Khi 'gió' đổi chiều với cổ phiếu ngân hàng
Bank thất thế, giá trị tài sản ròng quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam ‘bay’ hơn 170 triệu USD trong 1 tháng | |
Cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá quá nhiều? |
Cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm ngành nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là trong thời gian gần đây khi nhiều nhận định cho rằng đây là nhóm dẫn dắt thị trường tại một số thời điểm.
Hiện có 16 ngân hàng thực hiện giao dịch trên sàn gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV, VPBank, MBBank, Sacombank, HDBank và TPBank niêm yết trên HOSE. Một nhóm khác gồm ACB, SHB, Eximbank và NCB niêm yết trên HNX. Còn LienVietPostBank, Kienlongbank, Bac A Bank, VIB giao dịch trên UPCoM.
Giá cổ phiếu đổi chiều sau lập đỉnh tại 9/4/2018
Từ đầu năm nay cổ phiếu ngân hàng có khá nhiều biến động. Tăng trưởng mạnh trong quý I và giảm dần sau khi đạt đỉnh vào ngày 9/4, thời điểm mà gần như tất cả cổ phiếu ngân hàng đều chạm mức cao nhất.
Cụ thể, từ 2/1 - 9/4 đã có 12/14 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá từ 16,5% đến 75,8%. Trong đó tăng mạnh nhất là VIB (với 75,8%), LPB (63,6%), VPB (60%). Duy nhất hai cổ phiếu KLB và BAB đi ngược chiều giảm lần lượt 2,9% và 11,3%.
Biến động thị giá cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm 2018 (Tổng hợp: DB) |
Tuy nhiên, quá trình tăng giá của nhóm cổ phiếu này không kéo dài, chỉ gần hai tháng sau đó trừ KLB tất cả các cổ phiếu còn lại trong nhóm đều giảm mạnh. Nhiều mã biến động tương đồng nhau và "chung nhịp" với chỉ số thị trường (biểu đồ).
Nếu tính từ đầu năm đến hết 30/5/2018, có 8/15 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, trong đó giảm mạnh nhất là STB (hơn 14%) và BAB (gần 13%). Nhiều cổ phiếu tăng trong quý I đều giảm giá, ngay cả hai cổ phiếu tăng mạnh như VPB cũng bị kéo về thấp hơn giá trị hồi đầu năm.
Tổng hợp giá cổ phiếu ngân hàng (Đvt: nghìn đồng) |
Kỳ vọng của nhà đầu tư đang giảm?
Trên thị trường, giá cổ phiếu thể hiện mức kỳ vọng của nhà đầu tư. Việc tăng giá nhanh chóng trong quý I của nhóm ngân hàng cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng khá cao vào triển vọng của ngành.
Kết quả kinh doanh khả quan trong quý I là một trong những thước đó kiểm chứng sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Theo số liệu từ báo cáo tài chính của 25 ngân hàng, lợi nhuận sau thuế của nhóm này tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 19.850 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần tiếp tục đóng góp chủ yếu vào tổng lợi nhuận với gần 75%, đạt gần 49.650 tỷ đồng, tăng khoảng 28% cùng kỳ.
Một chuyên gia chứng khoán cho rằng cổ phiếu ngân hàng tăng giá quá nhiều thời gian qua, lợi nhuận đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Do vậy, việc giảm giá của nhóm cổ phiếu này trong khoảng 2 tháng gần đây cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư đang giảm đi. Những triển vọng của các kế hoạch được đưa ra ở mùa đại hội cổ đông vừa qua dường như chưa thoả mãn nhà đầu tư.
Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vào cuối năm 2017, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận như hiện nay, nhiều ngân hàng sẽ vượt kế hoạch đề ra trong năm 2018. Tuy nhiên, do áp lực đối với lãi suất mạnh dần lên khi các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động nhằm đảm bảo an toàn thanh khoản, tỷ lệ NIM 2018 khó có thể duy trì khả quan như 2017.
Tỷ lệ P/E theo dự báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (Nguồn: VDSC) |
Cũng theo ước tính của VDSC, tỷ lệ P/E của một số ngân hàng như ACB, BIDV, VietinBank, Vietcombank và MBBank sẽ giảm trong năm 2018 sau khi đạt được tăng trưởng mạnh năm 2017.
Phải chăng cổ phiếu ngân hàng giảm giá là đang trên đường tìm về với giá trị thực của mình? Có lẽ phải chờ đến kết quả kinh doanh quý II, nhà đầu tư mới có thể tìm được gợi ý cho hướng đi đầu tư sắp tới.
Xem thêm |