Khánh thành Nhà máy Thủy điện Lai Châu sớm hơn 1 năm so với kế hoạch
Nhà máy Thủy điện Lai Châu (tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh biên giới Lai Châu) đã được hoàn thành vượt kế hoạch 1 năm so với dự kiến, làm lợi cho Nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng. Đây là công trình thủy điện lớn thứ 3 Đông Nam Á.
Dự án thủy điện Lai Châu có tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng, là công trình xây dựng trọng điểm quốc gia, có tổng công suất lắp máy 1.200MW, mỗi năm cung cấp lên hệ thống điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh. Đây là công trình thủy điện lớn thứ 3 Đông Nam Á.
Nhà máy Thủy điện Lai Châu hoàn thành sớm hơn một năm, làm lợi khoảng 7.000 tỷ đồng cho Nhà nước.
Để xây dựng nhà máy, hơn 2.000 hộ dân địa phương đã được di chuyển về 18 khu, 35 điểm tái định cư.
Theo EVN, để có được mốc khánh thành sớm, các nhà thầu đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc như đào đắp 15 triệu mét khối đất, đá; đổ gần 6,5 triệu mét khối bê tông; lắp đặt 34 nghìn tấn thiết bị.
Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu hoàn thành sớm hơn kế hoạch một năm, mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế (khoảng hơn 5.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm).
Đặc biệt, thủy điện Lai Châu được coi là công trình đánh dấu giá trị Việt, bởi các công nhân Việt Nam đã tự chủ từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công xây lắp, đồng bộ thiết bị, giám sát đến quản lý vận hành.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận sự nỗ lực của các bộ, ngành liên quan, chủ đầu tư; cũng như tập thể cán bộ, công nhân lao động các nhà thầu, chính quyền tỉnh Lai Châu trong việc hoàn thành toàn bộ công trình trước một năm và làm tốt công tác di dân lòng hồ thủy điện.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cắt băng khánh thành công trình Thủy điện Lai Châu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng khẳng định, việc công trình hoàn thành sớm một năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đồng nghĩa với việc cung cấp sớm hơn cho hệ thống điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh điện năng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Đặc biệt, trân trọng cảm ơn sự hi sinh của đồng bào các dân tộc trong vùng Dự án đã phải di chuyển đến nơi ở mới để bàn giao mặt bằng phục vụ xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu”.
Hằng năm, Nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ sản xuất lượng điện năng khoảng 4,67 tỷ kWh. Trước mắt, năm 2017, Nhà máy sẽ sản xuất khoảng 4,2 tỷ kWh, chiếm 2,1% lượng điện cả nước, cung cấp trực tiếp cho hệ thống điện quốc gia.
Với việc hoàn thành Thủy điện Lai Châu, Việt Nam đã cơ bản khai thác được tiềm năng thủy điện trên sông Đà với tổng công suất các nhà máy thủy điện lên đến 6.500 MW và tổng sản lượng điện khoảng 25 tỷ kWh, chiếm gần 1/3 sản lượng thủy điện toàn quốc đến năm 2020.
Cùng với các nhà máy thủy điện khác trên sông Đà, Thủy điện Lai Châu không chỉ có ý nghĩa quan trọng, góp phần cung cấp trực tiếp điện cho hệ thống điện quốc gia, mà còn có vai trò quan trọng hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu, điều tiết lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh-quốc phòng các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc của Tổ quốc.
Nhà máy Thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động còn tạo ra nhiều việc làm, đóng góp tích cực vào ngân sách hằng năm của địa phương, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế phát triển.
Giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Thủy điện Sơn La- đơn vị được giao tiếp quản Nhà máy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định trước hết, phải tổ chức vận hành công trình Thủy điện Lai Châu bảo đảm an toàn, khoa học để đạt hiệu quả cao nhất. “Đặc biệt, cần tuân thủ tuyệt đối các quy trình vận hành liên hồ chứa để phát huy hiệu quả điều tiết lũ, bảo đảm nước tưới cho nông nghiệp, điều tiết nước hợp lý cho vùng hạ du”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Ngoài lợi ích tăng nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh Lai Châu và ngân sách quốc gia, công trình thủy điện Lai Châu còn có ý nghĩa rất quan trọng là sắp xếp và xây dựng các khu dân cư, đặc biệt là các khu tái định cư theo tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng nông thôn mới.