguồn nước được tư nhân hóa hoàn toàn. SQM hiện đang sở hữu quyền quản lý nguồn nước tại khu vực quanh đồng bằng muối Salar de Atacama và các nhà hoạt động môi trường cho biết công ty này đã khai thác nguồn nước quý giá để đổi lấy lithium.

Sa mạc Atacama là một trong những vùng đất khô hạn nhất trên Trái Đất và việc khai thác lithium tác động trực tiếp lên nguồn nước trong vùng. Mạch nước ngầm sụt lún, trong khi sông suối, đầm lầy thì khô cạn.

Ngoài ra, quá trình khai thác khoáng sản cũng làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. “Công ty này cướp đi nguồn nước của chúng tôi”, bà Ana Ramos – chủ tịch Hội đồng Người bản địa Atacameños, cho biết.

Nhà nước Chile bị ràng buộc bởi một thỏa thuận với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Theo đó, nước này phải cho người bản địa tham gia quyết định các dự án quy mô lớn và tác động lên môi trường sống của họ. Tuy nhiên, điều này đã không được chính phủ Chile thực hiện trong dự án khai thác lithium.

“Hợp đồng đã vi phạm quyền môi trường và lãnh thổ của chúng tôi vốn đã được ghi nhận trong các thỏa thuận quốc tế”, bà Ramos nói với Deutsche Welle.

Tác động môi trường mà hoạt động khai thác lithium gây ra vẫn chưa được xác định rõ ràng. Ông Domingo Ruiz – nhà hóa học tại Đại học Santiago chuyên nghiên cứu về công nghệ lithium-ion, cho rằng chính phủ nên tiến hành nghiên cứu tác động môi trường và thông qua các bộ luật.

kho bau lithium cua chile dac an hay loi nguyen
Hoạt động khai thác lithium đang hút cạn nguồn nước quý giá tại Sa mạc Atacama. Nguồn: Imago.

Cần thêm nhiều nghiên cứu và hành lang pháp lý

“Hiện vẫn chưa có quy định nào. Đó là lý do vì sao nhiều người lo ngại hạn ngạch sản lượng ngày càng tăng sẽ tác động đến hệ sinh thái mong manh của vùng Salar de Atacama”, ông Ruiz nói với Deutsche Welle.

Ông Ruiz cũng hoài nghi những hứa hẹn của chính phủ trong việc phát triển ngành công nghệ cao liên quan đến lithium để mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương. Ông cho rằng vấn đề nằm ở chỗ chính phủ chưa đầu tư đúng mức cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.

“Chúng tôi xuất khẩu nguyên liệu thô nhưng lại không có ngành công nghiệp để xử lý nó, tích lũy kiến thức hoặc phát triển công nghệ để sản xuất pin lithium. Về mặt này, chúng tôi vẫn là một nước thuộc thế giới thứ ba”, nhà hóa học cho biết.

Dưới thỏa thuận ký với chính phủ, SQM phải cung cấp 25% sản lượng lithium với mức giá hợp lý cho các công ty trong nước và quốc tế sản xuất pin tại Chile.

“Các công ty này, dù tiếp tục xử lý nguyên liệu, không đóng góp vào sự phát triển của đất nước chúng tôi. Chúng tôi cần một nhà nước có thể can thiệp, các trường đại học có thể cung cấp kiến thức và các công ty tư nhân có thể đầu tư. Ba nhân tố này phải kết hợp với nhau nhưng điều này lại không diễn ra ở hiện tại”, ông Ruiz cho biết.

kho bau lithium cua chile dac an hay loi nguyen
Nhà hóa học Domingo Ruiz tại phòng thí nghiệm. Nguồn: S. Boddenberg/Deutsch Welle.

Trường Giang