|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khắc phục lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch

14:48 | 22/02/2017
Chia sẻ
Luật Quy hoạch mới khi được ban hành sẽ là bước cải cách về thể chế, tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch. Bên cạnh việc khắc phục được tình trạng “cát cứ”, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, các quy định mới nếu được áp dụng nghiêm sẽ giảm thiểu được tình trạng lãng phí, gây nhiều bức xúc trong thời gian qua.
khac phuc loi ich nhom tu duy nhiem ky trong quy hoach
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quang Các. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là nội dung được ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Quy hoạch mới chia sẻ với phóng viên báo điện tử Chính phủ.

Sự trì trệ cần xoá bỏ

Vì sao việc ra đời của Luật Quy hoạch được coi là tạo ra bước tiến về thể chế, hiện thực hoá Chính phủ kiến tạo?

Nếu nhìn vào thực trạng tình hình quy hoạch hiện nay, có thể thấy nhìn chung công tác quy hoạch thời gian qua đã đáp ứng được một phần nhu cầu quản lý, điều hành của các cấp, các ngành và địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Theo tôi, cần phải thừa nhận rằng, quy hoạch thời gian qua thiếu sự liên kết giữa các vùng trong cả nước cũng như giữa các tỉnh trong vùng. Nhiều quy hoạch được lập nhưng không thống nhất về đối tượng, phạm vi, thời kỳ, nội dung và phương pháp lập quy hoạch đã gây lãng phí lớn về nguồn lực xã hội. Trật tự quy hoạch chưa được bảo đảm, quan hệ giữa các loại quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo, chất lượng của không ít các loại quy hoạch còn thấp, kém khả thi, xa rời thực tế, không gắn với nguồn lực thực hiện.

Việc phân định nội dung, cấp độ quy hoạch chưa rõ ràng, dẫn đến sự trùng lắp giữa các quy hoạch. Cuối cùng, việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều bấp cập, quy hoạch thường xuyên bị điều chỉnh theo ý chí chủ quan của lãnh đạo và nguyện vọng của chủ đầu tư, gây lãng phí tài nguyên và cản trở thu hút đầu tư.

Do đó, theo tôi, Luật Quy hoạch mới rất có ý nghĩa, khi được ban hành sẽ là bước cải cách về thể chế tạo ra sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Về quản lý nhà nước, Luật Quy hoạch mới sẽ góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng Nhà nước kiến tạo và phục vụ. Trong đó, Nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu để kiến tạo sự phát triển, việc phân bổ nguồn lực cũng trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường. Quy định mới tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương, giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích…

Những nguyên nhân nào khiến Luật Quy hoạch gặp “vướng”, phải đối mặt với nhiều ý kiến khác trong quá trình khi xây dựng, hoàn thiện trước khi trình ban hành?

Việc có nhiều ý kiến khác nhau có thể chia ra nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là có thể do người góp ý chưa tìm hiểu thông tin đầy đủ, cần được làm rõ, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục giải trình. Do đó, để có sự đồng thuận, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo là làm rõ thêm và truyền thông, cung cấp thông tin để họ hiểu đúng.

Nhóm ý kiến thứ hai là muốn giữ lại một số nội dung, không muốn thay đổi. Có những cơ quan, tổ chức, cá nhân không muốn thay đổi, duy trì cách làm cũ, tư duy cũ. Tôi cho rằng, những quan điểm trì trệ không thể phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay và cần phải thay đổi.

Cuối cùng là các nhóm có lợi ích muốn giữ lại việc duy trì hệ thống quy hoạch như hiện nay, níu giữ quyền lực, tạo ra “sân chơi” riêng của mình, qua đó chi phối các hoạt động của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Với nhóm lợi ích đó, đòi hỏi sự đấu tranh toàn xã hội để loại bỏ việc đó. Tôi mong muốn truyền thông, báo chí lên tiếng mạnh mẽ hơn để có sự thay đổi, tạo đà sự phát triển giai đoạn mới.

Minh bạch, kỷ luật để chữa bệnh chồng chéo, tư duy nhiệm kỳ

Tại cuộc họp tổng kết và triển khai nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã nói thẳng về việc có tình trạng cát cứ, lợi ích cục bộ trong quy hoạch. Để khắc phục vấn đề này theo ông thì cần phải làm gì?

