Hướng dẫn mới nhất về tách thửa tại TP HCM
Sau ba tháng ban hành Quyết định 60/2017 của UBND TP quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT, vừa ký văn bản hướng dẫn 24 quận/huyện về điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nghiệm thu hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với trường hợp tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật theo quyết định này.
Với Quyết định 60/2017 của TP, người dân sẽ "dễ thở hơn". |
Theo Sở QH-KT, khu đất chỉ được thực hiện các thủ tục tách thửa sau khi người sử dụng đất thực hiện hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật và được cơ quan chức năng nghiệm thu, tiếp nhận.
Lập quy hoạch 1/500 cho khu vực được tách thửa
Theo Quyết định 60, đối với các thửa đất có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, UBND TP chỉ đạo UBND các quận/huyện phải lập tổ công tác liên ngành để xem xét giải quyết. Văn bản hướng dẫn của Sở QH-KT làm rõ trách nhiệm của các địa phương là phải xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm, đánh giá báo cáo kết quả định kỳ sáu tháng/lần trong việc tách thửa có hình thành đường giao thông.
Việc tách thửa này phải căn cứ vào kế hoạch cụ thể từng năm của quận/huyện và căn cứ vào đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn đã được duyệt.
Về điểm này, Sở QH-KT nêu rõ quận/huyện phải xác định các khu vực quy hoạch chức năng đất dân cư hiện hữu, đất dân cư hiện hữu kết hợp chỉnh trang, kể cả đất dân cư xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở thuộc các trường hợp được tách thửa theo Quyết định 60, khẩn trương lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Việc này nhằm “làm cơ sở quản lý đô thị theo quy hoạch được duyệt trong công tác tách thửa đất ở kết hợp với công tác chỉnh trang đô thị tại khu vực” - văn bản của Sở QH-KT nêu.
Sau khi lập quy hoạch 1/500, quận/huyện tổ chức họp tổ công tác liên ngành xem xét và thống nhất phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với các khu đất có nhu cầu tách thửa đất ở.
Việc tách thửa phải căn cứ vào kế hoạch cụ thể từng năm của quận/huyện. |
Sở QH-KT lưu ý, để làm cơ sở cho việc tách thửa đất ở đảm bảo yêu cầu đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp với quy hoạch, UBND quận/huyện cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 các khu đất quy hoạch có chức năng như đã nêu trên. Chậm nhất trong quý II-2018, quận/huyện phải gửi kế hoạch này cho Sở QH-KT để phối hợp thực hiện.
“Trong thời gian chờ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, các trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, quận/huyện lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở QH-KT về quy hoạch trước khi chấp thuận cho tách thửa. Sở sẽ có ý kiến bằng văn bản chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận công văn của quận/huyện” - Sở QH-KT cho biết.
Đường giao thông phải theo quy hoạch được duyệt
Trong văn bản hướng dẫn, Sở QHKT đã cụ thể các tiêu chí về đường giao thông nội bộ, cao độ nền và thoát nước mặt, cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng và thông tin liên lạc khi tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông.
Theo Sở QHKT, lộ giới đường giao thông hình thành mới phải tuân thủ quy hoạch 1/2000 hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn đã được duyệt. Nếu từ đường 12m trở lên phải đảm bảo có bề rộng tối thiểu là 7m, vỉa hè không nhỏ hơn 1m, lòng đường không nhỏ hơn 4m.
Báo Pháp Luật TP HCM từng tổ chức giao lưu trực tuyến để giải đáp những thắc mắc về tách thửa. |
Đối với đường giao thông hình thành mới kết nối với đường giao thông hẻm đã có quy hoạch lộ giới từ 7 m trở xuống thì đường giao thông hình thành mới không nhỏ hơn quy hoạch được duyệt. Trường hợp đường giao thông hẻm có lộ giới lớn hơn 7 m và nhỏ hơn 12 m thì đường giao thông hình thành mới không nhỏ hơn 7 m.
Đối với khu vực chưa có quy hoạch lộ giới hẻm thì lộ giới đường giao thông mới phải phù hợp với Quyết định 88/2007 của UBND TP quy định về lộ giới và quản lý đường hẻm trong khu dân cư hiện hữu.
Nếu đường giao thông mới hình thành mà ảnh hưởng đến các hộ dân liền kề, theo Sở QH-KT, người sử dụng đất phải phối hợp với UBND phường/xã lấy ý kiến đồng thuận của hộ dân bị ảnh hưởng trước khi đề nghị thỏa thuận phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Trách nhiệm của người sử dụng đất- Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo phương án được duyệt. Tuân thủ đúng việc đấu nối hệ thống cấp điện, nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn. - Lập hồ sơ hoàn công và tổ chức nghiệm thu. - Lập danh mục hồ sơ hoàn công. - Bảo hành công trình theo quy định. Thời gian bảo hành tính từ ngày ký biên bản bàn giao hạ tầng kỹ thuật và không ít hơn 12 tháng. |