ICO: Thị trường cà phê tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 3
Chỉ số giá cà phê tổng hợp ICO trung bình hàng tháng tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 3, giảm 1,1% xuống 112,99 USD cent/pound. Chỉ số hàng ngày khởi đầu tháng với mức cao ở 115,23 USD cent/pound, nhưng giảm dần cho tới hết tháng. Chỉ số ICO chạm mức thấp nhất ở 110,73 USD cent/pound vào ngày 23/3. Theo đó, ngoài mức giá đạt được trong ngày 12/12/2017, đây là chỉ số ICO thấp nhất kể từ ngày 2/3/2016.
Giá của tất cả các nhóm chỉ số đều giảm trong tháng 3. Cụ thể, giá cà phê Arabica Colombia giảm 1,4% xuống trung bình 139,45 USD cent/pound. Giá cà phê Arabica từ các quốc gia khác và Brazil giảm 0,9% xuống lần lượt 135,03 USD cent/pound và 119,8 USD cent. Với sự biến động này, chênh lệch giữa giá cà phê Arabica Colombia và cà phê Arabica từ các nước sản xuất khác giảm 15,3% xuống mức trung bình 4,42 USD cent/pound.
Tương tự, giá cà phê Robusta trung bình hàng tháng giảm 1,2% xuống 88,18 USD cent/pound, đảo chiều xu hướng tăng trong tháng 2.
Mức chênh lệch trung bình trong tháng 3 của giá cà phê giao dịch trên sàn New York và London giảm 3,8% xuống 41,8 USD cent/pound, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017. Ngoài ra, biến động trong ngày của chỉ số giá tổng hợp ICO cũng giảm 0,9 điểm phần trăm xuống 4,3%.
Báo cáo cũng cho biết, sản xuất cà phê toàn cầu trong năm mùa vụ 2017 – 2018 ước tính đạt 159,66 triệu bao, tăng 1,2% so với năm 2016 – 2017. Trong đó, sản lượng cà phê Robusta tăng 12,1% đã cân bằng sự sụt giảm 4,6% về sản lượng của cà phê Arabica.
Trong tháng 2, khối lượng cà phê xuất khẩu trên thế giới là 9,93 triệu bao, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng khối lượng xuất khẩu trong giai đoạn tháng 10/2017 – 2/2018 đạt 50,98 triệu bao so với mức 49,41 triệu bao so với cùng kỳ năm 2016 – 2017, tăng 3,2%.
Sản lượng cà phê Arabica giảm chủ yếu là vì sản xuất cà phê Arabica Colombia giảm 4,6% xuống 15,21 triệu bao và cà phê Arabica Brazil ước giảm 9,6% xuống 50,23 triệu bao. Tuy nhiên, sản xuất cà phê Arabica từ các quốc gia khác dự báo tăng 4,3% so với năm ngoái lên 31,98 triệu bao.
Theo số liệu từ Liên đoàn những người trồng Cà phê Quốc gia của Colombia, tổng sản lượng của quốc gia này trong giai đoạn tháng 10/2017 – tháng 2/2018 đạt 6,27 triệu bao so với mức 6,94 triệu bao so với cùng kỳ một năm trước. 5 năm qua, sản lượng trong 5 tháng đầu năm cà phê chiếm khoảng 43% tổng sản lượng cả năm. Sự sụt giảm về sản xuất của nhóm cà phê Arabica Brazil chủ yếu là do sản xuất của Brazil đi xuống. Tổng sản lượng cà phê Arabica từ các quốc gia khác ước đạt 31,98 triệu bao trong năm mùa vụ 2017 – 2018, tăng 4,3% so với năm ngoái nhờ sản lượng từ 4 nhà sản xuất cà phê Arabica hàng đầu dự báo sẽ tăng.
Còn xuất khẩu cà phê Arabica đạt 32,47 triệu bao trong 5 tháng đầu năm mùa vụ 2017 – 2018, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ xuất khẩu cà phê Arabica từ quốc gia khác và cà phê Braizl tăng lên đã cân bằng sự sụt giảm về khối lượng của cà phê Arabica Colombia. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica từ quốc gia khác và Braizl tăng lần lượt 7,6% lên 9,99 triệu bao và 4% lên 16,3 triệu bao.
Kết quả từ báo cáo cũng cho thấy, xuất khẩu cà phê Arabica Colombia giảm 9,9% xuống 6,18 triệu bao. Sự sụt giảm về khối lượng xuất khẩu cà phê Colombia phản ánh sản lượng cà phê của Colombia trong 5 tháng đầu năm đã đi xuống, trong khi sản lượng lớn từ các quốc gia sản xuất khác đã giúp xuất khẩu cà phê Arabica tăng. Trong đó, Ethiopia là quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng xuất khẩu trong nhóm cà phê Arabica Brazil, với 0,96 triệu bao trong 5 tháng đầu năm 2017 – 2018, tăng 42,4% so với năm ngoái.
Trong khi đó, sản lượng cà phê Robusta tăng từ 55,6 triệu bao trong năm 2016 – 2017 lên 62,24 triệu bao năm 2017 – 2018 nhờ sản xuất gia tăng tại Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ. Sản lượng cà phê của Việt Nam ước tăng 15,5% so với năm ngoái lên 29,5 triệu bao, với chủ yếu là sản lượng cà phê Robusta. Sản xuất tại Indonesia dự báo tăng 4,4% so với năm ngoái lên 12 triệu bao trong năm 2017 – 2018, trong khi của Ấn Độ ước tăng 12,3% lên 5,84 triệu bao.
Tăng trưởng sản xuất phù hợp với khối lượng xuất khẩu cà phê Robusta, đã tăng 5,2% lên 18,52 triệu bao trong 5 tháng đầu mùa vụ hiện tại. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê Robusta xanh của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm ngoái vì trời mưa đã trì hoãn hoạt động thu hoạch hồi đầu vụ. Khối lượng cà phê Robusta xanh xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn tháng 10/2017 – tháng 2/2018 ước đạt 9,64 triệu bao so với 9,75 triệu bao cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cà phê Robusta xanh của Ấn Độ tăng 16,2 triệu bao lên 1,27 triệu bao trong 5 tháng đầu mùa vụ hiện tại, trong khi xuất khẩu từ Uganda tăng 9,6% lên 1,47 triệu bao.
Năm mùa vụ cà phê 2017 – 2018 được dự báo ghi nhận năm thặng dư sản lượng thứ 2 liên tiếp, với sản xuất vượt qua tiêu thụ là 778.000 bao. Con số này đang ảnh hưởng tới giá cà phê toàn câu trong năm cà phê hiện tại.
Bên cạnh đó, xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đã tăng so với cùng kỳ năm 201 6 – 2017, thời điểm xuất khẩu ghi nhận mức cao chưa từng có. Điều này đã tạo áp lực lên giá cà phê khi thị trường có nguồn cung ổn định từ đầu vụ cà phê. Dự trữ tại các quốc gia xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục ở 26,33 triệu bao vào cuối tháng 6/2017 và giảm còn 22,59 triệu bao vào cuối tháng 9/2017. Tháng 6/2009 là năm cuối cùng dự trữ tại quốc gia nhập khẩu cà phê đạt mức cao chưa từng thấy.