|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Xuất khẩu cà phê niên vụ 2016 - 2017 đạt kỷ lục 122,45 triệu bao

22:22 | 08/11/2017
Chia sẻ
Báo cáo từ ICO cho biết, tổng xuất khẩu cà phê trong tháng 9 đạt 8,34 triệu bao, giảm so với 9,8 triệu cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, sản lượng cà phê giảm vào tháng cuối cùng của năm mùa vụ 2016 - 2017, tổng xuất khẩu đạt mức kỷ lục 122,45 triệu bao, tăng 4,8% so với mức 116,89 triệu bao của năm ngoái.
ico xuat khau ca phe nien vu 2016 2017 dat ky luc 12245 trieu bao
Ảnh minh họa.

Giá cà phê duy trì đà giảm từ cuối tháng 8

Ngoài ra, báo cáo cũng điều chỉnh tăng sản lượng cà phê năm mùa vụ 2016 – 2017 lên 157,44 triệu bao, tăng 3,4% so với năm ngoái, chủ yếu là do sản lượng tăng ở Honduras. Trong tháng 10, chỉ số giá tổng hợp ICO tiếp đà giảm, trung bình ở mức 120.01 USD cent/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2016 với mức giá trung bình ở 119,91 USD cent/pound.

Giá cà phê duy trì đà giảm từ cuối tháng 8, mặc dù giá khá ổn định trong tháng 10 và giảm vào cuối tháng. Trong tháng 10, chỉ số giá ICO dao động trong khoảng 118,36 - 122,79 USD cent/pound; và đạt trung bình ở mức 120.01 USD cent/pound, giảm 4.45 USD cent/pound so với mức bình quân trong tháng 9.

Các chỉ số của nhóm Arabica đều cho thấy xu hướng giảm trong tháng 10, dù có tăng nhẹ trong tuần đầu tiên của tháng. Trong tháng 9, cả 3 nhóm Arabica đều giảm giá vì giá trung bình của cà phê Arabica Colombia, quốc gia khác và Arabica Brazil giảm lần lượt 4,8%, 4% và 3,9%.

So với các nhóm Arabica, chỉ số giá cà phê Robusta tương đối ổn định, dao động trong khoảng 98,16 - 99,46 USD cent/pound trong hầu hết cả tháng, cho đến khi giảm xuống còn 94,62 USD cent/pound vào ngày cuối cùng của tháng.

Kết quả là, mức trung bình hàng tháng của nhóm Robusta chỉ thấp hơn 0,8% so với tháng 9. Mức chênh lệch trung bình trong tháng 10, được so sánh trên thị trường kỳ hạn New York và London, giảm 7,9% xuống 42,62 USD cent/pound sau 3 tháng tăng.

Trong khi đó, biến động trong ngày của chỉ số ICO giảm thêm 0,5 điểm % xuống còn 5,8%.

Tổng sản lượng năm cà phê 2016 - 2017 tăng 3,4%

Năm cà phê 2017 - 2018 hiện đã bắt đầu ở tất cả các quốc gia xuất khẩu cà phê. Dựa trên thông tin mới từ các quốc gia thành viên, ước tính tổng sản lượng năm cà phê 2016 - 2017 đã được điều chỉnh lên 157,44 triệu bao, tăng 3,4% so với năm trước đó.

Sản lượng Arabica được điều chỉnh tăng 14,7% lên 101,55 triệu bao, với sự gia tăng ở cả ba nhóm Arabica. Cụ thể, sản lượng cà phê Colombia tăng 2.7% lên 15.82 triệu bao, tại các quốc gia khác tăng 15.6% lên 30.29 triệu bao và sản lượng Arabica Brazil tăng 18.1% lên 55.44 triệu bao.

Tuy nhiên, sản lượng Robusta được ước tính giảm 12,2% xuống 55,89 triệu bao. Sản xuất cà phê tại các nước châu Phi, Mexico và Trung Mỹ và Nam Mỹ tăng lần lượt là 5,3%, 16,3% và 8,6% trong khi sản lượng ở châu Á giảm 9% trong năm cà phê 2016 - 2017. Sự gia tăng đáng kể trong sản xuất ở Mexico và Trung Mỹ chủ yếu nhờ sản lượng ở Honduras, với sự phục hồi từ dịch bệnh rỉ lá cà phê bùng phát trong khu vực và tình hình thời tiết thuận lợi.

