|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Khắc phục lỗ hổng về xác định giá trị doanh nghiệp trong CPH

09:57 | 22/08/2017
Chia sẻ
Ngoài phát hiện vấn đề xác định không đúng giá trị doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) còn chỉ ra các hạn chế về cơ chế, chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (CPH DNNN), kiến nghị với cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn hạn chế, bất cập trong định giá và xử lý các vấn đề tài chính.
khac phuc lo hong ve xac dinh gia tri doanh nghiep trong cph
Ảnh: VGP/Anh Minh

Giá trị DN liệu đã chính xác?

Chính phủ đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN. Trong quá trình CPH, việc xác định giá trị DN trước khi cổ phần là giai đoạn then chốt, làm tiền đề cho việc phê duyệt phương án CPH về sau.

Kiểm toán kết quả định giá DNNN do KTNN tiến hành có ý nghĩa quan trọng, không chỉ dừng lại ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn Nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính, mà còn đánh giá thực trạng công tác định giá DN, các tồn tại, bất cập đang diễn ra trong quá trình CPH để kịp thời kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách hiện hành.

Tại hội thảo “Xác định giá trị DN trước khi CPH và vai trò của KTNN”, diễn ra ngày 21/8, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2016, KTNN đã kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi CPH của 7 DN, đã xác định vốn Nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ đồng.

Cơ quan kiểm toán đã chỉ ra nhiều hạn chế trong việc xác định giá trị DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất…

Người đứng đầu ngành kiểm toán cũng cho biết, KTNN đã chỉ ra các hạn chế về cơ chế, chính sách về CPH DNNN, kiến nghị với cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách còn hạn chế, bất cập trong định giá và xử lý các vấn đề tài chính.

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, KTNN chuyên ngành 6 cho biết, chỉ qua kiểm toán 8 DNNN trong năm 2016, cơ quan kiểm toán đã phải kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn Nhà nước hơn 8.000 tỷ đồng. Ví dụ, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn có giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN theo báo cáo là hơn 40.342 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán, con số này lên tới hơn 44.900 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, có tình trạng kiểm kê sót tài sản, hoặc phân loại tài sản để xử lý chưa đầy đủ. Một số đơn vị không xử lý các khoản tài chính như doanh thu, thu nhập khác, các khoản nợ phải thu, nợ phải trả.

Cùng với đó là tình trạng kê khai thiếu giá trị lợi thế kinh doanh, các loại chi phí liên quan tới hạng mục này như như chi phí tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại…

Có tình trạng không tính toán tài sản của các ban quản lý dự án chuyển giao giữa các giai đoạn, cho thấy dấu hiệu buông lỏng trong quản lý của các đơn vị.

Cần cơ quan thẩm định uy tín, độc lập và cơ chế chặt chẽ hơn

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, môi trường pháp lý về xác định giá trị DN nói chung, xác định giá trị DN để CPH DNNN nói riêng còn chưa hoàn chỉnh.

Theo thông lệ quốc tế, có nhiều phương pháp xác định giá trị DN và phổ biến hiện nay các nước đang áp dụng 5 phương pháp. Thế nhưng, ở nước ta quy định cho phép áp dụng 2 phương pháp, và hầu hết các đơn vị tư vấn chỉ chọn áp dụng phương pháp tài sản là chủ yếu, mà không áp dụng các phương pháp khác để kiểm chứng, trên cơ sở đó để lựa chọn mức giá phù hợp.

Dù phương pháp tài sản có nhiều ưu điểm, nhưng cũng bộc lộ không ít khiếm khuyết. Nhiều trường hợp không phản ánh sát thực tế, bỏ qua giá trị vô hình không được hạch toán trên sổ sách, dẫn đến giảm giá trị tài sản được đánh giá, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước.

Điều này thể hiện ở kết quả năm 2016, khi KTNN kiểm toán kết quả định giá DN để CPH của 7 đơn vị thì đã xác định vốn Nhà nước tăng thêm tại 6 DN theo phương pháp tài sản là 4.625 tỷ đồng…

Hay ví dụ về kiểm toán kết quả định giá 2 DN, gồm Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện áp dụng định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu, nhưng lại chỉ thực hiện xác định giá trị DN theo phương pháp tài sản. Khi định giá bằng phương pháp định giá tài sản, chênh lệch giữa con số kiểm toán và đơn vị định giá khoảng 400 tỷ đồng. Còn nếu áp dụng theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì giá trị DN tăng so với phương pháp tài sản do KTNN xác định là 15.684 tỷ đồng.

Từ những bất cập trên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được hướng dẫn chi tiết, chẳng hạn như các vấn đề: Xử lý tài chính; đánh giá lại giá trị thị trường các tài sản có trong DN, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất (đất thuê, giao), lợi thế kinh doanh; định lượng các quy định về khả năng sinh lợi của DN, thậm chí vẫn có công ty thẩm định giá chạy theo lợi ích, bóp méo giá trị thẩm định giá…

Điều này đòi hỏi cơ quan chỉ đạo CPH DNNN nên chọn các DN thẩm định giá thực sự có trình độ, chuyên sâu, chất lượng và uy tín để giao nhiệm vụ.

Ông Brian McEnery, Chủ tịch ACCA Toàn cầu phân tích thẳng thắn: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, CPH không phải là giải pháp “thần kỳ”. Quan trọng nhất là việc đa dạng hóa sở hữu giúp cải thiện việc ra quyết định của công ty, áp dụng các thực tiễn kinh doanh phù hợp hơn và bảo đảm nguồn vốn đa dạng hơn. Tuy nhiên, cơ hội chỉ có thể hiện thực hóa nếu có được chiến lược, giải pháp cải cách quản trị DN hiệu quả hỗ trợ.

Đại diện ACCA chia sẻ một số giải pháp cụ thể về việc lựa chọn phương pháp định giá, vai trò của các chuyên gia định giá ngoài cơ quan KTNN, cũng như công tác chuẩn bị cần thiết từ phía DNNN khi CPH ở Anh và quốc tế.

“Ngoài việc bảo đảm tính độc lập trong việc định giá và quy trình CPH DNNN, các cơ quan KTNN quốc tế thường xây dựng các bộ tài liệu về các thông lệ tốt nhất về định giá DNNN trước khi CPH trên cơ sở tập hợp các phát hiện, đề xuất trong quá trình kiểm toán đã thực hiện, nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện CPH DNNN nhanh và hiệu quả hơn”, ông Brian McEnery nói.

Anh Minh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.