|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khi doanh nghiệp Việt nuôi mộng niêm yết sàn ngoại

13:00 | 09/03/2018
Chia sẻ
Việc niêm yết trên thị trường nước ngoài đã trở thành một đích đến mong đợi của khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Bởi nếu thành công, việc huy động vốn sẽ thuận lợi và mang lại nhiều cơ hội hơn cho chính họ.
khi doanh nghiep viet nuoi mong niem yet san ngoai Niêm yết sàn ngoại, giấc mơ và thực tế
khi doanh nghiep viet nuoi mong niem yet san ngoai Cavico, doanh nghiệp Việt đầu tiên niêm yết cổ phiếu tại Mỹ giờ ra sao?

Đem chuông đi đánh xứ người

Ngay trong cuộc khủng hoảng năm 2008, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã được Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) chấp thuận niêm yết từ tháng 10. Thế nhưng nhà đầu tư mỏi mòn chờ đợi vẫn chưa thấy VNM lên sàn. Doanh nghiệp lại cho rằng thời điểm đó chưa thích hợp. Gần một năm sau, kịch bản cũ được soạn lại và kế hoạch vẫn nằm trên giấy.

khi doanh nghiep viet nuoi mong niem yet san ngoai
(Ảnh minh họa)

Năm 2010, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) lên kế hoạch niêm yết 19 triệu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán London. Khi đó, Hoàng Anh Gia Lai đã lựa chọn Ngân hàng Elara Capital của Ấn Độ để thực hiện việc niêm yết chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR). Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thông tin niêm yết sàn ngoại của HAGL dường như đi vào quên lãng.

Việc tuyên bố đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán ngoại rồi sau đó im hơi lặng tiếng cũng hiện diện một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (Mã: SSI), Tập đoàn Tân Tạo (Mã: ITA)...

Tháng 8/2014, Tập đoàn FLC (Mã: FLC) cũng tiếp bước HAGL lập kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore với tham vọng trở thành tập đoàn kinh doanh hàng đầu về quy mô, chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, FLC phải tạm dừng kế hoạch vì chưa đủ điều kiện niêm yết.

Rõ ràng, việc niêm yết trên thị trường nước ngoài đã trở thành một đích đến mong đợi của khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Bới nếu thành công, việc huy động vốn sẽ thuận lợi và mang lại nhiều cơ hội hơn cho chính doanh nghiệp.

Vấn đề còn lại là khung pháp lý quy định việc doanh nghiệp niêm yết trên thị trường nước ngoài liệu có dễ dàng? Khi tiêu chuẩn dành cho những doanh nghiệp này khắt khe hơn, về cả năng lực quản trị và kinh doanh.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, với 3 điều thuộc Mục 2 Chương 3 quy định chi tiết về điều kiện, hồ sơ, thủ tục niêm yết.

Giấc mơ có thành?

Giữa năm 2017, ông Bob McCooey, Phó Chủ tịch NASDAQ và ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch CTCP VNG ký một thoả thuận về việc VNG sẽ niêm yết trên NASDAQ - sàn chứng khoán lớn thứ hai thế giới. Nếu thành công, VNG sẽ là công ty công nghệ đầu tiên của Việt Nam niêm yết ở thị trường Mỹ, nhưng tới nay vẫn chưa có thêm thông tin về việc này.

Cùng thời điểm, Công ty cổ phần VietJet Air (Mã: VJC) cũng để ngỏ khả năng sẽ niêm yết ở thị trường nước ngoài. Tổng Giám đốc VietJet từng chia sẻ với Bloomberg: “Chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm và tiếp xúc từ nhiều sàn chứng khoán lớn như London, Hong Kong và Singapore. Chúng tôi không muốn giấu hy vọng trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài”.

Ngoài VNG, VJC, Công ty cổ phần Đá thạch anh cao cấp (Vicostone - Mã: VCS) từng để ngỏ với các cổ đông về kế hoạch VCS sẽ lên lộ trình niêm yết trên sàn nước ngoài. Thậm chí có cổ đông còn tin tưởng rằng: “Ở Việt Nam, có lẽ chỉ VCS là đủ khả năng để niêm yết trên các sàn giao dịch nước ngoài thời điểm hiện tại”.

