|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kê biên tài sản khủng của bà Hứa Thị Phấn

10:26 | 26/03/2018
Chia sẻ
Viện KSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bà Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín (viết tắt TrustBank, nay là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ).
ke bien tai san khung cua ba hua thi phan Hoàn tất cáo trạng truy tố Hứa Thị Phấn và 27 bị can
ke bien tai san khung cua ba hua thi phan Các bị can đã khai gì về 'bà trùm' Hứa Thị Phấn?

Bà Phấn bị truy tố về hai tội: lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại TrustBank.

Cùng bị truy tố về 2 tội danh trên là các bị can: Ngô Kim Huệ, nguyên Phó tổng giám đốc TrustBank, Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ (viết tắt Công ty Phú Mỹ) và Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty Phú Mỹ. Truy tố 24 bị can khác về tội cố ý làm trái, 1 bị can bị truy tố lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

ke bien tai san khung cua ba hua thi phan
Bất động sản số 10 Lý Tự Trọng (P.Bến Nghé, Q.1). ẢNH: NGỌC LÊ

Con cháu vào vòng lao lý

Theo hồ sơ, tháng 6.2010, vốn điều lệ của TrustBank là 3.000 tỉ đồng. Đầu năm 2007, bà Phấn mua gần 255 triệu cổ phần của TrustBank - tương đương hơn 2.500 tỉ đồng, chiếm gần 85% vốn điều lệ TrustBank. Bà Phấn cùng Công ty Phú Mỹ (công ty của bà Phấn) và 14 người trong gia đình, họ hàng của bà Phấn (gọi là nhóm Phú Mỹ) đứng tên vay vốn giúp bà Phấn.

Lợi dụng việc nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của TrustBank, bà Phấn đã lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng, rút ruột của TrustBank hơn 12.000 tỉ đồng. Hậu quả, TrustBank bị Ngân hàng Nhà nước xếp loại ngân hàng loại D (loại yếu kém), tháng 2.2012 vốn chủ sở hữu âm hơn 2.800 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ đồng. CQĐT đánh giá đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của VNCB sau này.

Trong số các bị can bị truy tố có 14 người trong gia đình (em ruột, cháu ruột, cháu rể, em rể) của bà Phấn. Cụ thể, em ruột bà Phấn là Hứa Xường (nguyên thành viên HĐQT TrustBank), các cháu của bà Phấn gồm: Ngô Kim Huệ; Ngô Nguyễn Đoan Trang (nguyên Phó tổng giám đốc TrustBank); Hứa Thị Bích Hạnh (nguyên Phó phòng đầu tư TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Mỹ); Ngô Thị Ngân (thủ quỹ); Lâm Hứa Quỳnh Trinh (nguyên Phó phòng phụ trách phòng ngân quỹ TrustBank); Nguyễn Thị Đoan Trang (thủ quỹ); Huỳnh Thị Xuân Hương (kế toán); Hồ Hứa Thùy Trang (thủ quỹ); Hồ Hứa Thùy Anh (thủ quỹ); Hồ Văn Tân (nhân viên Công ty CP địa ốc Lam Giang), Lâm Kim Dũng (nguyên Giám đốc Công ty địa ốc Lam Giang), Hồ Tuấn Kiệt và Hứa Hữu Đạt.

Theo cáo trạng, trong khi TrustBank chỉ có quỹ tiền mặt khoảng 20 tỉ đồng, nhưng thông qua Bùi Thị Kim Loan (giúp việc cho bà Phấn) bà Phấn chỉ đạo lãnh đạo, cán bộ phòng kế toán trong đó có các cháu của bà thu chi khống cho nhóm Phú Mỹ, khi khách hàng không đến ngân hàng giao dịch, hạch toán khống trên hệ thống SmartBank, sau đó lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục. Những người cháu này đã tiếp tay cho bà Phấn thu khống và sử dụng bất hợp pháp hơn 5.400 tỉ đồng.

Cũng theo cáo trạng, sau đó, lợi dụng Công ty CP đầu tư Phương Trang (gọi tắt Công ty Phương Trang) là doanh nghiệp có nhiều bất động sản (BĐS) lớn, đang cần vốn hoạt động kinh doanh, bà Phấn buộc công ty này ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt, phê duyệt cho vay và giải ngân không thông báo cho Công ty Phương Trang, đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang số tiền hơn 5.400 tỉ đồng. CQĐT xác định 7 người cháu ruột của bà Phấn giúp sức tích cực cho bà, nhất là Ngô Kim Huệ - người được bà Phấn nhờ đứng tên sở hữu hàng chục BĐS có giá trị lớn và hàng triệu cổ phần lớn cho bà.