Trên thực tế, có nhiều quy hoạch hiện nay không còn cần thiết. Cụ thể như các quy hoạch về sản phẩm chỉ phù hợp với kinh tế bao cấp, hoàn toàn không phù hợp với nền kinh tế thị trường. Việc trồng hồ tiêu, nuôi cá… phải do cung cầu quyết định, Nhà nước chỉ cung cấp thông tin thị trường, có cơ chế chính sách phù hợp để điều chỉnh.

Khắc phục triệt để tình trạng lãng phí, cát cứ, lợi ích nhóm trì trệ chính là một mục tiêu của Luật mới. Cụ thể, quy định tại Điều 15 dự thảo Luật Quy hoạch mới yêu cầu khi ban hành quy hoạch quốc gia, cấp vùng hay tỉnh không phải do một cơ quan, mà các đơn vị liên quan sẽ cùng phối hợp trao đổi, xây dựng nên bản quy hoạch đó. Với cách làm quy hoạch như vậy, sẽ hạn chế chuyện cát cứ, lợi ích cục bộ. Quy hoạch phải xây dựng dựa trên tối ưu lợi ích của quốc gia, của vùng và xung đột các ngành được giải quyết triệt để. Luật Quy hoạch mới cũng quy định cụ thể về việc công bố công khai minh bạch cho người dân, tránh việc “tù mù” tạo cơ chế xin cho, góp phần đơn giản minh bạch hoá các thủ tục hành chính.

Thực tế, ngay cả trong trường hợp có quy hoạch, nhưng vẫn có tình trạng thay đổi, phá vỡ quy hoạch. Theo ông, giải pháp nào có thể khắc phục triệt để vấn đề này?

Đây chính là một hạn chế trong công tác quy hoạch lâu nay. Theo tôi, việc điều chỉnh có thể hai nguyên nhân, có thể do chất lượng bản quy hoạch đó chưa tốt phải chỉnh lại. Nhưng cũng có bản quy hoạch được điều chỉnh theo tư duy nhiệm kỳ, cứ đến thời kỳ thay đổi lãnh đạo là có sự thay đổi ý kiến chủ quan cá nhân, việc quy hoạch thực tế chưa được nghiên cứu bài bản khoa học.

Để khắc phục, dự thảo Luật Quy hoạch mới đưa ra các quy định về điều kiện để điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch phải tuân thủ theo quy trình tích hợp, đồng bộ, phải có sự phối hợp các ngành, đóng góp ý kiến, để không phải do một lãnh đạo tuỳ tiện thay đổi. Luật Quy hoạch mới cũng sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu, quy định đầy đủ hơn các chế tài đối với việc tùy tiện phá vỡ quy hoạch. Theo tôi, quy định mới sẽ mang lại thêm giải pháp khắc phục tình trạng tư duy nhiệm kỳ và điều chỉnh tùy tiện.

Ông cho biết lộ trình và giải pháp để xây dựng Luật Quy hoạch trong thời gian tới và những vấn đề cần tập trung sửa đổi, bổ sung để tạo được đồng thuận cao?

Sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự chủ trì Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chúng tôi đang tiếp tục làm việc lại với 8 cơ quan, bộ ngành. Sau khi có giải trình làm rõ, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các bộ đã có sự đồng thuận cao, có ý kiến đồng tình, có vấn đề đề xuất mới.

Ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề xuất bổ sung quy hoạch ngành. Có bộ đề nghị làm rõ, sửa đổi điều chỉnh tên các loại quy hoạch đúng với chuyên ngành… Là cơ quan chủ trì soạn thảo, chúng tôi đánh giá cao ý kiến đó góp phần cho dự thảo luật được hoàn thiện. Một mặt nữa, trong thời gian tới, khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3, chúng tôi sẽ tiếp tục có các cuộc hội thảo với đại biểu chuyên trách các vùng, miền, tranh thủ các ý kiến tham gia các đại biểu chuyên trách.

Sau khi có các ý kiến tham gia tại các cuộc hội thảo cũng như ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ, trong đó có giải trình các vấn đề tiếp thu và không tiếp thu, từ đó Chính phủ xem xét trình ra Quốc hội trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền để người dân quan tâm tới vấn đề quy hoạch có thể hiểu rõ vấn đề, tạo sự đồng thuận.

Huy Thắng (thực hiện)