Một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (Mã: PLX) cũng có kế hoạch niêm yết song hành cổ phiếu PLX trên thị trường Singapore. Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT, thị trường chứng khoán Singapore là lựa chọn trong tầm ngắm của Petrolimex bởi đây là trung tâm tài chính và có nhiều doanh nghiệp năng lượng đã niêm yết.

Từng có trường hợp của CTCP Cavico Khai thác mỏ (Cavico Mining) là công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết cổ phiếu tại Nasdaq với mã chứng khoán CAVO. ông Bùi Quảng Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Cavico Corp, công ty mẹ của đơn vị này cho biết: “Cavico từ trước đến nay vẫn luôn nhất quán với mục tiêu đưa cổ phiếu lên niêm yết tại một sàn giao dịch chứng khoán cấp quốc gia Hoa Kỳ. Chúng tôi tin tưởng rằng sự kiện này sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và tính thanh khoản của cổ phiếu Cavico, đồng thời củng cố niềm tin của cổ đông…”.

Tuy nhiên, ngay sau khi niêm yết trên sàn Nasdaq, Cavico Mining đã được bán lại cho một đối tác nước ngoài, chi tiết về thương vụ này không được tiết lộ. Được biết, sau đó công ty mẹ cũng thay tên đổi họ và không có hoạt động gì trong khi các khoản nợ ngân hàng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Một số công ty con của Cavico cũng nợ nần chồng chất trong giai đoạn gần đây. Năm 2015, CTCP Cavico Xây dựng Cầu hầm nợ hơn 80 tỷ đồng; CTCP Cavico Xây dựng Thuỷ điện nợ 55 tỷ đồng; CTCP Cavico Điện lực và Tài nguyên nợ 29 tỷ đồng; và CTCP Cavico Việt Nam Khai thác Mỏ và Xây dựng nợ gần 22 tỷ đồng. Năm 2016, CTCP Tòa nhà Cavico Việt Nam nợ hơn 2 tỷ đồng.

Novaland liệu sẽ khác?

Mới đây, cổ đông Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Mã: NVL) thông qua việc niêm yết chứng khoán trên sàn SGX-ST (Sở giao dịch Chứng khoán Singapore) hoặc một Sở GDCK nào khác. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2018 hoặc 2019.

Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ thay đổi kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi đã được thông qua tại Nghị quyết 07, 16 và 03 trước đó. Tổng giá trị trái phiếu chào bán tăng từ 250 triệu lên 300 triệu USD (6.825 tỷ đồng). Lãi trái phiếu và giá chuyển đổi sẽ do Hội đồng Quản trị quyết định, tùy thuộc vào điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành, giá chuyển đổi tối thiểu 50.000 đồng/cp và có điều chỉnh.

Mới đây, Novaland lọt Top 50 trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Vốn hóa của tập đoàn hiện khoảng 2,4 tỷ USD. Ngoài ra, Novaland còn sở hữu hơn 10 triệu m2 sàn xây dựng, trên 40 dự án bao gồm quỹ đất và nhiều sản phẩm khác về bất động sản.

Năm 2017, tập đoàn đạt hơn 11.632 tỷ đồng doanh thu, tăng 58% so với năm 2016. Lãi ròng công ty mẹ khoảng 2.033 tỷ đồng, tăng 22%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) 3.318 đồng. Tại thời điểm 31/12, tổng tài sản của Novaland vượt 49.224 tỷ đồng, tăng gần 13.000 tỷ đồng so với năm 2016.

Hiện nay, quy định pháp lý hiện hành cơ bản đã "dễ thở" hơn. Doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, niêm yết mới tại thị trường nước ngoài, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ kế toán, công bố thông tin theo quy định của thị trường sở tại là đủ yêu cầu. Vấn đề ở chỗ, doanh nghiệp Việt Nam phải khẳng định được năng lực thực sự trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt.

Nhật Huyền