Kết thúc hoạt động các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ
Hội nghị Trung ương 6, khóa 12, đã bế mạc vào sáng 11/10 với việc thống nhất thông qua các nghị quyết, kết luận của Trung ương về định hướng tinh gọn bộ máy; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; công tác dân số và chăm sóc sức khỏe người dân...
Phát biểu tại đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu khẩn trương xây dựng mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của Việt Nam trong giai đoạn mới; xác định những công việc cần thiết và có thể triển khai thực hiện ngay.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú ý quy định số lượng cấp phó tối đa của mỗi tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; có chính sách phù hợp để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm".
Hội nghị Trung ương 6, khóa 12, thống nhất kết thúc hoạt động của các ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Qua thảo luận, Trung ương Đảng thống nhất việc xây dựng cơ chế cạnh tranh trong tuyển dụng, đề bạt cán bộ; tinh gọn đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc; một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính...
Trung ương chỉ rõ: Tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được nhất trí cao; còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn. Ví dụ như: Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao.
Ngoài ra, Trung ương yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ; cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch HĐND; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện.
Tiến tới xóa bỏ "chủ quản" theo cơ chế cũ
Với khoảng 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập và 2,5 triệu biên chế đang làm việc tại đây, Trung ương yêu cầu phải khẩn trương sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động sao cho phù hợp với đặc điểm tình hình của từng ngành, lĩnh vực và địa bàn, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, nhưng không thương mại hóa.
Định hướng đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là giảm mạnh sự can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị; từng bước tiến tới xóa bỏ "chủ quản" theo cơ chế cũ.
Về công tác dân số, Trung ương nêu rõ việc đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước với quy mô dân số hợp lý (khoảng 104 triệu người vào năm 2030).
Các cơ quan chức năng vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; ngăn ngừa tư tưởng, tâm lý không hạn chế số lần sinh con.
Ngày 17/7/2002, Bộ Chính trị (khóa IX) ra quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo Tây Nguyên. Ban có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết định của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên; chỉ đạo và phối hợp với các lực lượng, các cơ quan chức năng đấu tranh xóa bỏ tổ chức phản động FULRO, xử lý những vấn đề đột xuất về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...
Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Phó trưởng ban thường trực là ông Điểu Kré, Ủy viên Trung ương Đảng.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng được thành lập năm 2002, Trưởng ban chỉ đạo hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó trưởng ban thường trực là ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng.
Gần đây, Uỷ ban kiểm tra Trung ương đã thông báo các vi phạm, khuyết điểm của Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ (giai đoạn 2011-2016) và một số cá nhân, trong đó có ông Nguyễn Phong Quang - Nguyên phó ban thường trực Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo Tây Bắc được thành lập năm 2004, Trưởng ban chỉ đạo là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó trưởng ban thường trực là ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng.