|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kem Thủy Tạ lãi lớn nhờ kinh doanh nhà hàng

08:02 | 12/05/2017
Chia sẻ
Sở hữu thương hiệu kem hơn 60 năm tuổi nhưng hoạt động kinh doanh nhà hàng mới là lĩnh vực đem lại lợi nhuận lớn nhất cho Kem Thủy Tạ.
kem thuy ta lai lon nho kinh doanh nha hang
Không phải bán kem, kinh doanh nhà hàng mới là lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao nhất cho Thủy Tạ. (Nguồn: Vnexpress)

Theo báo cáo tài chính kiểm toán vừa công bố, Công ty cổ phần Thủy Tạ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận năm 2016m đạt lần lượt 110 tỷ và 7,4 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với năm trước.

Tuy nhiên, dù sở hữu thương hiệu kem có danh tiếng không thua kém nhiều tên tuổi khác trên thị trường như Tràng Tiền, Kido hay Vinamilk, nhưng hoạt động đem lại lợi nhuận lớn nhất cho doanh nghiệp này lại đến từ kinh doanh hệ thống nhà hàng.

Năm 2016, các nhà hàng của Thủy Tạ đạt hơn 35 tỷ đồng doanh thu, đem về tới 22,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tương đương tỷ lệ 6,4 đồng lợi nhuận trên 10 đồng doanh thu. Trong khi lĩnh vực kem thu về gần 54 tỷ đồng, chỉ đem lại hơn 20 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

Lý do là bởi không chỉ nổi tiếng với kem, Thủy Tạ còn sở hữu một hệ thống nhà hàng và các cửa hàng kinh doanh dịch vụ, tọa lạc tại những vị trí đẹp nhất xung quanh hồ Gươm, trên đường Lê Thái Tổ. Trong đó, nhà hàng Đình Làng phục vụ các món ăn dân tộc có địa chỉ tại số 1 Lê Thái Tổ, nhà hàng Mamarosa phục vụ ẩm thực châu Âu tại số 6 Lê Thái Tổ và nhà hàng Long Vân phục vụ các món ăn nhanh, các loại kem và bánh ngọt tại số 3 Lê Thái Tổ.

Ngoài hai lĩnh vực này, Thủy Tạ còn sở hữu một cửa hàng đồ lưu niệm Việt Silk tại 97 Hàng Gai và hiệu ảnh Hồng Vân (Photolab Hồng Vân) tại số 3B Lê Thái Tổ. Doanh thu từ lĩnh vực hoạt động này đem lại gần 17 tỷ đồng trong năm 2016, với lợi nhuận gộp hơn 5 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thủy Tạ có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tiền thân là Nhà hàng Thủy Tạ được thành lập từ tháng 5/1958. Theo giới thiệu của công ty, Thủy Tạ cũng là nhà hàng duy nhất được giữ vị trí đẹp cạnh hồ Gươm.

Thương hiệu Kem Thủy Tạ có mặt tại Hà Nội từ những năm đầu công ty thành lập, nhưng phải đến năm 1999 khi Thủy Tạ đưa nhà máy kem với công suất 1 triệu lít một năm đi vào hoạt động, lĩnh vực kinh doanh này mới thực sự tăng trưởng. Từ 14 sản phẩm ban đầu, đến nay kem Thủy Tạ đã có hơn 50 loại sản phẩm với doanh thu từ mảng kinh doanh này mỗi năm trên 50 tỷ đồng.

Tuy vậy, hoạt động chững lại ở lĩnh vực cốt lõi này trong những năm gần đây cũng khiến việc giải quyết bài toàn tăng trưởng của Thủy Tạ gặp khó. Liên tục từ năm 2012 đến nay, doanh thu của Thủy Tạ chỉ loanh quanh ngưỡng 100 tỷ đồng. Thị phần của thương hiệu này trong ngành kem đã giảm xuống dưới 10% với sự gia tăng của các đối thủ khác như Vinamilk hay Kido.

Trong khi đó, theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường kem Việt Nam có quy mô khoảng 2.300 tỷ đồng, với tăng trưởng tiêu thụ bình quân lên tới hơn 16% mỗi năm.

Tính đến cuối năm 2016, Thủy Tạ có tổng tài sản gần 62 tỷ đồng, chủ yếu được tài trợ bởi vốn chủ sở hữu (chiếm 62%), trong khi phần nợ phải trả phần lớn là chiếm dụng vốn từ đối tác và các khoản nghĩa vụ tài chính liên quan đến tiền thuê đất.

Theo báo cáo thường niên mới công bố, cổ đông lớn nhất của công ty là Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), chiếm 51,2%. Các cổ đông lớn khác như Công ty TNHH Rồng vàng Thái Bình Dương sở hữu hơn 11%, ACB sở hữu 10% và hai cá nhân sở hữu gần 20% vốn điều lệ.

Minh Sơn