IMF: Hệ thống tài chính Trung Quốc đang đối mặt 3 thách thức
Trung Quốc có thể trở thành nước nhập khẩu lớn nhất thế giới trong 5 năm tới |
IMF đã chỉ ra ba rủi ro trong hệ thống tài chính của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước này |
Ba rủi ro của Trung Quốc
Trung Quốc đã từ bỏ vai trò là nhà máy của thế giới để trở thành một nền kinh tế hiện đại, tăng trưởng dựa vào tiêu dùng. Lĩnh vực tài chính đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này, nhưng đã phát triển thành một hệ thống phức tạp, với những khoản nợ lớn.
"Sự phức tạp ngày càng tăng của hệ thống tài chính đã làm gia tăng rủi ro cho hệ thống này", IMF cho biết trong báo cáo "Đánh giá ổn định lĩnh vực tài chính Trung Quốc 2017".
Báo cáo này là kết quả của một loạt những cuộc nghiên cứu của IMF đối với Trung Quốc từ tháng 10 năm 2015 đến tháng 9 năm 2017. Đánh giá này nhằm xác định các rủi ro của hệ thống tài chính để khuyến nghị Trung Quốc có giải pháp phòng ngừa, tránh tác động lan rộng trên toàn cầu.
Thách thức đầu tiên trong hệ thống tài chính của Trung Quốc là sự gia tăng rủi ro tín dụng, một phần nguyên nhân do áp lực chính trị mà các ngân hàng phải đối mặt để hỗ trợ các doanh nghiệp không bị phá sản. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp gặp khó khăn đã ngày càng vay nợ nhiều hơn để đạt được các mục tiêu tăng trưởng do các cơ quan chức năng Trung Quốc đặt ra.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc đã tăng từ 180% trong năm 2011 lên 255,9% vào quý 2 năm 2017. Tỷ lệ này gia tăng đã làm giảm năng suất và chất lượng tài sản trong hệ thống ngân hàng, làm tăng rủi ro mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt.
Thách thức thứ hai là việc tín dụng đang có xu hướng chuyển mạnh từ các ngân hàng chính thống sang các tổ chức phi ngân hàng hay còn được gọi là "ngân hàng ngầm". Điều này cũng đa làm gia tăng sự phức tạp của hệ thống tài chính Trung Quốc, khiến các cơ quan quản lý khó khăn hơn trong việc giám sát các hoạt động trong hệ thống.
Thách thức thứ ba là sự gia tăng "rủi ro đạo đức và chấp nhận rủi ro quá mức" vì tồn tại quan niệm rằng Chính phủ sẽ giải cứu các doanh nghiệp Nhà nước và các chính quyền địa phương gặp khó khăn.
Phản ứng trước đánh giá của IMF, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình rằng, PBoC không đồng ý với một số điểm trong báo cáo nhưng các khuyến nghị của IMF có nhiều liên quan trong bối cảnh cải cách tài chính sâu rộng của quốc gia này.
Một trong những điểm mà PBoC không đồng tình là kết luận rằng nhiều ngân hàng thiếu khả năng chịu được cú sốc tài chính. IMF cho biết 27 trong số 33 ngân hàng được nghiên cứu có vốn đầu tư thấp. Tuy nhiên, PBoC cho biết hệ thống tài chính Trung Quốc đủ khả năng chống chịu rủi ro này.
Trung Quốc hành động
Báo cáo của IMF được công bố vào thời điểm Trung Quốc đang cho thấy quyết tâm lớn hơn để kiềm chế rủi ro tài chính. Trong năm qua, các nhà chức trách đã tăng cường giám sát quy định và hạn chế những rủi ro này.
Các giải pháp chính bao gồm thiết lập một "cơ quan quản lý tài chính siêu cấp" để điều phối việc giám sát ngành ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Chính phủ cũng đã cấm các tổ chức quản lý tài sản cung cấp dịch vụ bảo đảm ngầm cho các nhà đầu tư.
Những nỗ lực của Trung Quốc đã mang lại kết quả. Theo đó, cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế hiện đã thừa nhận rủi ro hệ thống tài chính của Trung Quốc đã giảm bớt.
“Các rủi ro hệ thống của Trung Quốc đã giảm một chút trong năm vừa qua. Số liệu kinh tế Trung Quốc đã theo hướng tích cực, nhưng quan trọng hơn, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện", Ông Huntjens Joep, người đứng đầu bộ phận quản lý nợ châu Á tại NN Investment Partner, cho biết.
IMF cho biết họ công nhận những gì Trung Quốc đã làm và hoan nghênh cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc đảm bảo ổn định tài chính trong nước. Tuy nhiên, một số khoảng trống vẫn còn và IMF đã đưa những khuyến nghị để cải thiện hơn nữa.