Đến nay Công ty Phương Trang thừa nhận đã vay và nhận gần 4.000 tỉ đồng, chỉ thanh toán số tiền này cho ngân hàng, không chấp nhận dư nợ gốc 9.437 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là 221 ô tô, 44 BĐS tại TP.HCM, Đà Nẵng và Long An. TrustBank định giá tài sản này gần 15.000 tỉ đồng nhưng sau đó VNCB thuê công ty định giá 40/44 BĐS có hơn 7.300 tỉ đồng. CQĐT đã kê biên tài sản này. Đến nay không thu hồi được tổng dư nợ của Công ty Phương Trang, gây thiệt hại cho TrustBank hơn 5.400 tỉ đồng.

Kê biên số tài sản “khủng”

Điều mà nhiều người quan tâm đó là khối tài sản khổng lồ của bà Phấn bây giờ ở đâu, có giá trị lớn như thế nào, bởi bà Phấn nổi tiếng trong giới ngân hàng là người nắm giữ nhiều BĐS lớn ở TP.HCM và các tỉnh thành khác. Bà Phấn nhờ con cháu đứng tên các BĐS. Ngoài ra, số cổ phiếu mà bà này và cháu nắm giữ khi CQĐT kê biên, thu giữ khiến không ít người ngỡ ngàng.

Cụ thể, Hứa Thị Bích Hạnh đứng tên giúp cho bà Phấn 1 khu đất gần 1.700 m2 tại Q.Thủ Đức (TP.HCM); 7 căn hộ chung cư ở Q.7 (TP.HCM). Ngô Nguyễn Đoan Trang đứng tên 1 biệt thự hơn 1.564 m2 ở Q.Thủ Đức, 6 căn hộ dự án Sài Gòn Pearl ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) diện tích từ 84 - 318 m2. Ngoài ra, em ruột của bà Phấn là Hứa Thị Minh Hồng cũng đứng tên giúp bà 2 nhà đất tổng cộng gần 4.000 m2 tại Q.Thủ Đức. Huỳnh Thị Xuân Dung đứng tên giúp bà Phấn khu đất 1.327 m2 tại Q.Thủ Đức. Ngô Minh Quân cũng đứng tên miếng đất 162 m2 tại Q.Thủ Đức. CQĐT cũng kê biên BĐS 167-169-171-173 Trần Hưng Đạo, P.Cô Giang (Q.1, (TP.HCM)), chủ là Công ty Phú Mỹ với diện tích 340 m2. Ngoài các tài sản nói trên, bà Phấn còn hàng chục BĐS khác bị kê biên trong vụ án này.

Theo hồ sơ, bà Phấn thông qua Công ty Phú Mỹ và Công ty TNHH đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn và 22 người là nhân viên, hoặc có quan hệ họ hàng với bà đã đứng tên 26 BĐS rồi mua đi bán lại giữa các thành viên trong nhóm Phú Mỹ, để đẩy giá trị BĐS lên cao từ 2 đến 8 lần giá thị trường, sau đó chỉ đạo HĐQT và ban điều hành TrustBank mua 26 BĐS với giá gần 3.600 tỉ đồng. Nhưng theo thẩm định giá thị trường tháng 4.2014, 26 BĐS này chỉ có trị giá gần 1.400 tỉ đồng.

CQĐT cũng đã kê biên BĐS số 10 Lý Tự Trọng (P.Bến Nghé, Q.1) hơn 585 m2. Tại thời điểm tháng 9.2014 BĐS này được thẩm định 220 tỉ đồng, nhưng năm 2010 TrustBank đã mua lại tài sản này với giá là gần 520 tỉ đồng từ Công ty TNHH đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn. Hơn 1.044 tỉ đồng, 11.884 USD của 7 cá nhân và 3 công ty cùng nhiều tài sản khác tại Q.1 liên quan vụ án cũng bị CQĐT cấm chuyển dịch.

Không chỉ BĐS, mà còn có cổ phần, cổ phiếu của bà Phấn bị CQĐT đã phong tỏa. Cụ thể, bà Phấn có 620.775 cổ phần Trường đại học Công nghệ TP.HCM, hơn 1 triệu cổ phần Công ty CP Tập đoàn SSG và gần 3,2 tỉ đồng cổ tức thuộc sở hữu của bà Phấn. Số cổ phiếu, cổ phần của Ngô Kim Huệ bị phong tỏa là hơn 3,6 triệu chứng khoán nhiều công ty khác nhau và 6,1 tỉ đồng cổ tức. Hứa Xường cũng sở hữu tài sản khủng là hơn 10 triệu cổ phần, hơn 10 tỉ đồng cổ tức và nhiều BĐS.

Theo CQĐT, tất cả các tài sản nói trên bị kê biên, phong tỏa chờ cơ quan thẩm quyền xử lý.

Ngọc Lê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.