Xuất khẩu cà phê niên vụ 2016 - 2017 tăng cao kỷ lục

Tổng sản lượng xuất khẩu trong tháng 9 đạt 8,34 triệu bao, giảm so với 9,79 triệu bao so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi xuất khẩu tháng cuối cùng của năm cà phê 2016 - 2017 giảm, tổng khối lượng cà phê xuất khẩu đạt mức kỷ lục 122,45 triệu bao, tăng 4,8% so với 116,89 triệu bao vào năm cà phê 2015 - 2016. Xu hướng xuất khẩu cà phê niên vụ 2016 - 2017 cùng chiều đà tăng của cả 3 nhóm Arabica. Xuất khẩu cà phê Arabica Colombia tăng 8% lên 14,66 triệu bao, của các quốc gia khác tăng 15,6% lên 27,02 triệu bao, và cà phê Arabica Brazil tăng 2,6% lên 35,84 triệu bao.

Trong khi sản lượng cà phê Robusta giảm mạnh trong năm 2016 - 2017, xuất khẩu lại tương đối ổn định, đạt 44,93 triệu bao. Trong số 10 nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất trong niên vụ 2016 - 2017, chỉ có Brazil và Việt Nam ghi nhận xuất khẩu giảm so với năm trước đó.

ico xuat khau ca phe nien vu 2016 2017 dat ky luc 12245 trieu bao

Trong khi xuất khẩu của Brazil giảm 8,8% xuống 31,58 triệu bao trong năm 2016 - 2017, sản xuất của quốc gia này tăng 9,2% lên 55 triệu bao. So với niên vụ 2015 - 2016, số liệu sơ bộ về xuất khẩu cà phê xanh và hòa tan của Brazil cho thấy xuất khẩu của cả hai mặt hàng này đã giảm 8,8% trong năm cà phê 2016 - 2017 xuống lần lượt 28,13 triệu bao và 3,3 triệu bao. Xuất khẩu cà phê rang cũng được ước tính giảm, nhưng chiếm dưới 1% tổng xuất khẩu.

Báo cáo còn cho thấy xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng 5,5% / năm trong 15 năm qua, mặc dù biến động tăng, giảm vẫn thường diễn ra qua các năm. Tổng xuất khẩu cà phê năm 2016 – 2017 được ước tính giảm 6.4% xuống còn 24,76 triệu bao, sau khi đạt kỷ lục vào năm trước. Mặc dù vậy, đây vẫn năm có mức xuất khẩu cao thứ 3 trong lịch sử.

Xuất khẩu cà phê xanh được ước tính giảm 12% xuống 22,79 triệu bao và chiếm 92% tổng xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2016 - 2017. Tuy nhiên, ước tính xuất khẩu cà phê hòa tan đã tăng gấp 3 lần lên 1,97 triệu bao. Sản xuất cà phê của Việt Nam trong năm 2016 - 2017 ước đạt 25,5 triệu bao, giảm 11,3% so với năm ngoái, ghi nhận mức sản lượng thấp nhất kể từ niên vụ 2012 - 2013. Tại Colombia, sản xuất hiện được ước tính đạt 14,5 triệu bao trong năm cà phê 2016 - 2017, tăng 3,5% so với năm trước đó và là mùa tăng thứ 5 liên tiếp. Tổng khối lượng xuất khẩu của Colombia tăng 9,6% lên 13,49 triệu bao vì sản xuất tăng tạo ra nguồn cung lớn. Xuất khẩu cà phê xanh lên đến 12,57 triệu bao, chiếm 93% tổng xuất khẩu. Xuất khẩu cà phê hòa đạt 0,77 triệu bao, chiếm 6% trong tổng số lô hàng trong năm 2016 - 2017.

ico xuat khau ca phe nien vu 2016 2017 dat ky luc 12245 trieu bao

Xuất khẩu cà phê của Indonesia tăng từ 6,12 triệu bao trong năm 2015 - 2016 lên 11,1 triệu bao trong năm cà phê 2016 - 2017. Các số liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê xanh, chiếm khoảng 72% tổng xuất khẩu, tăng 32,6% lên 8 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê xanh từ Honduras tăng 41,8% lên mức kỷ lục 7,29 triệu bao trong niên vụ 2016 – 2017, đánh dấu năm tăng trưởng thứ 3 liên tiếp và biến Honduras trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới. Thời tiết thuận lợi và năng suất cải thiện, kết quả của một phần từ những dự án cây trồng mới đã góp phần thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.

Sau khi tăng năm thứ 2 liên tiếp, lượng cà phê tiêu thụ trên thế giới được ước tính duy trì ổn định ở mức 155,06 triệu bao, dựa vào số liệu tạm thời của năm cà phê 2016 – 2017. Với sản lượng cà phê toàn cầu tăng nhiều hơn so với khối lượng tiêu dùng ổn định, niên vụ cà phê 2016 – 2017 hiện ghi nhận mức thặng dư sau 2 năm thâm hụt liên tiếp, với sản lượng sản xuất nhiều hơn lượng tiêu dùng là 2,38 triệu bao. Theo ICO, thị trường có nguồn cung ổn định kể từ khởi đầu niên vụ 2017 – 2018 với nguồn dự trữ từ năm trước đó.

Lyly Cao

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.